Cho phép Ngân hàng Chính sách mở rộng nguồn vốn huy động
Quyết định số 30/2015/QĐ-TTg là quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg, ngày 19/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, theo Điều 3 của Quyết định số 180, thì Ngân hàng Chính sách xã hội được tiếp nhận, quản lý các nguồn vốn của Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp; thực hiện nhiệm vụ huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trong bối cảnh mới hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Ngân hàng Chính sách, ngoài các nguồn vốn trên, còn được ưu tiên vay hoặc tạm ứng từ các nguồn vốn nhàn rỗi, lãi suất thấp hoặc không lãi suất trên cơ sở cân đối các nguồn từ ngân sách, nguồn vốn ODA, nguồn viện trợ, hoặc các nguồn vốn giá rẻ khác.
Quyết định số 30 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, vốn và các quỹ của Ngân hàng Chính sách xã hội gồm 6 loại là:
Thứ nhất, vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp khi thành lập và được bổ sung trong quá trình hoạt động. Ngân hàng Chính sách xã hội được bổ sung vốn điều lệ hàng năm tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao. Thứ hai, các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển nghiệp vụ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ dự phòng rủi ro tín dụng, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi.
Thứ ba, vốn ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) để cho vay xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và thực hiện chính sách xã hội khác.
Thứ tư, chênh lệch thu chi được để lại chưa phân bổ cho các quỹ (nếu có).
Thứ năm, vốn tài trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Thứ sáu, vốn khác (nếu có).
Ngoài ra, Quyết định mới cũng sửa đổi, bổ sung quy định về chi hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội; trong đó sửa đổi mức chi trả phí dịch vụ cho tổ chức thực hiện uỷ thác cho vay đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác không vượt quá 0,125%/tháng tính trên số dư nợ có thu được lãi thay vì mức 0,22%/tháng như Quyết định số 180..
Cũng theo Quyết định mới, tổng mức chi trả phí ủy thác cho các hội đoàn thể và hoa hồng cho các tổ tiết kiệm vay vốn tối đa là 0,125%/tháng tính trên số dư nợ có thu được lãi, tỷ lệ phân chia cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định./.
Bình luận