Chất lượng đào tạo nghề nghiệp Việt Nam tăng 13 bậc
Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 đánh giá các nước dựa trên 12 trụ cột, trong đó có tiêu chí về thị trường lao động. Trụ cột kỹ năng đánh giá dựa trên đánh giá nhóm Lực lượng lao động hiện thời và Lực lượng lao động tương lai, với tiêu chí học vấn (trung bình số năm đi học) và kỹ năng.
Bảng xếp hạng so sánh 10 nước ASEAN năm 2019
Với nhóm kỹ năng của lực lượng lao động hiện thời, Báo cáo đánh giá Việt Nam xếp thứ 103/141 quốc gia, thăng 8 bậc so với năm 2018. Trong đó, chất lượng đào tạo nghề nghiệp được chấm 44/100 điểm (tăng 3 điểm), và xếp thứ 102/141 quốc gia, tăng 13 bậc. Đây là mức tăng xếp hạng cao nhất trong các quốc gia ASEN.
Kỹ năng cần cho doanh nghiệp của học sinh, sinh viên tốt nghiệp xếp thứ 116/141, tăng 12 bậc. Tính riêng khả năng doanh nghiệp tìm được lao động có kỹ năng phù hợp với vị trí cần tuyển được xếp thứ 96/141, thăng 8 bậc.
Với việc nâng xếp hạng chất lượng 13 bậc năm 2019, đào tạo nghề nghiệp đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 (lên từ 20-25 bậc, năm 2019 ít nhất 5 bậc).
Mặc dù mức độ thăng hạng số 1 ASEAN song để đạt mục tiêu tăng thứ hạng trên thế giới, vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá lớn cần rút ngắn có thể trong dài hạn. Chỉ so sánh riêng với Indonesia (xếp thứ 37/141) chúng ta vẫn xếp sau 65 bậc. Xếp hạng GCI 4.0 có cách tính điểm mới, từ 0 đến 100 (tốt nhất - điểm tới hạn). Cách tính điểm này nhấn mạnh rằng năng lực cạnh tranh không phải là cuộc đua mà có thể được cải thiện cho tất cả các nền kinh tế theo nghĩa "vượt lên chính mình"./.
Bình luận