Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức, ngày 5/3 tại Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của sáng kiến Liêm chính giữa Doanh nghiệp và Chính phủ - GBII thuộc Đề án 12 được tài trợ thông qua dự án vùng "Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN" do UNDP triển khai với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh.

Sự kiện diễn ra đúng thời điểm Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sắp chính thức có hiệu lực vào tháng 07/2019, mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước (khu vực doanh nghiệp). Những nghiên cứu thảo luận tại hội thảo sẽ kịp thời giúp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tuân thủ quy định pháp luật về trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp thông qua xây dựng bộ quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ, trên thế giới, kiểm soát nội bộ là một trong những mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi mắt xích quản trị doanh nghiệp. Kiểm soát nội bộ là công cụ hữu hiệu giúp giảm thiểu rủi ro, phát hiện gian lận, đảm bảo tuân thủ quy định, thông lệ tốt về quản trị công ty. Đồng thời, cải thiện hoạt động quản trị nội bộ và kiện toàn ban kiểm soát nội bộ vững mạnh để đủ năng lực trợ giúp hội đồng quản trị thực hiện tốt vai trò giám sát.

Theo kết quả nghiên cứu thu được từ 239 doanh nghiệp tham gia khảo sát và 40 doanh nghiệp tham gia vào các cuộc phỏng vấn sâu đã cho thấy, tỷ lệ lớn các doanh nghiệp còn hiểu chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về khái niệm kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử.

Cụ thể, có nhiều doanh nghiệp cho rằng, kiểm soát nội bộ chỉ đơn thuần là trách nhiệm của kiểm soát viên nội bộ, chứ không phải là vấn đề quản trị doanh nghiệp. Chỉ có 50%-60% doanh nghiệp cho thấy sự hiểu biết rõ ràng cũng như vai trò quan trọng của kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS,TS. Nguyễn Văn Thắng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho biết, các vấn đề về tuân thủ, như trong mối quan hệ với cơ quan nhà nước một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp đã vi phạm một số quy định và việc chi trả chi phí không chính thức trong các mối quan hệ được sử dụng khá rộng rãi vài chiếm tỷ trọng khá lớn.

Mối quan hệ cá nhân và việc sử dụng chi phí không chính thức được ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau chiếm từ 25% - 30% trong các giao dịch kinh doanh. Một phần ba doanh nghiệp được hỏi cho biết không bao giờ áp dụng phương thức đấu thầu mua sắm cạnh tranh.

Các hoạt động bất thường trong mua sắm, bán hàng đều chiếm tỷ lệ không nhỏ trong các doanh nghiệp tham gia khảo sát. Những điều này đều có nguy cơ tác động đáng kể tới tính liêm chính trong kinh doanh.

Hay trong hoạt động bán hàng cũng vậy, 11%-16% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có nhận ra những bất thường, như: lập hóa đơn sai, bán hàng không theo đúng chính sách của doanh nghiệp, giao hàng không đúng như cam kết trong hợp đồng...

Đáng báo động hơn là các bất thường trong quản lý nhân sự, có khoảng 27%-38% số người trả lời rằng họ có biết các hoạt động, như: thực hiện không đầy đủ các khoản phải nộp cho người lao động, chưa tuân thủ pháp luật về lao động trong ký kết và thực hiện hợp đồng, hay việc tuyển dụng dựa phần lớn vào quen biết, quan hệ nhiều hơn là năng lực....

Theo PGS, TS. Nguyễn Văn Thắng, kết quả nghiên cứu đã phần nào phản ánh rõ những mặt hạn chế, thậm chí là không hiệu quả trong quản lý nói chung. Ngoài ra, tại các công ty có quy mô lớn, vai trò của ban kiểm soát hoạt động còn khá hình thức, chưa thể hiện rõ chức năng nhiệm vụ yêu cầu cao về tính độc lập, mà còn phụ thuộc lớn vào hội đồng quản trị và ban điều hành.

Đánh giá về vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, khi các hệ thống kiểm soát và tuân thủ của doanh nghiệp không được áp dụng hoặc không thực hiện đúng chức năng, thì các hành vi xấu dễ có cơ hội nảy sinh trong các công ty và vượt ra ngoài biên giới thông qua các chuỗi cung ứng, đầu tư và thương mại toàn cầu. Sự lãnh đạo đúng đắn, các hệ thống tuân thủ kiểm soát rủi ro tham nhũng và việc quản trị, giám sát bằng quy định rõ ràng là những yếu tố quan trọng xây dựng liêm chính doanh nghiệp.

Do đó, muốn thực hiện được phòng chống tham nhũng hay thực hiện liêm chính doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, bên cạnh khát vọng, mong muốn, mục tiêu hướng tới, cần phải có những mô hình, công cụ và công nghệ. VCCI đã nghiên cứu và xây dựng bộ công cụ, Bộ quy tắc ứng xử để các doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng được một cách đơn giản để góp phần xây dựng doanh nghiệp liêm chính.

Đại diện cơ quan tài trợ, ông Gareth Ward, Đại sứ Anh tại Việt Nam, đại diện cơ quan tài trợ khẳng định, với các nỗ lực từ phía Chính phủ, nhất là khi Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực sẽ tạo đà thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tuân thủ và thể hiện rõ cam kết xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện một chương trình liêm chính doanh nghiệp hiệu quả cần có sự hợp tác và tham gia của các bên liên quan, không chỉ từ phía cơ quan Chính phủ mà kể cả các doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Thúc đẩy môi trường kinh doanh tập trung vào lĩnh vực liêm chính doanh nghiệp sẽ là một trong những ưu tiên của Vương quốc Anh tại Việt Nam.

Đồng quan điểm, bà Caitlin Wiesen, quyền Trưởng đại diện UNDP thường trú tại Việt Nam đã đề cao tầm quan trọng của bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ trong việc thúc đẩy liêm chính trong doanh nghiệp. Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh, việc áp dụng các công cụ này là trách nhiệm của các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế theo Điều 79 Chương VI của Luật Phòng, chống tham nhũng. UNDP sẽ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xây dựng cẩm nang hướng dẫn áp dụng bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ, đồng thời cung cấp các khóa đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho những doanh nghiệp còn đang tìm cách áp dụng các công cụ đó./.