Chủ tịch Kym Việt muốn kết nối đối tác, làm mới góc nhìn về người khuyết tật
Ông Phạm Việt Hoài, Chủ tịch CTCP Kym Việt chia sẻ và cho biết, Kym Việt sẽ trưng bày sản phẩm tại Triển lãm quốc tế về đổi mới sáng tạo Việt Nam với mong muốn mở rộng kết nối, tìm được đối tác chung nỗ lực làm mới góc nhìn về người khuyết tật.
Kym Việt là một trong số 150 doanh nghiệp trong nước và quốc tế trưng bày sản phẩm của mình tại Triển lãm quốc tế về đổi mới sáng tạo Việt Nam, ngày 9-10/1/2021. Điều ông mong chờ nhất ở sự kiện này là gì?
Điều tôi mong chờ nhất là được kết nối, được mở rộng bạn hàng, đối tác, tiếp cận các nhà đầu tư để tạo nên sân chơi lớn hơn, mở rộng không gian hỗ trợ người khuyết tật. Khi có thêm sự hợp tác, chúng tôi có thể mở rộng cơ sở sản xuất của mình, tạo thêm việc làm cho người lao động khuyết tật Việt Nam.
Bản thân tôi là người khuyết tật, vượt qua được định kiến xã hội và đứng lên lập nghiệp, nên tôi luôn chia sẻ và cảm thông với những người yếu thế. Trong các hoạt động của Kym Việt, bên cạnh nỗ lực kinh doanh, tạo thu nhập cho người lao động, chúng tôi còn muốn chứng minh rằng, người khuyết tật cũng có khả năng lao động và khát vọng lao động, khát vọng cống hiến cho xã hội bằng những sản phẩm, dịch vụ được xã hội chấp nhận. Việt Nam có hàng triệu người khuyết tật. Nếu cộng đồng này cùng có tâm thái tự tin, được tạo điều kiện để vươn lên, sống và làm việc có ích thì xã hội sẽ tốt hơn rất nhiều.
Việt Nam có 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó Hà Nội có khoảng 30.000 người khuyết tật, không có việc làm. Theo ông, cộng đồng này cần sự giúp đỡ như thế nào?
Thực tế, các gia đình có người khuyết tật thường có suy nghĩ sẽ phải nuôi báo cô cả đời. Khi những người thân rồi đến cộng đồng xung quanh nghĩ như vậy, người khuyết tật dễ cảm thấy thừa thãi trong gia đình. Từ đây, họ sẽ co mình lại và thực sự trở thành gánh nặng của gia đình, của xã hội.
Trong khi đó, tôi tin rằng, trong số 6,2 triệu người khuyết tật hiện nay, có rất nhiều người có khả năng lao động. Việc bị xã hội kỳ thị dễ làm họ nhụt chí, sợ hãi, không dám và không muốn làm gì.
Người khuyết tật cần nhất là sự tôn trọng và cơ hội việc làm để vượt qua nghịch cảnh của định mệnh. Như tôi vừa chia sẻ, bản thân Kym Việt lập nghiệp từ nền tảng quá thấp, nay vươn lên trở thành doanh nghiệp có sản phẩm được xã hội đón nhận, là một minh chứng cho thấy, người khuyết tật cũng có khả năng lao động và lao động tốt, nếu có môi trường phù hợp cho họ vươn lên.
Mô hình trải nghiệm giáo dục của Kym Việt giúp lan tỏa về câu chuyện của người khuyết tật, giúp họ vươn lên hòa nhập cộng đồng
Từ năm 2017, Kym Việt mở ra một không gian giáo dục trải nghiệm, bên cạnh việc tạo ra các sản phẩm decor, quà tặng lưu niệm, sản phẩm ứng dụng… Tại đây, các học sinh, sinh viên, các khách du lịch… cùng làm sản phẩm với Kym Việt, giao lưu, thấu hiểu người khuyết tật sống và làm việc như thế nào. Nếu mô hình giáo dục trải nghiệm này được nhân rộng tại các thành phố hay điểm du lịch, sẽ lan tỏa về câu chuyện của người khuyết tật, thúc đẩy các nỗ lực giúp người khuyết tật vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Kym Việt hiện nay là công ty cổ phần có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Hoạt động của Công ty những năm gần đây có lãi, nhưng chúng tôi chủ yếu để tái đầu tư. Sản phẩm của Kym Việt được kể bởi đôi bàn tay và khoảng không gian tĩnh lặng của các cô gái điếc, những người khuyết tật muốn sống ý nghĩa cho đời. Mỗi món quà, đẹp từng đường kim mũi chỉ, mang trong nó sự sáng tạo tinh tế, đậm sắc màu văn hoá Việt Nam, là công phu của nghệ thuật thủ công, của thời gian chầm chậm trôi, của giọt mồ hôi và nụ cười thánh thiện của các cô gái điếc. Kym Việt vừa được bình chọn TOP 3 sản phẩm hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích nhất. Trước đó, chúng tôi được trao giải Nhất cuộc thi Gift Show của Hà Nội.
Với mô hình tổ chức hiện tại, chúng tôi mong muốn kết nối và sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư tham gia theo hình thức góp vốn cổ phần hoặc cùng hợp tác đầu tư phát triển một dự án cụ thể. Kym Việt đã có một cơ sở về giáo dục trải nghiệm và rất muốn mở rộng hình thái này tại Việt Nam.
Kym Việt luôn có tâm niệm: “Chúng ta là những người khuyết tật nhưng chúng ta không tạo ra những sản phẩm khuyết tật ”. Sản phẩm Kym Việt luôn đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Những nguyên vật liệu làm nên sản phẩm được tuyển chọn kỹ lưỡng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm Kymviet đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn làm quà tặng cho các đối tác quốc tế.
7 năm trước, khi bắt đầu khởi nghiệp, sản phẩm của chúng tôi thuần túy là thủ công. Với sự phát triển của khoa học, công nghệ, hoạt động này dần có sự thay đổi nhất định. Chẳng hạn, các hoạt động thiết kế được làm trên máy, chọn mẫu, nguyên liệu cũng dễ dàng hơn, nhưng đặc thù của sản phẩm thủ công là sự mộc mạc, tinh tế nên trong hoạt động sản xuất, công nghệ chỉ hỗ trợ một phần. Mặt khác, trong hoạt động kinh doanh, công nghệ hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Từ việc quảng bá, bán hàng qua mạng, quản lý tài chính… đều có vai trò rất lớn của công nghệ. Khi công nghệ được áp dụng nhiều hơn trong đời sống doanh nghiệp và người dân, chắc chắn sẽ làm tăng năng suất, sức cạnh tranh của các chủ thể, mang lại hiệu quả lao động tốt hơn.
Kym Việt có đang chuẩn bị một kế hoạch gì cho việc kết hợp giữa sản phẩm thủ công với công nghệ không, thưa ông?
Chúng tôi đang đề nghị một công ty công nghệ làm ra những con chip có chức năng như robot nhưng được bao bọc bởi một con giống xinh đẹp do Kym Việt sản xuất. Các con giống có khả năng tương tác, kết nối học viên, trả lời các câu hỏi trong quá trình học tập. Tôi hy vọng dự án sẽ sớm thành công.
Sản phẩm Kymviet vinh dự được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn làm quà tặng cho các đối tác quốc tế
Trong quan điểm của chúng tôi, cuộc sống là những mảnh ghép đầy sắc màu. Mỗi chúng ta là một mảnh ghép số phận mang cá tính, sứ mệnh, sự khiếm khuyết khác nhau và cùng góp mặt trên cuộc sống này. Mảnh ghép nào cũng quí, màu sắc nào cũng đẹp, đừng để gam màu của mình bị pha tạp. Tôi luôn động viên cộng sự của mình rằng, hãy biến sự khiếm khuyết thành hoàn hảo, sống như những gì vốn có, để khẳng định bản thân mình./.
Bình luận