Chứng khoán APG tham vọng tăng thêm 2.000 tỷ đồng vốn mới
Với mức vốn điều lệ hiện tại là 731 tỷ đồng, việc Công ty cổ phần Chứng khoán APG (mã chứng khoán APG niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM) có tham vọng tăng vốn thêm tới hơn 2.000 tỷ đồng có khả thi, thưa ông?
Theo Tổng giám đốc APG Trần Thiên Hà, Công ty có kế hoạch điều chỉnh lợi nhuận trước thuế từ 70 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng trong năm nay |
Tại kỳ đại hội cổ đông bất thường năm 2021, dự kiến diễn ra vào ngày 6/10 tới theo hình thức trực tuyến, Hội đồng quản trị của APG sẽ trình đại hội xem xét thông qua hai kế hoạch tăng vốn.
Thứ nhất, APG sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng với tỷ lệ 1:1. Theo đó, Công ty sẽ phát hành 73,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với giá không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phiếu. Thành công trong đợt phát hành này sẽ giúp Công ty tăng vốn thêm 877 tỷ đồng.
Thứ hai, APG sẽ phát hành 75 triệu cổ phiếu cho các cá nhân/tổ chức là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có quan hệ hợp tác kinh doanh, đóng góp vào quá trình hoạt động, phát triển của Công ty trong thời gian vừa qua và trong tương lai, với giá phát hành không thấp hơn 15.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công, đợt phát hành này sẽ mang về cho APG 1.125 tỷ đồng.
Nếu thực hiện thành công việc tăng vốn điều lệ như trên, lượng tiền huy động mới cho APG trong cả hai đợt dự kiến trên 2.000 tỷ đồng, được APG sử dụng cho các mục đích như: đầu tư kinh doanh các loại giấy tờ có giá trên thị trường; bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ, tự doanh và bảo lãnh phát hành...
Cả hai đợt phát hành trên, APG đều dự kiến thực hiện trong năm 2021 hoặc 2022. Thời gian cụ thể sẽ ủy quyền cho Hội đồng quản trị của APG quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế.
Với mức giá cổ phiếu APG đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/9 là 24.800 đồng/cổ phiếu, cộng với dự báo thị trường chứng khoán vẫn có triển vọng phát triển khả quan trong thời gian tới, cũng như mức độ quan tâm đến cơ hội đầu tư vào APG của một số nhà đầu tư, chúng tôi kỳ vọng phương án tăng vốn sẽ khả thi. Qua đó, giúp APG tăng vốn lên hơn 2.731 tỷ đồng.
Ngoài tăng vốn để bổ sung cho các nghiệp vụ kinh doanh hiện tại, kế hoạch tăng vốn trên có còn vì phục vụ cho APG triển khai nghiệp vụ kinh doanh mới như phương án vừa công khai để chuẩn bị xin ý kiến đại hội đồng cổ đông xem xét thông qua, thưa ông?
Đúng là bên cạnh bổ sung vốn cho các nghiệp vụ hiện hữu, việc tăng vốn lần này của APG còn vì mục tiêu đáp ứng cho triển khai các nghiệp vụ mới. Cụ thể, Hội đồng quản trị của Công ty đã xây dựng kế hoạch và sẽ trình đại hội cổ đông bất thường xem xét thông qua bổ sung nghiệp vụ chứng khoán phái sinh, trong đó bao gồm: môi giới, tư vấn và tự doanh chứng khoán phái sinh.
Chứng khoán APG đề xuất đại hội đồng cổ đông việc bổ sung nghiệp vụ chứng khoán phái sinh |
Một nội dung đáng chú ý cũng được Hội đồng quản trị của APG trình đại hội xem xét thông qua là tăng kế hoạch lợi nhuận trước thuế từ 70 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. Thưa ông, căn cứ nào để APG đưa ra đề xuất này?
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay phát triển tích cực với thanh khoản tốt, APG đã hiện thực hóa được khá nhiều cơ hội đầu tư thành hiệu quả kinh doanh. Nhờ đó, đến hết tháng 8/2021, APG đã đạt 75,4 tỷ đồng doanh thu, 64,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong khi theo kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay thông qua lần lượt các chỉ tiêu này là 79 tỷ đồng và 70 tỷ đồng. Thực tế này cùng với dự báo thị trường chứng khoán thời gian tới vẫn phát triển khả quan, nên Hội đồng quản trị của APG đề xuất đại hội xem xét thông qua điều chỉnh kế hoạch kinh doanh lên 140 tỷ đồng doanh thu, 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế./.
Bình luận