“Từ đòi hỏi của thực tế, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023)…”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tại Phiên họp của Ủy ban Pháp luật Thẩm tra đề nghị bổ sung hai dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, diễn ra hôm nay (ngày 10/3).

Chính phủ đề xuất thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trong năm nay
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Chính phủ đề xuất 6 chính sách khi sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành

Đối với việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, Chính phủ đề xuất 6 chính sách gồm: (1) Hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng; (2) Hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân; (3) Hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý ngân hàng số tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; (4) Hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; (5) Quy định về xử lý nợ xấu; (6) Quy định về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, cần có sự phân tích và đánh giá tác động của các chính sách trong quá trình thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng trước khi đề xuất bổ sung, sửa đổi để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023. Cần chú ý tới quy định thời hạn nợ xấu phải trả, đánh giá tình trạng nợ xấu để đảm bảo trật tự an ninh xã hội.

Về nội dung chính sách của dự án Luật, đối với Chính sách số 3, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, qua thực tiễn, nhiều ngân hàng đã triển khai kế hoạch, chính sách về chuyển đổi số, đã đầu tư ứng dụng công nghệ để số hóa sản phẩm dịch vụ, hợp tác với công ty công nghệ tài chính (Fintech) để triển khai các kênh phân phối riêng dưới các thương hiệu ngân hàng số; đồng thời, có thể xuất hiện mô hình hoạt động hoàn toàn trên kênh số tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, về cơ bản, các vấn đề trên đều có quan hệ chặt chẽ với nhiều nội dung đang được điều chỉnh trong dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) như: về quy định pháp lý của giao dịch điện tử (thông điệp dữ liệu an toàn; chuyển đổi tài liệu điện tử sang tài liệu giấy và ngược lại); về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật thông tin, dữ liệu khách hàng trong giao dịch điện tử; về nền tảng số trung gian...

Chính phủ đề xuất thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trong năm nay
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, tán thành trình dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6….

“Việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ kết thúc vào cuối năm 2023, nên cần thiết sớm sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng; tán thành trình dự án Luật này để Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6….”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận.

Trong một diễn biến có liên quan, tại cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng yêu cầu Ban Soạn thảo và Tổ giúp việc phải rà soát thực tiễn triển khai Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn hiện nay, kinh nghiệm của các nước trên thế giới để Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) hướng tới mục tiêu quản trị, kiểm soát các tổ chức tín dụng tốt hơn, tránh rủi ro trong hoạt động có thể xảy ra.../.