Chuyên gia “điểm mặt” rủi ro lớn nhất trên thị trường tài chính
Nhận diện rủi ro
“Rủi ro lớn nhất trên thị trường tài chính hiện nay là những bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Sau khi xảy ra vài sự cố, nhà quản lý có thiên hướng siết chặt quản lý, giám sát (Bộ Tài chính chuẩn bị thanh tra hàng loạt công ty kiểm toán), thậm chí có dấu hiệu làm chững lại sự phát triển của thị trường…”, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh cảnh báo, tại Hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022”, do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đồng tổ chức ngày 25/5.
Nhiều rủi ro trên thị trường tài chính được các chuyên gia chỉ rõ |
Ông Nghĩa phân tích, vốn tín dụng cho khu vực bất động sản hiện khoảng 1 triệu tỷ đồng, trong khi dư nợ vốn trái phiếu doanh nghiệp do các công ty bất động sản phát hành cũng cỡ khoảng 1 triệu tỷ đồng. Do đó, cùng với ngân hàng siết cho vay bất động sản, một khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị đình trệ sẽ khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về vốn.
“Hậu quả của tình trạng trên là các dự án bất động sản mới không triển khai được, trong khi các dự án dang dở cũng bị đình trệ. Điều này càng khiến cho nguy cơ doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu khi đến hạn thêm hiện hữu. Một khi thị trường bất động sản bị đóng băng, thì sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng...”, ông Nghĩa quan ngại.
Cùng góc nhìn trên, ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, lý giải sâu hơn sự bất ổn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tác động đến thị trường ngân hàng. Sở dĩ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ thời gian qua bùng nổ nóng, có nguyên nhân là do tình trạng khép kín, kém minh bạch giữa chủ doanh nghiệp bất động sản, công ty chứng khoán và các ngân hàng thương mại trong các thương vụ phát hành trái phiếu.
“Ông chủ bất động sản chi phối hoạt động của một số ngân hàng, để phục vụ cho mục đích kinh doanh của họ, nên các công ty bất động sản phát hành được nhiều trái phiếu. Thực tế cho thấy, trong các thương vụ phát hành trái phiếu, thì một ngân hàng đứng ra làm đại lý phát hành, còn công ty chứng khoán là đơn vị tư vấn, trong khi chi nhánh ngân hàng làm tổ chức quản lý tài sản đảm bảo…”, ông Hòe cảnh báo.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, thị trường chứng khoán vẫn tồn tại 3 rủi ro chính |
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, thị trường chứng khoán vẫn tồn tại 3 rủi ro chính: (i) Tính kết nối giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế thực còn lỏng lẻo (thậm chí ngược chiều), khi kinh tế tăng trưởng thấp, nhưng nhiều chỉ số chứng khoán tăng cao, không loại trừ khả năng thao túng, làm giá; (ii) Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro khi còn thiếu minh bạch, thiếu tổ chức xếp hạng tín nhiệm và đã xuất hiện hủy vài đợt phát hành của một số doanh nghiệp vi phạm; (iii) Hiện tượng đòn bẩy tài chính tăng nhanh cùng với tâm lý đám đông, yêu cầu giải chấp có thể xảy ra khiến thị trường biến động mạnh mỗi khi có sự kiện liên quan.
Cách nào lành mạnh hoá thị trường tài chính?
Theo các chuyên gia, để thị trường tài chính phát triển lành mạnh, minh bạch, việc mạnh tay xử lý các sai phạm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, thị trường tài chính nói chung là cần thiết.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, giải pháp không nên triển khai là hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự, bởi điều này sẽ tác động tiêu cực đến thị trường, vì đây là thị trường tồn tại bằng niềm tin, bị chi phối mạnh bởi tâm lý của nhà đầu tư. Thay vào đó, nhà quản lý nên đưa ra chế tài xử phạt rất nặng về tài chính. Chẳng hạn, nếu bên vi phạm gây thiệt hại cho thị trường, nhà đầu tư 1.000 tỷ đồng, thì phải chịu mức phạt 2.000-3.000 tỷ đồng.
“Cơ quan quản lý cũng cần hoàn thiện cơ chế giảm sát từ xa cùng với giám sát tại chỗ có trọng điểm. Muốn vậy, cần đưa ra hệ số nợ phát hành trái phiếu/vốn chủ sở hữu là bao nhiêu thì bị rơi vào diện cảnh báo. Cũng cần có chế tài mạnh hơn để buộc các doanh nghiệp phải công bố báo cáo tài chính trung thực. Việt Nam cần sớm thúc đẩy thị trường xếp hạng tín nhiệm phát triển bằng cách khuyến khích hình thành các liên doanh với các công ty định hạng tín nhiệm uy tín thế giới, để họ hỗ trợ công ty trong nước về kỹ thuật, đồng thời cùng nhau đưa ra xếp hạng tín nhiệm cho các chủ thể phát hành…”, ông Nghĩa đề xuất.
TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia phát biểu tại hội thảo |
Theo TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, cần làm rõ rủi ro liên thông giữa các thị trường chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng và bất động sản. Khi thị trường bất động sản gặp rủi ro, thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, để có giải pháp ứng xử phù hợp, hiệu quả…/.
Bình luận