Chỉ bảo lãnh tín dụng cho các “doanh nghiệp chiến thắng”
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 03 về Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn Ngân hàng Thương mại. Tới năm 2013, trước yêu cầu phát triển mạnh mẽ đội ngũ doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra Quyết định số 58 về quy chế thành lập, tổ chức, hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Các quyết định trên tạo ra khung khổ pháp lý để triển khai đồng bộ, thống nhất hoạt động bảo lãnh tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay từ tổ chức tín dụng để duy trì, phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Ở góc độ đơn vị có nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng, ông Nguyễn Chí Trang, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB cho biết, nhiệm vụ đặt ra cho VDB bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng lại không cấp nguồn cho đơn vị này thực hiện. Đã vậy, quy trình thẩm định dự án đầu tư của VDB và ngân hàng thương mại chưa thống nhất nguyên tắc phối hợp, điều kiện, trình tự thủ tục…
Đánh giá về vai trò của bảo lãnh tín dụng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây là nghiệp vụ ngân hàng rất quan trọng trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, chưa có nguồn lực hỗ trợ nhiều được cho cộng đồng DNNVV.
Thông qua bảo lãnh tín dụng, các DNNVV, nhất là các DN siêu nhỏ có nhu cầu vay vốn, có khả năng phát triển nhưng không đủ điều kiện về tài sản bảo đảm có thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết từ ngân hàng thương mại.
Nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 35 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, do đó, cần phải có quyết sách để thực hiện hiệu quả cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.
Trên cơ sở những vướng mắc của VDB, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, chỉ đạo VDB đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg về quy chế bảo lãnh cho DNNVV vay vốn ngân hàng thương mại, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện các cơ chế, chức năng về bảo lãnh tín dụng, nhất là việc xử lý những tồn đọng trong bảo lãnh tín dụng tại VDB.
Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương đánh giá việc thực hiện Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg về quy chế thành lập, tổ chức, hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ trì với các bộ khác dự thảo Nghị định quy chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV song song với tiến trình sửa đổi, bổ sung dự án Luật DNNVV đang được Quốc hội cho ý kiến, vì bảo lãnh tín dụng cũng là một nội dung quan trọng trong dự thảo Luật.
Về mô hình hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục bám sát các quy định tại Quyết định số 58. Tuy nhiên, nguồn hình thành quỹ bước đầu lấy từ ngân sách nhà nước và cấp bổ sung, từ tiền lãi gửi, tiền phí bảo lãnh thu được, chênh lệch thu chi, vốn tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, bao gồm cả ODA phục vụ phát triển DNNVV.
Về đối tượng bảo lãnh tín dụng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quỹ này sẽ hướng tới bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, siêu nhỏ không đủ sức tiếp cận nguồn lực từ ngân hàng, nhất là các quy định về tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm, nhưng lại có phương án kinh doanh tốt.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, không phải DNNVV nào cũng được bảo lãnh. Phó Thủ tướng giao các bộ đặt ra tiêu chí xác định đối tượng rõ ràng để có thể “hỗ trợ các doanh nghiệp chiến thắng, chứ không hỗ trợ các doanh nghiệp chiến bại”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng Nghị định về cơ chế tổ chức, điều hành, cơ chế bảo lãnh tín dụng theo hướng bảo lãnh toàn bộ nhu cầu vay, không đặt vấn đề phải có tài sản bảo đảm như yêu cầu vay vốn tại ngân hàng thương mại, không hủy ngang bảo lãnh và có mức thu phí bảo lãnh phù hợp.
Các cơ quan liên quan phối hợp nghiên cứu xác định mối quan hệ 3 bên quỹ bảo lãnh tín dụng, ngân hàng thương mại và DNNVV theo nguyên tắc thị trường, các quy định của luật pháp, nhưng vẫn đảm bảo thủ tục thuận lợi cho DNNVV và quy định trách nhiệm cuối cùng cho quỹ bảo lãnh tín dụng.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu dự thảo Nghị định nhấn mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chia sẻ rủi ro cho bảo lãnh tín dụng là trích lập dự phòng rủi ro, bảo đảm có sự tham gia của bảo hiểm vào hoạt động này./.
Bình luận