Chùa Linh Phước - Đà Lạt, một công trình kiến trúc độc đáo
Sở dĩ chùa có tên ve chai là do bởi chùa được trang trí bằng nhiều mảnh sành sứ khảm toàn bộ bên ngoài và đây là ngôi chùa lập được nhiều kỷ lục tại Việt Nam.
Chùa Linh Phước được khởi công xây dựng vào năm 1949 và hoàn thành vào năm 1950. Điều tạo nên sự độc đáo của ngôi chùa là công trình đều được khảm các mảnh sành, sứ, mảnh chai bên ngoài. Đến với Chùa Linh Phước, ngoài việc dâng hương lễ Phật, du khách còn được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc rất độc đáo và được xây dựng hết sức công phu.
Chánh điện dài 33m, rộng 22, dọc hai bên chính điện là hai hàng cột rồng khảm mảnh sành, trên cột là những bức phù điêu mô tả lịch sử Đức Phật Thích Ca, bên trong nội điện có tượng Phật Thích Ca thiền định trên tòa sen, hai bên tượng là hai bức phù điêu Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Phổ Hiển; tượng được làm bằng bê tông cốt thép với thiết kế rất độc đáo.
Kề bên chánh điện là sân chùa Hoa Long Viên, nơi đây có tượng rồng uốn lượn dài đến 49m với vảy được khảm bằng 12.000 mảnh vỏ chai, đầu rồng được thiết kế trên cao che phủ tượng Phật Di Lặc tọa trên hòn giả sơn.
Trước mặt Long Hoa Viên là tòa Linh tháp 7 tầng: tòa linh tháp có chiều cao 37m và được xem là tháp chuông cao nhất Việt Nam. Linh Tháp là nơi thờ các tôn tượng Phật quý và cũng là bảo tàng viện. Lầu 1 linh tháp có treo Đại Hồng chung (được đúc vào cuối năm Kỷ Mão 1999), đang được xem là chiếc chuông lớn nhất Việt Nam, với chiều cao 4,3m, đường kính 2,3m và nặng tới 8,5 tấn, hai tượng hộ pháp cao lớn ngự hai bên.
Ngoài việc được tận mắt sở thị chuông đồng, du khách sẽ thấy rất nhiều tờ giấy được gián kín lên khắp thành chuông, trong giấy viết những lời thành kính cầu an cho gia đình và người thân của mỗi phật tử. Tiền đàn bảo tháp cao khoảng 27m được chạm trổ hình rồng. Tại lầu 1, có gian thờ tượng Phật Bà Quán Thế Âm được xây dựng bằng bê tông cốt thép cao đến 17m, là tượng trong nhà lớn nhất Việt Nam. Nơi đây cũng là gian thờ hơn 300 tượng Bồ Tát khác.
Đặc biệt là Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được kết bằng 650.000 đóa hoa bất tử (một loài hoa đặc trưng của thành phố Đà Lạt), có chiều cao 17m, nặng khoảng 3 tấn. Đài sen của tượng Phật hoa có đường kính 5m cũng được kết hoàn toàn bằng hoa. Đây là một trong những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc trong dịp Lễ hội hoa tại Đà Lạt năm 2010. Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát được đặt tại sân chính của chùa Linh Phước để người dân và du khách đến chiêm bái. Đây là tượng Quán Thế Âm bằng hoa lớn nhất đã được tổ chức Kỷ lục châu Á xác nhận là “tượng phật làm bằng hoa lớn nhất châu Á”.
Tấm mộc bản của chùa Linh Phước được treo trang trọng trong phòng trưng bày, có kích thước khá lớn, được khắc nhiều chữ Hán và là một hiện vật quý giá của chùa, bởi đây là một bản khắc gỗ kinh Phật độc đáo trên địa bàn Đà Lạt. Trong khuôn viên này còn có các bộ hiện vật bằng đồng quý giá như: chim công bằng gỗ sao, bộ phản bằng gỗ sao, bộ bàn ghế bằng gốc cây gỗ sao chạm 12 con giáp, tượng Bồ Đề Lạt Ma chạm trổ tinh vi, qua hết phòng trưng bày là công trình kiến trúc tái hiện cảnh Mục Liên tìm mẹ qua 18 tầng địa ngục lớn nhất Việt Nam.
Một điểm đặc biệt khác ở Chùa Linh Phước đó là pho tượng giống hệt người thật của Đại lão hòa thượng Minh Hạ Đức. Tượng được tạc bằng sáp và đặt tại chánh điện chùa Linh Phước từ tháng 12 năm 2011. Nhiều người lần đầu tiên nhìn thấy không khỏi bất ngờ vì pho tượng giống người thật ở mọi chi tiết như tóc, chân tóc, nếp nhăn...
Tích xưa kể lại: cố hòa thượng Thượng Minh Hạ Đức (1901 – 1985), thế danh Nguyễn Khắc Dần sinh năm 1901 tại làng Hiệp Phổ, xã Đức Hạnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 17 tuổi, ông xuất gia tu học tại chùa Sắc Tứ Phước Quang ở Quảng Ngãi. Ông là người rất tinh thông về nho học và còn học thêm về đông y để cứu đời, khai đạo. Năm 1940, ông được các chư tăng, phật tử cung thỉnh trụ tại Tổ đình Long Bửu, đảm nhận chức Hội trưởng Hội phật giáo huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1945, vị hòa thượng Thượng Minh Hạ Đức đảm nhận vai trò là “Hội trưởng Hội phật giáo Cứu quốc” huyện Nghĩa Hành. Đến năm 1957, ông làm trụ trì tại chùa Linh Phước, Đà Lạt. Đến năm 1984, hòa thượng Thượng minh Hạ Đức rời chùa Linh Phước trở về tổ đình Long Bửu (nơi ngài đã tu hành trước đó) để an dưỡng và qua đời tại đây một năm sau.
Vào tháng 2 năm 2010, nhà chùa tiến hành xây dựng lại bảo tháp mới bằng đá. Trong lễ di dời hài cốt nhập tháp mới, khi khai quật, thi hài của vị hòa thượng Thượng Minh Hạ Đức vẫn còn nguyên vẹn sau 26 năm, những hình ảnh tại buổi khai quật di hài của vị hòa thượng này đều đang được lưu giữ và trưng bày tại chùa Linh Phước Đà Lạt để phật tử chiêm bái.
Đây là một trong những địa điểm du lịch- hành hương thu hút rất nhiều du khách ghé thăm và còn là niềm tự hào của người dân xứ sở ngàn hoa Đà Lạt này.
Bình luận