Chương trình đầu tư củng cố đê biển tiếp tục được bố trí vốn
Thủ tướng Chính phủ đồng ý tiếp tục bố trí vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 để thực hiện Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam.
Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh, thành phố có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam được triển khai bắt đầu từ năm 2006, theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg, ngày 14/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quyết định, thì đến hết năm 2010, đầu tư hoàn thành những đoạn đê xung yếu nhằm bảo vệ dân cư tập trung, những khu vực kinh tế quan trọng; đồng thời đảm bảo hệ thống đê biển có thể chống được bão cấp 9 tổ hợp với triều cường tần suất 5%.
Các tuyến đê bảo vệ trực tiếp các khu vực dân cư tập trung phải được thiết kế bảo đảm an toàn chống gió bão cấp 12 với mực nước triều trung bình tần suất 5%.
Trước sự cấp bách của Chương trình này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam đến năm 2015 (tại Công văn số 2056/TTg-KTN).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ năm 2006 đến nay, Chính phủ đã bố trí trên 7.092 tỷ đồng tực tiếp qua kế hoạch vốn hàng năm của 13 tỉnh, thành phố thuộc Chương trình.
Qua khảo sát tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng cho thấy, từ năm 2006, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về "Phê duyệt Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam", nhiều tuyến đê biển đã được quan tâm đầu tư, nâng cao.
Tại tỉnh Quảng Ninh có 160 km đê nằm trong Chương trình này, trong đó có đê Hà Nam thị xã Quảng Yên có khả năng chống bão cấp 10, thủy triều 5%; các tuyến còn lại chống bão cấp 9, thủy triều 5%.
Mặc dù trong nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhưng đến nay, tuyến đê Hà Nam đã được nâng cấp 20,5 km; tuyến còn lại dài 13,17 km tiếp tục được nâng cấp trong thời gian tới.
Một số tuyến đê khác như Hải Long-Bình Ngọc, Hải Xuân (TP Móng Cái), Quảng Minh, huyện Hải Hà, Hà Dong, huyện Tiên Yên, Trường Xuân, huyện Cô Tô; Hang Son, Vành Kiệu III (TP Uông Bí)... cũng được đầu tư nâng cấp, với tổng chiều dài được nâng cấp gần 40 km, bảo đảm chống bão cấp 9 thủy triều 5%.
Tương tự Quảng Ninh, TP. Hải Phòng hiện có hơn 420 km đê, 73,3 km kè và 393 cống dưới đê. Ðặc biệt, tuyến đê, kè biển từ Bến Gót đến Gia Lộc trên đảo Cát Hải (huyện Cát Hải) dù được đầu tư tu bổ, gia cố, nhưng vẫn luôn trong tình trạng bị uy hiếp mỗi khi bão xuất hiện hoặc nước biển dâng...
Theo xu thế phát triển chung, vùng ven biển nước ta là một vùng kinh tế trọng điểm năng động và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế quốc dân và an ninh quốc phòng. Với xu thế đó, tuyến đê nói chung và đê biển nói riêng sẽ không chỉ có mục tiêu ngăn lũ, ngăn mặn mà còn phải kết hợp đa mục tiêu, vừa ngăn lũ, kiểm soát mặn, bảo đảm an toàn cho người dân, kinh tế cho vùng đê bảo vệ, đồng thời kết hợp là tuyến đường giao thông ven biển phục vụ phát triển kinh tế, du lịch, an ninh quốc phòng.
Để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới, Thủ tướng Chính phủ đồng ý tiếp tục bố trí vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố rà soát lại quy mô các dự án đã phê duyệt (bao gồm cả các dự án đang đầu tư dở dang), sắp xếp thứ tự ưu tiên, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp; chủ động bố trí kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung bố trí vốn thanh toán khối lượng đã thực hiện, xử lý nợ xây dựng cơ bản theo đúng Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ bố trí vốn cho dự án khởi công mới sau khi có ý kiến thẩm định chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính rà soát, tổng hợp danh mục các dự án có khối lượng nợ xây dựng cơ bản đến ngày 31/12/2014 của các địa phương; tổng hợp danh mục dự án đầu tư giai đoạn 2016-2020, trong đó ưu tiên bố trí vốn xử lý nợ xây dựng cơ bản, các dự án đang triển khai đầu tư dở dang nhằm phát huy hiệu quả đầu tư; chỉ bố trí vốn cho các dự án khởi công mới thực sự cấp bách của các địa phương sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công trên cơ sở đề xuất ưu tiên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thủ tướng cng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, quản lý quy hoạch, kỹ thuật theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, cơ quan liên quan rà soát lại quy hoạch hệ thống đê biển trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và siêu bão, trên cơ sở đó có giải pháp chủ động ứng phó trong giai đoạn trước mắt, cũng như lâu dài, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế quản lý, duy tu bảo dưỡng, chống xuống cấp đê biển./.
Bình luận