Sắp diễn ra Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”
Hệ thống pháp luật về tài chính xanh của Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện, đồng bộ
Nhằm cung cấp thông tin chính sách, các điều kiện hỗ trợ cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước cho thúc đẩy dòng vốn xanh ở Việt Nam, cũng như chia sẻ các kinh nghiệm thúc đẩy dòng vốn xanh thành công từ một số doanh nghiệp và góp ý chính sách từ góc nhìn doanh nghiệp, ngân hàng, Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”. Sự kiện này sẽ diễn ra vào ngày 10/9/2024 tới tại Hà Nội.
Sắp diễn ra Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh” |
Hiện nay, phát triển thị trường tài chính xanh là một xu hướng tất yếu để Việt Nam phát triển xanh và đạt được các mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26, đồng thời đóng góp vào chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Bởi vậy, trong thời gian qua, Việt Nam đã bắt đầu quan tâm, triển khai các kế hoạch hành động, nhằm khởi động và phát triển tài chính xanh và đạt được những thành tựu nhất định. Cụ thể, về tín dụng xanh, hệ thống ngân hàng đóng vai trò to lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Là một trong những trụ cột chính của hệ thống tài chính xanh, tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong cung cấp nguồn vốn cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến ngày 31/12/2023, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành như: năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%)…
Nhiều tổ chức tín dụng đã xây dựng các chương trình, gói tín dụng xanh phù hợp với đặc thù hoạt động kinh doanh, chuyển đổi xanh. Đơn cử như Nam A Bank đã triển khai thí điểm Dự thảo Sách trắng về mục tiêu trung hòa carbon tại các đơn vị kinh doanh. Còn tại MSB, những năm qua, ngân hàng đã bắt tay vào nghiên cứu thiết kế sản phẩm tín dụng xanh dành cho các khách hàng hiện hữu để đồng hành trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Ngân hàng cũng hướng tới xây dựng và thu hút tệp khách hàng mới có tiêu chí xanh trong hoạt động thông qua các sản phẩm, dịch vụ, chương trình phù hợp.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về tài chính xanh của Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện, đồng bộ. Cùng với chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia, hiện cũng chưa có sự thống nhất về phân loại lĩnh vực xanh của các bộ, ngành khác.
Đối với cổ phiếu xanh, chưa có khung chính sách phát triển thị trường, cũng như các quy định về các sản phẩm (quy cách, điều kiện phát hành…), thị trường mới đang ở trong giai đoạn tạo lập. Đặc biệt, hệ thống thông tin, tuyên truyền và sự hiểu biết về cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh còn nhiều hạn chế. Trong việc triển khai tín dụng xanh, thách thức hiện hữu nhất là rào cản về lượng vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài, hiệu quả tài chính chưa cao, các dự án đầu tư xanh luôn tiềm ẩn rủi ro... dẫn đến khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện quy trình lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát hoạt động tín dụng xanh.
Tìm kiếm ý kiến đa chiều nhằm thúc đẩy phát triển tài chính xanh tại Việt Nam
Phát triển tài chính xanh ở Việt Nam là hướng đi đúng đắn, cần thiết trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh. Song cũng như các quốc gia đang phát triển khác, lộ trình này còn nhiều thách thức, trong đó trọng tâm là những vấn đề về: Nhận thức về tài chính xanh còn hạn chế; chính sách, luật pháp còn thiếu hoặc chưa hỗ trợ hiệu quả cho việc phát triển tài chính xanh; các sản phẩm tài chính xanh chưa phong phú; nguồn tài chính hỗ trợ cho các dự án xanh, sản phẩm xanh còn hạn chế...
Để góp phần khắc phục những hạn chế trên, tại Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”, các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ tập trung thảo luận nhiều vấn đề “nóng” như: Khó khăn, thách thức trong triển khai tín dụng xanh; bài học phát triển tài chính xanh thành công từ một số doanh nghiệp và góp ý chính sách từ góc nhìn doanh nghiệp, ngân hàng để hoạt động này hiệu quả và lan tỏa đến cộng đồng; giải pháp thúc đẩy phát triển tài chính xanh tại Việt Nam…
Là một trong những diễn giả tham dự Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, để thúc đẩy tín dụng xanh phát triển tích cực trong thời gian tới cần: Gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển xanh và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; Chính phủ cần sớm ban hành Danh mục “phân loại xanh”, trong đó nên xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và tổ chức thẩm định/xác nhận đủ tiêu chuẩn xanh; có cơ chế, tiêu chí, phương thức đo lường/kiểm kê mức độ phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng khác nhau để có định hướng chính sách điều tiết phù hợp.
“Đặc biệt, cần xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh – mô hình 5Is: (i) Công cụ thị trường vốn (Instruments); (ii) Nền tảng nhà đầu tư (Investors); (iii) Hệ sinh thái các tổ chức phát hành (Issuers); (iv) Văn hóa quản trị nội bộ đối với rủi ro môi trường trong tổ chức (Internal governance culture); và (v) Hạ tầng thông tin (Information)”, ông Lực chia sẻ.
Những thông tin cập nhật từ Diễn đàn được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý về tài chính xanh ở Việt Nam trong thời gian tới, qua đó đáp ứng các nhu cầu phát triển nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp theo các tiêu chí “xanh” hiệu quả và bền vững./.
Bình luận