Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ ngày 03/11/2015
Ưu đãi sản xuất chíp sinh học phục vụ khám chữa bệnh
Thủ tướng Chính phủ đồng ý Dự án "Ứng dụng công nghệ gen trong sản xuất chíp sinh học phục vụ chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý" là dự án thực hiện Kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 theo Quyết định số 842/QĐ-TTg ngày 1/6/2011.
Dự án trên được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi quy định tại Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.
Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn chủ đầu tư áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc đầu tư Dự án theo đúng quy định pháp luật.
Dự án "Ứng dụng công nghệ gen trong sản xuất chíp sinh học phục vụ chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý" sẽ tiến hành sản xuất sản phẩm Biochip (tim mạch, phát hiện các bệnh: lao, ung thư, khiếm thính bẩm sinh...) với quy mô 360.000 chíp/năm.
Dự án trên đã được Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đầu tư tháng 4/2015. Các sản phẩm Biochip hiện đã và đang được ứng dụng tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong nước.
Theo chính sách tại Quyết định số 2457/QĐ-TTg, ngày 31/10/2010, dự án trên sẽ được hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; hỗ trợ và tạo điều kiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao, đào tạo và sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực công nghệ cao và một số cơ chế, chính sách ưu đãi khác.
Điều chỉnh Quy hoạch Quốc lộ 1
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý điều chỉnh Quy hoạch Quốc lộ 1 đoạn Km2118+600 - Km2127+320,75 và đoạn Km2169+056,65 - Km2178+126,79 cửa ngõ phía Bắc thành phố Bạc Liêu từ quy mô đường cấp III, 2 làn xe thành 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý bổ sung đoạn tránh thành phố Sóc Trăng của quốc lộ 1, tỉnh Sóc Trăng với quy mô 2 làn xe cơ giới.
Bộ Giao thông vận tải quyết định theo thẩm quyền đối với việc đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng các đoạn quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng theo hình thức Hợp đồng BOT, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, quốc lộ 1 sẽ được quy hoạch từ Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn) đến Năm Căn (Cà Mau) dài 2.395,5 km.
Cụ thể, đoạn từ Hà Nội đến Cần Thơ sẽ hoàn thành nâng cấp, mở rộng 1.054 km/1.887 km cơ bản đạt quy mô 4 làn xe cơ giới (390 km đã được mở rộng 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp); tại một số đoạn có xây dựng đường bộ cao tốc song hành, chỉ tăng cường nền, mặt đường và thay thế cầu yếu. Các đoạn còn lại đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe. Đồng thời, hoàn thành xây dựng hầm đường bộ qua đèo Phú Gia và Phước Tượng (Thừa Thiên Huế), đèo Cả (Phú Yên).
Phân kỳ đầu tư tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện Dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên khẩn trương rà soát lại quy mô, tổng mức đầu tư để phân kỳ đầu tư Dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn trên địa bàn tỉnh Phú Yên phù hợp với khả năng nguồn vốn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu vốn của dự án vào kế hoạch đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai có tổng chiều dài 61,3 km, quy mô đường cấp 4 miền núi với nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 5,5m. Điểm xuất phát của tuyến đường này từ xã Xuân Phước qua các xã Xuân Quang 1 và Phú Mỡ (huyện miền núi Đồng Xuân) đến điểm cuối giáp với xã Đăk-Plinh thuộc huyện Kông Choro (tỉnh Gia Lai).
Dự án được thi công theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) và áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư gồm Liên danh Công ty TNHH đầu tư-xây dựng và thương mại Phương Anh, Công ty TNHH xây dựng Vương Quốc Anh và Công ty TNHH môi trường và xây dựng Thái Sơn.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai là tuyến giao thông huyết mạch, có ý nghĩa quan trọng góp phần tránh trú bão, cứu hộ cứu nạn, việc nâng cấp tuyến đường này không những rút ngắn tuyến giao thông giữa đồng bằng với Tây Nguyên mà còn tạo điều kiện khai thác tiềm năng địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh miền núi trong khu vực.
Sắp xếp DNNN thuộc UBND tỉnh Sóc Trăng
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2015 - 2016.
Cụ thể, duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết Sóc Trăng.
Thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 51% tổng số cổ phần đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công trình đô thị Sóc Trăng và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cấp nước Sóc Trăng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Sóc Trăng thực hiện việc sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Công trình đô thị Sóc Trăng, Cấp nước Sóc Trăng sau khi các công ty này chuyển thành công ty cổ phần.
Giao 2 tỉnh quản lý phần vốn nhà nước tại DN
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo về việc UBND 2 tỉnh Đồng Tháp, Bạc Liêu tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các Công ty TNHH một thành viên: Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp, Xây dựng và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp sau khi các công ty này chuyển thành công ty cổ phần.
Về tỷ lệ Nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa, UBND tỉnh Đồng Tháp thực hiện cổ phần hóa các công ty trên, trong đó Nhà nước nắm giữ 51% tổng số cổ phần. Đối với Công ty TNHH một thành viên Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp, UBND tỉnh chọn thời điểm thích hợp để thoái vốn, Nhà nước nắm giữ dưới 50% tổng số cổ phần.
Đối với tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng đồng ý UBND tỉnh Bạc Liêu tiếp tục thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Bạc Liêu sau khi chuyển thành công ty cổ phần.
UBND tỉnh Bạc Liêu xây dựng lộ trình thoái vốn để giảm tỷ lệ Nhà nước nắm giữ cổ phần tại Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Bạc Liêu xuống mức Nhà nước nắm giữ 51% tổng số cổ phần./.
Bình luận