Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng nay (ngày 4/8), nhằm tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức rất nhiều hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo từ kỳ họp thứ 5, nhằm hoàn thiện hơn nữa chất lượng dự án Luật.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn 12 nội dung lớn có ý kiến khác nhau

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đến nay dự thảo còn 12 nội dung lớn có ý kiến khác nhau như: Quyền của đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm được thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê (khoản 2 Điều 35); quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...

Ông Thanh cho hay, đến nay dự thảo còn 12 nội dung lớn có ý kiến khác nhau như: Quyền của đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm được thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê (khoản 2 Điều 35); quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tiêu chí thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (điểm e và điểm g khoản 3 Điều 79); mức phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất (Điều 113); các quy định liên quan đến thu hồi đất chưa có trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh (điểm d khoản 1 Điều 80; khoản 4 Điều 83); áp dụng phương pháp thặng dư để định giá đất (khoản 4 Điều 158); cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (Điều 138)…

“Đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung các nội dung còn có ý kiến khác nhau, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, nội dung của Nghị quyết 18–NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao…”, ông Thanh gợi ý thảo luận.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn 12 nội dung lớn có ý kiến khác nhau
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung góp ý điều kiện chuyển nhượng đất trồng lúa (Điều 46) làm sao bảo đảm đối tượng nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sử dụng đúng mục đích sản xuất nông nghiệp, hạn chế tình trạng đầu cơ, thu gom đất trồng lúa. Dự thảo Luật bổ sung quy định tại khoản 5 Điều 46 theo hướng chặt chẽ hơn như: cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa, thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại khoản 5 Điều 46…

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm (Điều 35), các ý kiến đề xuất cần quy định làm sao để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí quỹ đất đang do các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, nhưng cần bảo đảm chặt chẽ.

Mặt khác, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng bổ sung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 35: Đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm, thì không được bán và góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê. Tuy nhiên, quy định này cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa để phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm chặt chẽ. Đề nghị đơn vị sự nghiệp công lập trong trường hợp này không được thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê để bảo toàn tài sản công.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào cuối năm nay./.