Lãi suất vay đã giảm mạnh dù còn cao

Tại buổi Họp báo về Hội nghị tổng kết hoạt động ngân hàng năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 diễn ra ngày 24/12/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết mặt bằng lãi suất năm 2015 đã giảm mạnh. Lãi huy động giảm 0,2-0,5% một năm và hiện ở mức tương đối thấp nhưng lòng tin vào VND được củng cố. Lãi suất cho vay cũng giảm 0,3-0,5% một năm so với cuối năm trước, đưa mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với cuối năm 2011. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức 6-9% (ngắn hạn), 9-11% (dài hạn).

So sánh với các nước trong khu vực, lãi suất của Việt Nam vẫn cao. Lý giải điều này, Phó Thống đốc cho rằng, chúng ta vừa phải điều hành chính sách tiền tệ, nhưng hệ thống ngân hàng đang tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng phải sử dụng phần lớn lợi nhuận để xử lý nợ xấu, nên khả năng tiếp tục giảm lãi suất sẽ khó khăn. Ngoài ra, trái phiếu Chính phủ lãi suất cao cũng gây áp lực cho mặt bằng lãi suất. Hệ thống ngân hàng luôn muốn giảm lãi suất, nhưng giảm ở liều lượng thế nào để là vừa cân đối kinh tế vĩ mô, lại an toàn hệ thống, hợp với sức chịu đựng của các tổ chức tín dụng.

Việc giảm lãi suất thời gian tới thật sự không dễ. Mặc dù năm 2015 lạm phát thấp, chỉ ở mức 1% và là dư địa tốt để giảm lãi suất một cách tích cực nhưng qua nhiều dự báo về tình hình thị trường thế giới sẽ có biến động khó lường thì trong nước ta không thể chủ quan với lạm phát năm 2016.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cảnh báo: "Năm sau nếu giá dầu tăng trở lại hoặc tăng nhanh sẽ ảnh hưởng đến lạm phát. Chưa kể năm 2016 là năm thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý như y tế, giáo dục… Nếu điều hành không có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành và đưa ra đúng thời điểm, lạm phát sẽ không thể duy trì thấp trong năm 2016".

Tín dụng vượt chỉ tiêu

Huy động vốn trong nền kinh tế vẫn tăng dù mặt bằng lãi suất giảm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Tính đến ngày 21/12/2015, huy động vốn tăng 13,59% so với cuối năm trước.

Tín dụng trong năm 2015 cũng đã vượt chỉ tiêu khi tăng trưởng đạt 17,17% (tính đến 21/12). Theo dự báo của NHNN, tín dụng cả năm có thể đạt tốc độ tăng trưởng 18-20%.

Bên cạnh đó, thị trường vàng diễn biến ổn định, cung - cầu trên thị trường tương đối cân bằng giá vàng trong nước không còn bị tác động bởi biến động giá vàng thế giới, biến động tăng tỷ giá USD/VND. Thị trường vàng tự điều tiết theo quy luật cung cầu, NHNN không phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp, bình ổn thị trường vàng miếng, tình trạng vàng hóa được ngăn chặn.

Ngoài ra, sự an toàn, ổn định của các tổ chức tín dụng đã được duy trì và cải thiện, thực hiện các bước tái cơ cấu toàn diện các ngân hàng thương mại yếu kém.

Đến 30/11/2015, khoảng 99,6% nợ xấu của tổ chức tín dụng ước tính tại thời điểm cuối tháng 9/2012 đã được xử lý và chất lượng tín dụng được cải thiện. Nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72%, hoàn thành mục tiêu đề ra 3%. Với việc áp dụng đầy đủ chuẩn mực mới về phân loại nợ, từ Qúy I/2015 không còn tồn tại hai số liệu nợ xấu và nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được minh bạch hơn.

Chính sách tỷ giá sẽ linh hoạt hơn

Về thị trường ngoại hối, theo NHNN, trong thời gian qua có tác động tâm lý khá lớn trước các biến động của kinh tế thế giới. Đặc biệt, thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đã tác động mạnh tới thị trường ngoại hối Việt Nam. Tuy nhiên, NHNN đã phản ứng khá tốt, rất linh hoạt trong việc đưa ra các giải pháp, ví dụ đưa lãi suất gửi USD về 0%.

Theo ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, trong năm 2015, tỷ giá và thị trường ngoại tệ tiếp tục được giữ ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế tiếp tục giảm, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN đã linh hoạt điều chỉnh tăng 3% tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá từ +1% lên + 3% nhằm ứng phó kịp thời với các tác động bất lợi từ thị trường tài chính quốc tế.

Về hướng điều hành tỷ giá, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay: “Năm 2016, NHNN sẽ tiến tới hoàn thiện để điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt hơn nhằm giảm tâm lý kỳ vọng, găm giữ ngoại tệ có thể gây ra khó khăn trong điều hành. Hiện NHNN đang triển khai với phương châm nâng cao giá trị tiền đồng”.

Năm 2016 sẽ chủ động hơn trong điều hành

Về quan điểm điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2016, ông Bùi Quốc Dũng cho biết, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ, NHNN xác định mục tiêu trọng tâm năm 2016 là chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (dưới 5%), bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (khoảng 6,7%). Tăng dư nợ tín dụng phù hợp, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Năm 2016, tăng trưởng tín dụng dự kiến ban đầu của Ngân hàng Nhà nước từ khoảng 18 - 20% tùy theo điều kiện kinh tế để có các giải pháp linh hoạt.

NHNN sẽ chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, để tiếp tục giảm tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp theo lộ trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu theo các đề án đã được Chính phủ thông qua, tăng cường công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, trong đó đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; nghiên cứu, hoàn thiện mô hình Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)./.