Lộc Văn Nghiêm

Email: nghiemvdc@gmail.com

Học viên, Khoa Sau đại học, Trường Đại học Lạc Hồng

Nguyễn Văn Hải

Tác giả liên hệ, Email: nvhai@lhu.edu.vn

Giảng viên, Trường Đại học Lạc Hồng

Nguyễn Hữu Huỳnh Anh

Email: anhnhh2208@gmail.com

Học viên, Khoa Sau đại học, Trường Đại học Lạc Hồng

Hồ Thanh Tuấn

Email: thanhtuan11lhu@gmail.com

Học viên, Khoa Sau đại học, Trường Đại học Lạc Hồng

Võ Văn Sơn

Email: sonvv@sacombank.com

Học viên, Khoa Sau đại học, Trường Đại học Lạc Hồng

Trương Ngọc Thúy Ái

Email: aitnt@sacombank.com

Học viên, Khoa Sau đại học, Trường Đại học Lạc Hồng

Tóm tắt

Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu đo lường mức độ hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB thông qua các yếu tố cấu thành gồm: Môi trường kiểm soát; Đánh giá rủi ro; Hoạt động kiểm soát; Thông tin và truyền thông và Giám sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố Giám sát có mức độ ảnh hưởng mạnh nhất đến sự hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đưa ra các hàm ý quản trị dựa trên kết quả phân tích hồi quy, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống kiểm soát nội bộ tại đơn vị.

Từ khóa: kiểm soát nội bộ, sự hữu hiệu, Công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB.

Summary

This study aims to measure the effectiveness of the internal control system at GSB Steel Structure Joint Stock Company through the following components: Control environment; Risk assessment; Control activities; Information and communication and Monitoring. The research results show that the Monitoring factor has the strongest influence on the effectiveness of the internal control system. On that basis, the study provides management implications based on the regression analysis results, contributing to improving the quality of the internal control system at the unit.

Keywords: internal control, effectiveness, GSB Steel Structure Joint Stock Company.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang vận hành theo cơ chế thị trường và xu hướng hội nhập toàn cầu, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng trở nên gay gắt và khốc liệt. Điều này yêu cầu các doanh nghiệp không chỉ mở rộng quy mô mà còn phải cải thiện chiều sâu hoạt động để có thể tồn tại ổn định và phát triển bền vững trong một thị trường đầy rủi ro (Vuong và Nguyen, 2024). Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp đều có khả năng quản lý và kiểm soát hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình, cũng như đảm bảo rằng việc tuân thủ pháp luật, các quy định và lập báo cáo tài chính diễn ra một cách chính xác, đáng tin cậy.

Công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB là một doanh nghiệp mới trong ngành xây dựng, đặc biệt là trong lĩnh vực kết cấu thép. Tuy nhiên, công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc triển khai công tác kiểm soát nội bộ. Việc xây dựng và cải thiện hệ thống kiểm soát nội bộ là vấn đề cấp thiết để công ty có thể đảm bảo sự hiệu quả trong hoạt động; đồng thời, tuân thủ đúng các quy định pháp luật và cung cấp báo cáo tài chính đáng tin cậy.

Mô hình kiểm soát nội bộ COSO, với 5 thành phần chủ yếu bao gồm: Môi trường kiểm soát; Đánh giá rủi ro; Hoạt động kiểm soát; Thông tin và truyền thông và Giám sát, đã chứng minh được hiệu quả trong việc thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh. Mô hình này giúp công ty không chỉ quản lý rủi ro một cách toàn diện, mà còn bảo đảm sự minh bạch trong báo cáo tài chính và tuân thủ quy định pháp luật. Việc áp dụng mô hình COSO vào hệ thống kiểm soát nội bộ tại Công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB sẽ là cơ sở để cải thiện quy trình quản lý, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, góp phần vào sự phát triển bền vững của công ty.

Do đó, việc nghiên cứu lý thuyết về hệ thống kiểm soát nội bộ theo mô hình COSO để cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm soát tại Công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB là một nhiệm vụ quan trọng. Đây là cơ sở giúp công ty xây dựng một hệ thống kiểm soát nội bộ vững mạnh, đảm bảo tính minh bạch, chính xác trong báo cáo tài chính và hỗ trợ công ty trong việc quản lý các rủi ro, từ đó duy trì sự phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh hiện nay. Chính vì vậy, nhóm tác giả chọn nghiên cứu đề tài "Đánh giá sự hữu hiệu và các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ tại Công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB".

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Kiểm soát nội bộ là một quy trình chịu tác động từ hội đồng quản trị, các nhà lãnh đạo và những nhân viên khác trong tổ chức. Quy trình này được thiết lập với mục đích cung cấp sự đảm bảo hợp lý để đạt được các mục tiêu theo các lĩnh vực sau: Sự hữu hiệu và hiệu quả của các hoạt động, báo cáo tài chính đáng tin cậy và sự tuân thủ pháp luật và quy định hiện hành (Commission, 2013). Kiểm soát nội bộ được thực hiện thông qua các chính sách, tiêu chuẩn và quy trình. Việc thiết lập và quản lý hệ thống kiểm soát nội bộ thuộc về trách nhiệm của Hội đồng quản trị và các nhà quản lý. Quy trình thực hiện kiểm soát nội bộ tại đơn vị chủ yếu bao gồm các bước: xây dựng, triển khai, kiểm tra và đánh giá các chính sách, tiêu chuẩn và quy trình. Hội đồng quản trị có vai trò quan trọng trong việc định hình hoạt động kiểm soát của đơn vị thông qua việc hướng dẫn các chính sách và quan điểm của nhà quản lý. Nhân viên trong tổ chức là người thực hiện các quy trình kiểm soát hàng ngày bằng cách tuân thủ quy định của hệ thống kiểm soát nội bộ; vì vậy, khả năng, thái độ làm việc và phẩm chất của họ có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của kiểm soát nội bộ. Qua việc thực hiện và thi hành các quy trình kiểm soát, kiểm soát nội bộ có trách nhiệm đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống và đưa ra đề xuất khắc phục những tồn tại, thiếu sót của hệ thống (Babatunde và Dandago, 2014).

Kiểm soát nội bộ đóng vai trò thực sự quan trọng trong kinh doanh và hoạt động bình thường của mọi doanh nghiệp. Ngày nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp sớm xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ để quản lý hoạt động kinh doanh của đơn vị mình, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh có hoạt động đấu thầu và phạm vi hoạt động trải dài các khu vực khác nhau, điển hình là Công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB. Một hệ thống kiểm soát đã cũ, không liên tục được đánh giá độ hữu hiệu sẽ luôn tồn tại nhiều rủi ro cho hoạt động quản lý và gây tổn thất tài sản của công ty. Điều này có nghĩa muốn hoạt động kinh doanh của đơn vị được hiệu quả và bền vững, nhà quản lý không còn cách nào khác là phải luôn linh động, cập nhật, thay đổi các chính sách không còn phù hợp, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của kiểm soát, tìm hiểu và đánh giá rủi ro tiềm ẩn để xây dựng một hệ thống kiểm soát nội bộ hoàn thiện (Cao Việt Bách, 2023).

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hữu hiệu hệ thống kiểm soát nội bộ tại Công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB

Dựa vào các lý thuyết, các nghiên cứu trước đây, nhóm nghiên nghiên cứu đã đưa ra các yếu tố ảnh hưởng chính đến sự hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB bao gồm:

Môi trường kiểm soát là yếu tố nền tảng trong hệ thống kiểm soát nội bộ, bao gồm các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong một tổ chức. Môi trường kiểm soát tạo điều kiện cho các thủ tục kiểm soát có thể hoạt động hiệu quả, giúp đạt được các mục tiêu của doanh nghiệp (Commission, 2013). Môi trường kiểm soát bao gồm: nhận thức, thái độ và hành vi của các nhà quản lý đối với vấn đề kiểm soát, mức độ ưu tiên cho việc kiểm soát, cũng như sự phối hợp nhịp nhàng trong các hoạt động kiểm soát giữa các bộ phận. Các yếu tố này góp phần tạo ra một nền tảng vững chắc để thực hiện các thủ tục kiểm soát một cách hiệu quả, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro và đạt được sự tuân thủ cũng như cải thiện hiệu quả hoạt động của tổ chức (Noorvee, 2006).

H1: Yếu tố Môi trường kiểm soát có ảnh hưởng tích cực đến Sự hữu hiệu của kiểm soát nội bộ.

Đánh giá rủi ro: là quá trình xác định, phân tích và đánh giá các yếu tố có thể gây rủi ro cho tổ chức, nhằm hiểu rõ mức độ ảnh hưởng và khả năng xảy ra của các rủi ro đó. Mục tiêu của đánh giá rủi ro là để nhận diện các yếu tố tiềm ẩn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động, mục tiêu và kết quả của tổ chức, từ đó giúp tổ chức đưa ra các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa hoặc giảm thiểu rủi ro một cách hiệu quả (Noorvee, 2006; Otoo và cộng sự, 2021).

H2: Yếu tố Đánh giá rủi ro có ảnh hưởng tích cực đến Sự hữu hiệu của kiểm soát nội bộ.

Hoạt động kiểm soát: là các quy trình, thủ tục và biện pháp được thiết lập trong một tổ chức để đảm bảo rằng các mục tiêu, kế hoạch và chiến lược được thực hiện đúng đắn và hiệu quả. Các hoạt động này nhằm phát hiện và ngăn ngừa các rủi ro, sai phạm, gian lận, cũng như đảm bảo tuân thủ các quy định, luật lệ và các chính sách nội bộ của tổ chức (Noorvee, 2006; Otoo và cộng sự, 2021).

H3: Yếu tố Hoạt động kiểm soát có ảnh hưởng tích cực đến Sự hữu hiệu của kiểm soát nội bộ.

Thông tin và truyền thông: là quá trình đảm bảo rằng thông tin quan trọng được thu thập, xử lý, và truyền đạt một cách chính xác, kịp thời và đầy đủ giữa các cá nhân, bộ phận trong tổ chức, nhằm hỗ trợ việc thực hiện các hoạt động kiểm soát hiệu quả. Mục đích của thông tin và truyền thông trong kiểm soát nội bộ là giúp các thành viên trong tổ chức hiểu rõ các quy trình, trách nhiệm và các yếu tố liên quan đến hệ thống kiểm soát nội bộ, từ đó đảm bảo rằng các mục tiêu kiểm soát và tuân thủ được thực hiện một cách chính xác (Commission, 2013; Mary, 2017).

H4: Yếu tố Thông tin và truyền thông có ảnh hưởng tích cực đến Sự hữu hiệu của kiểm soát nội bộ.

Giám sát: là quá trình theo dõi, đánh giá và kiểm tra liên tục hoặc định kỳ để đảm bảo rằng các biện pháp kiểm soát nội bộ đang được thực hiện đúng đắn và đạt hiệu quả như mong đợi. Mục tiêu của giám sát là xác định các vấn đề, thiếu sót trong hệ thống kiểm soát, từ đó đưa ra các biện pháp điều chỉnh, cải tiến để hệ thống kiểm soát hoạt động hiệu quả hơn (Commission, 2013; Lê Ngọc Thanh, 2017; Mary, 2017).

H5: Yếu tố Giám sát có ảnh hưởng tích cực đến Sự hữu hiệu của kiểm soát nội bộ.

Mô hình nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu đề xuất của nhóm tác giả được thể hiện như sau:

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Đánh giá sự hữu hiệu và các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống kiểm soát nội bộ tại Công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB

Nguồn: nhóm tác giả đề xuất

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu định tính

Trong giai đoạn nghiên cứu sơ bộ, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, bao gồm: phân tích, tổng hợp các tài liệu chuyên ngành, sách báo và nguồn thông tin trên internet. Mục tiêu của giai đoạn này là xây dựng một mô hình thang đo, từ đó điều chỉnh và thiết lập bảng câu hỏi được sử dụng trong nghiên cứu chính thức để khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến độ hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ đang được áp dụng tại đơn vị.

Trong quá trình nghiên cứu này, nhóm tác giả đã tiến hành nhờ sự trợ giúp tư vấn của nhóm chuyên gia là những người có sự am hiểu sâu rộng về kiểm soát nội bộ đến từ những trường đại học các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Định... Qua đó, nhóm tác giả đã điều chỉnh thang đo ban đầu, xây dựng bảng câu hỏi dựa trên ý kiến và đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực này và thống nhất được thang đo chính thức để tiến hành khảo sát.

Nghiên cứu định lượng

Nghiên cứu định lượng được thực hiện nhằm kiểm định thang đo và mô hình nghiên trong giai đoạn nghiên cứu chính thức. Thang đo Likert 5 mức độ được sử dụng: (1) - Hoàn toàn không đồng ý; (2) - Không đồng ý; (3) - Tạm đồng ý; (4) - Đồng ý; (5) - Hoàn toàn đồng ý. Để phân tích dữ liệu thu thập từ mẫu, như: Kiểm định độ tin cậy của thang đo bằng phân tích Cronbach’s Alpha; Phân tích nhân tố khám phá (EFA); Phân tích hồi qui bội, nhóm nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS.

Điều kiện chọn kích thước mẫu được tuân theo hai nguyên tắc sau: Thứ nhất, vì nghiên cứu có sử dụng phương pháp phân tích EFA, nên kích thước mẫu được chọn theo công thức: n > 5*x (Trong đó x: là tổng số biến quan sát), và nghiên cứu được xây dựng với 30 biến quan sát nên mẫu tối thiểu là 5*30 = 150 mẫu quan sát.Thứ hai, theo Nguyễn Đình Thọ (2013), để tiến hành phân tích hồi quy thì kích thước mẫu tối thiểu được tính bằng công thức: 50+8*n, (trong đó n là biến độc lập), trong nghiên cứu này có 5 biến độc lập. Như vậy, theo tiêu chí này, thì kích thước mẫu tối thiểu là: 50+8*5= 90 mẫu. Tổng hợp hai điều kiện trên để tiến hành phân tích EFA, thì kích thước mẫu phải từ 150 mẫu trở lên.

Nghiên cứu định lượng thông qua phương pháp chọn mẫu thuận tiện, khảo sát bằng bảng câu hỏi gửi trực tiếp đến 320 cán bộ công nhân viên tại Công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB từ nhiều phòng ban khác nhau, kết quả tổng hợp có 291 phiếu thu về hợp lệ được đưa vào xử lý. Số lượng phiếu này thỏa mãn số lượng mẫu tối thiểu cho nghiên cứu đã đặt ra phía trên. Dữ liệu thu thập từ bảng câu hỏi khảo sát được tiến hành xử lý bằng phần mềm SPSS 26.0. Sau khi mã hóa và làm sạch, dữ liệu sẽ trải qua các bước phân tích thống kê mô tả, phân tích kiểm định thang đo, EFA, hồi quy.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thống kê mô tả

Bảng 1: Kết quả thống kê mô tả mẫu nghiên cứu

Thông tin mẫu

Mã hóa giá trị

Tần suất (Người)

Tỷ lệ (%)

Tỷ lệ tích lũy (%)

Giới tính

1- Nữ

117

40,2

40,2

2- Nam

174

59,8

100

Tổng

291

100

Chức vụ

1–Trưởng phòng

12

4,12

4,12

2 – Phó phòng

24

8,24

12,36

3 – Nhân viên

244

83,84

96,2

4 – Khác

11

3,8

100

Tổng

291

100

Nhóm tuổi

1 - Dưới 25

35

12,02

12,02

2 - Từ 25-30

64

21,9

33,92

3 - Từ 30-35

75

25,8

59,72

4 - Trên 35

117

40,28

100

Tổng

291

100

Số lượng CBCNV/phòng ban

1 – Dưới 15 người

103

35,4

35,4

2 – Từ 25-30 người

141

48,5

83,9

3 – Trên 30 người

47

16,1

100

Tổng

291

100

Trình độ

1 – Sau đại học

46

15,8

15,8

2 – Đại học

141

48,5

64,3

3 – Cao đẳng

98

33,7

97,9

4 – Trung cấp

6

2,1

100

Tổng

291

100

Nguồn: nghiên cứu của nhóm tác giả

Bảng 1 cung cấp một cái nhìn tổng quan về mẫu nghiên cứu gồm 291 người lao động tại đơn vị, với các tiêu chí phân loại, gồm:

Về giới tính: Trong tổng số 291 phiếu thu về thì nữ giới chiếm 40,2% và nam giới chiếm 59,8% cho thấy rằng tại công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB người lao động là nam giới chiếm đa số.

Về chức vụ: những người tham gia khảo sát là những người có công việc gắn trực tiếp với kiểm soát nội bộ tại công ty, cụ thể Trưởng phòng chiếm 4,12%, phó trưởng phòng chiếm 8,24%, nhân viên chiếm 83,84% và khác chiếm 3,8%.

Về nhóm tuổi: có thể thấy, tỷ lệ người tham gia lao động tại Công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB đa số là những người trên 35 tuổi chiếm 40,28%, những người dưới 25 tuổi chiếm tỷ lệ 12,02% và tỷ lệ người từ 25 - 30 tuổi chiếm 21,9%, còn lại là từ 30-35 tuổi chiếm 25,8%.

Về trình độ: nhân viên có trình độ đại học chiếm 48,5%, cao đẳng chiếm 33,7%, Sau đại học chiếm 15,8% và cuối cùng là trung cấp chiếm 2,1%.

Như vậy, mẫu nghiên cứu bao gồm 291 cán bộ công nhân viên tham gia trực tiếp vào kiểm soát nội bộ đa phần là nam giới, đa phần có độ tuổi từ 30 trở lên, trình độ học vấn bậc cao đẳng và đại học chiếm đa số.

Kiểm định chất lượng thang đo

Theo Hair và cộng sự (1998), hệ số Cronbach’s Alpha sử dụng được trong trường hợp nghiên cứu khái niệm mới hoặc mới đối với bối cảnh nghiên cứu phải đạt từ mức 0,6 trở lên. Kiểm định độ tin cậy thang đo cho 5 nhóm yếu tố cho thấy, tất cả đều có hệ số Cronbach’s Alpha > 0,7. Đồng thời, các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng > 0,3 và hệ số Cronbach’s Alpha nếu xóa thang đo đó đều nhỏ hơn Cronbach’s Alpha của nhóm. Điều này cho thấy, các biến quan sát của các thang đo đều đảm bảo độ tin cậy. Từ đó, tất cả các biến quan sát ban đầu đều được giữ lại trong phân tích nhân tố khám phá tiếp tRFFAheo (Bảng 2).

Bảng 2: Kết quả kiểm định thang đo của các yếu tố theo hệ số Cronbach’s Alpha

Mã hóa

Yếu tố

Biến thang đo

Cronbach’s Alpha

MT

Môi trường kiểm soát

MT1, MT2, MT3, MT4, MT5, MT6, MT7

0,929

RR

Đánh giá rủi ro

RR1, RR2, RR3, RR4, RR5

0,872

HD

Hoạt động kiểm soát

HD1, HD2, HD3, HD4, HD5, HD6

0,948

TT

Thông tin và truyền thông

TT1, TT2, TT3, TT4

0,859

GS

Giám sát

GS1, GS2, GS3, GS4

0,837

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu của nhóm tác giả

Phân tích EFA

Kiểm định EFA các biến độc lập

Bảng 3: Kiểm định KMO và Barlett của các biến độc lập

KMO

0,916

Kiểm định Bartlett

Chi bình phương xấp xỉ

6072,264

df

325

Sig.

0,000

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu của nhóm tác giả

Bảng 4: Kết quả phân tích yếu tố các thang đo yếu tố sau khi xoay nhân tố

Nhân tố

1

2

3

4

5

MT5

0,843

MT7

0,830

MT3

0,825

MT6

0,802

MT4

0,778

MT1

0,771

MT2

0,656

HD6

0,914

HD5

0,909

HD1

0,879

HD2

0,857

HD4

0,823

HD3

0,811

RR4

0,777

RR1

0,765

RR5

0,746

RR2

0,721

RR3

0,653

GS2

0,792

GS3

0,763

GS4

0,731

GS1

0,711

TT2

0,799

TT3

0,761

TT1

0,729

TT4

0,682

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu của nhóm tác giả

Kết quả phân tích (Bảng 4) cho thấy, trong ma trận nhân tố sau khi xoay, sự tập trung của các biến quan sát theo từng nhân tố rất rõ ràng, các biến quan sát đều có hệ số tải nhân tố > 0,5 thể hiện mức độ quan trọng cũng như sự chặt chẽ của thang đo ban đầu, tất cả các thang đo đều đạt được giá trị hội tụ và giá trị phân biệt. Kết quả xoay yếu tố cho thấy, 26 biến quan sát được phân thành 5 nhóm yếu tố và không có biến nào loại khỏi mô hình.

Phân tích EFA biến phụ thuộc

Bảng 5: Kiểm định KMO và Barlett của biến phụ thuộc

KMO

0,700

Kiểm định Bartlett

Chi bình phương xấp xỉ

414,122

df

6

Sig.

0,000

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu của nhóm tác giả

Kết quả phân tích (Bảng 5) cho biến phụ thuộc cho thấy, chỉ số KMO = 0,700 (> 0,5 và < 1), ngoài ra kết quả kiểm định Bartlett = là 414,122 và hệ số Sig. = 0,000 (< 5%). Kết quả này cho thấy, phân tích yếu tố và phù hợp với dữ liệu nghiên cứu và dữ liệu nghiên cứu dùng để phân tích yếu tố là hoàn toàn hợp lý.

Bảng 6: Kết quả phân tích yếu tố của biến phụ thuộc sau khi xoay ma trận

Biến quan sát

Nhân tố

1

SHH1

0,880

SHH4

0,854

SHH3

0,697

SHH2

0,675

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu của nhóm tác giả

Từ Bảng 6, bốn biến SHH1, SHH2, SHH3, SHH4 được gom lại thành 1 nhóm yếu tố duy nhất và tiếp tục được sử dụng trong các phân tích tiếp theo.

Phân tích hồi quy bội

Thực hiện phân tích hồi quy với 05 biến độc lập: (1) Môi trường kiểm soát - MT; (2) Đánh giá rủi ro - RR; (3) Hoạt động kiểm soát – HD; (4) Thông tin và truyền thông - TT; (5) Giám sát - GS và biến phụ thuộc Sự hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ của Công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB – SHH. Theo mô hình nghiên cứu đề nghị ban đầu, phương trình hồi quy chuẩn hóa có dạng như sau:

SHH = β1*MT + β2*RR + β3*HD + β4*TT + β5*GS

Trong đó βk là hệ số hồi quy riêng cho từng biến giải thích (k=1…5).

Bảng 7: R2 hiệu chnh

Mô hình

R

R2

R2 hiệu chnh

Sai số chuẩn

Durbin-Watson

1

0,807a

0,652

0,646

0,40432

1,870

a. Predictors: (Hằng số), MT, RR, HD, TT, GS

b. Dependent Variable: SHH

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu của nhóm tác giả

Kết quả phân tích (Bảng 7) cho thấy, hệ số hiệu chỉnh R2 hiệu chỉnh = 0,646, điều này cho thấy tất cả các biến độc lập ảnh hưởng đến 64,6% sự thay đổi của biến phụ thuộc SHH, còn lại 35,4% là do ảnh hưởng của các biến khác ngoài mô hình, tác giả chưa tìm được hoặc do sai số ngẫu nhiên. Tiếp theo là hệ số Durbin-Watson = 1,870 và nằm trong giá trị từ 1 đến 3, điều này chứng tỏ không xảy ra hiện tượng tự tương quan trong mô hình thiết lập được.

Bảng 8: Kết quả mô hình hồi quy

Mô hình

Hệ số hồi quy chưa chuẩn hóa

Hệ số hồi quy chuẩn hóa

T

Sig.

Kiểm tra đa cộng tuyến

B

Sai số chuẩn

Beta

Độ chấp nhận

VIF

1

Hằng số

0,186

0,146

1,275

0,203

MT

0,104

0,037

0,124

2,831

0,005

0,636

1,573

RR

0,164

0,040

0,190

4,074

0,000

0,564

1,773

HD

0,132

0,031

0,165

4,235

0,000

0,801

1,249

TT

0,207

0,044

0,220

4,694

0,000

0,555

1,802

GS

0,337

0,041

0,361

8,180

0,000

0,628

1,591

a. Biến phụ thuộc: SHH

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu của nhóm tác giả

Kết quả phân tích (Bảng 8) cho thấy, hệ số phóng đại phương sai (VIF) của từng yếu tố có giá trị nhỏ hơn 10 nên mô hình hồi quy không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến. Từ kết quả phân tích hồi quy, tác giả thiết lập phương trình hồi quy như sau:

SHH = 0,361*GS + 0,220*TT + 0,190*RR + 0,165*HD + 0,124*MT

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 5 yếu tố của mô hình đều tác động đến Độ hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB, mức độ tác động theo mức độ giảm dần như sau: Giám sát (GS); Thông tin và truyền thông (TT); Đánh giá rủi ro (RR); Hoạt động kiểm soát (HD); Môi trường kiểm soát (MT).

Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất các hàm ý quản trị giúp nâng cao sự hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ tại Công ty Cổ phần Kết cấu thép GSB, cụ thể như sau:

Một là, thúc đẩy văn hóa kiểm soát nội bộ và cam kết từ lãnh đạo: Tăng cường cam kết từ lãnh đạo, ban lãnh đạo cần thể hiện sự quyết tâm trong việc triển khai và duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ, vì đây là yếu tố thiết yếu giúp kiểm soát rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động. Lãnh đạo nên làm gương trong việc tuân thủ quy trình kiểm soát. Đồng thời, xây dựng văn hóa tuân thủ và trách nhiệm, khuyến khích mọi nhân viên, từ quản lý đến nhân viên vận hành, nhận thức rõ vai trò trong việc duy trì kiểm soát nội bộ. Tạo cơ hội để nhân viên góp ý và tham gia vào quá trình giám sát.

Hai là, hoàn thiện và chuẩn hóa quy trình kiểm soát nội bộ: Thiết lập quy trình rõ ràng cho từng phòng ban, mỗi phòng ban có đặc điểm riêng, vì vậy cần xác định các quy trình cụ thể nhằm đảm bảo hoạt động được tiến hành nhất quán và có kiểm soát. Tài liệu hóa và cập nhật các quy trình định kỳ, việc tài liệu hóa giúp nhân viên dễ dàng tuân thủ và là cơ sở để rà soát, điều chỉnh khi cần. Các quy trình cần được xem xét và cập nhật ít nhất hàng năm để phù hợp với tình hình hoạt động thực tế.

Ba là, tăng cường đánh giá và quản lý rủi ro: Phân loại và đánh giá rủi ro trong lĩnh vực hoạt động, Rủi ro có thể bao gồm rủi ro sản xuất (sai sót kỹ thuật, chậm tiến độ), rủi ro tài chính (thanh toán, công nợ) và rủi ro pháp lý (tuân thủ quy định). Công ty cần có phương pháp xác định và đánh giá mức độ nghiêm trọng của từng loại rủi ro. Cùng với việc áp dụng công cụ phân tích rủi ro tiên tiến: Sử dụng các công cụ như phân tích SWOT, PESTLE hay ma trận xác suất - tác động để đánh giá và phát hiện các rủi ro tiềm ẩn. Kết quả này sẽ làm cơ sở để thiết kế biện pháp kiểm soát thích hợp.

Bốn là, ứng dụng công nghệ vào hệ thống kiểm soát nội bộ: Triển khai phần mềm quản lý kiểm soát, sử dụng phần mềm sẽ giúp tự động hóa quy trình giám sát, phát hiện sớm rủi ro và giảm thiểu sai sót do con người. Các phần mềm này hỗ trợ theo dõi, giám sát và báo cáo hoạt động liên tục. Tập chung vào việc xây dựng hệ thống kiểm soát truy cập và bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn cho dữ liệu quan trọng thông qua các giải pháp bảo mật và quyền truy cập. Đặc biệt trong xây dựng, bảo vệ thông tin thiết kế, kỹ thuật và kế hoạch sản xuất là rất cần thiết.

Năm là, nâng cao năng lực đội ngũ kiểm soát nội bộ: Đào tạo thường xuyên và chuyên sâu, cung cấp chương trình đào tạo định kỳ về kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro cho nhân viên kiểm soát nội bộ và các bộ phận khác để trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết. Đồng thời, khuyến khích nhân viên tham gia hội thảo, đăng ký các khóa học bên ngoài về chuyên môn để nâng cao năng lực. Có thể hợp tác với chuyên gia hoặc tổ chức chuyên môn để tiếp thu các thông lệ tốt nhất.

Sáu là, tiến hành kiểm tra, kiểm toán và đánh giá định kỳ: Thiết lập quy trình kiểm toán nội bộ định kỳ, công ty nên tổ chức kiểm toán nội bộ định kỳ (ít nhất mỗi năm một lần) để đánh giá hiệu quả của quy trình kiểm soát nội bộ và phát hiện vấn đề tiềm ẩn. Định kỳ mời các đơn vị kiểm toán độc lập để có cái nhìn khách quan về hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ hiện tại, từ đó đưa ra giải pháp cải tiến và tối ưu hóa.

Bảy là,cải tiến liên tục hệ thống kiểm soát nội bộ để đáp ứng thay đổi trong kinh doanh: Đáp ứng các thay đổi từ pháp luật và thị trường, kiểm soát nội bộ cần có sự linh hoạt để thích ứng với những biến động của pháp luật và thị trường. Cần xây dựng một cơ chế linh hoạt cho phép điều chỉnh quy trình kiểm soát khi có sự thay đổi đáng kể từ bên ngoài. Thiết lập kế hoạch cải tiến dài hạn cho kiểm soát nội bộ, xác định mục tiêu cải tiến cho giai đoạn dài hạn (3-5 năm) nhằm đảm bảo hệ thống kiểm soát nội bộ không chỉ đáp ứng yêu cầu hiện tại mà còn hỗ trợ cho sự phát triển bền vững và lâu dài của công ty. Phân quyền và phân chia trách nhiệm rõ ràng trong hệ thống kiểm soát nội bộ, rõ ràng hóa trách nhiệm giữa các phòng ban sẽ giúp giảm thiểu xung đột lợi ích và nâng cao tính minh bạch trong hoạt động. Giám sát chéo và đánh giá lẫn nhau, tạo điều kiện cho các bộ phận giám sát và đánh giá lẫn nhau để phát hiện lỗi, hạn chế thiếu sót và tăng cường tính minh bạch. Việc cải thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại Công ty Cổ phần Kết cấu Thép GSB là một quá trình lâu dài, yêu cầu sự tham gia và cam kết mạnh mẽ từ ban lãnh đạo, ứng dụng công nghệ, đào tạo nhân viên và thiết lập quy trình kiểm tra, giám sát hiệu quả. Những hướng đi này không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động, mà còn đảm bảo tính ổn định và phát triển bền vững cho công ty./.

Tài liệu tham khảo

1. Babatunde, S. A., and Dandago, K. I. (2014), Internal control system deficiency and capital project mis-management in the Nigerian public sector, Procedia-Social and Behavioral Sciences, 164, 208-221.

2. Cao Việt Bách (2023), Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại Công ty TNHH Nam Việt Auto, Luận văn thạc sĩ Trường Đại học Lạc Hồng.

3. Commission, C. o. S. O. o. t. T. (2013), Internal Control-Integrated Framework Framework and Appendices, May 2013.

4. Hair, J. F., Black, W. C., Babin, B. J., Anderson, R. E., and Tatham, R. (1998), Multivariate data analysis, Upper Saddle River, NJ: Prentice hall.

5. Lê Ngọc Thanh (2017), Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại công ty TNHH Framas Korea Vina, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Lạc Hồng.

6. Mary, A. I. (2017), Impact of effective internal control in the management of mother and child Hospital Akure, Ondo State, Journal of Finance and Accounting, 5(1).

7. Nguyễn Đình Thọ (2013), Giáo trình phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, Nxb Tài chính.

8. Noorvee, L. (2006), Evaluation of the effectiveness of internal control over financial reporting, University of Tartu.

9. Otoo, I. C., Asumah, S., Peprah-Amankona, G., and Andzie, A. T. (2021), Impact of Internal Control Systems on Performance of Universal Banks: Evidence from Ghana, Journal of Financial Risk Management, 10(4), 473-486.

10. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. AISDL.

Ngày nhận bài: 25/11/2024; Ngày phản biện: 19/12/2024; Ngày duyệt đăng: 17/12/2024