Còn nhiều điểm nghẽn trong dòng chảy chính sách pháp luật 2021
Hôm nay (29/3), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021.
Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh là sáng kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để điểm lại những vấn đề nổi bật của pháp luật kinh doanh Việt Nam hàng năm. Báo cáo phản ánh góc nhìn của doanh nghiệp đối với những chính sách được soạn thảo hoặc ban hành trong năm, đồng thời phân tích sâu một số vấn đề pháp lý quan trọng tác động đến môi trường kinh doanh. Hai chủ đề của Báo cáo năm nay là Chất lượng của thông tư, công văn và Không gian thử nghiệm pháp lý Sandbox.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công |
Năm 2021, hoạt động xây dựng chính sách vẫn đi theo hai “dòng chảy” chính
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho biết, năm 2021, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam tính GDP theo quý, quý III - thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ nhất, GDP đã tăng trưởng âm. Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến phần lớn các ngành trong nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp sụt giảm cả về số doanh nghiệp, số vốn và số lao động đăng ký. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động, giải thể đều tăng.
Kết quả khảo sát do VCCI thực hiện từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 9/2021 với gần 3.000 doanh nghiệp phản hồi đang hoạt động tại 63 tỉnh thành, thành phố cho thấy, 93,9% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”, tăng so với mức 87,2% của khảo sát năm 2020. "Phải nói rằng, 2021 là một năm đầy thách thức của kinh tế nước ta", ông Tấn Công nói.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, đến giai đoạn cuối năm, khi nước ta chuyển hướng trong chính sách phòng dịch từ “zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các hoạt động kinh tế đã dần khởi sắc, bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại ở hầu hết các ngành kinh tế. Có được điều này là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước; sự quan tâm sát sao của người đứng đầu Đảng, Nhà nước.
Do đó, với mục tiêu, nhân diện các vấn đề pháp luật kinh doanh tác động tới cộng đồng doanh nghiệp hàng năm, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021 tiếp tục điểm lại những chính sách nổi bật cũng như những vấn đề pháp lý cần thảo luận trong năm 2021.
Trong bối cảnh đặc biệt của năm 2021, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, hoạt động xây dựng chính sách vẫn đi theo hai “dòng chảy” chính, tương tự như năm 2020 nhưng có phần mạnh mẽ hơn, đó là: “Dòng chảy” chính sách hỗ trợ, phục hồi sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp; và “dòng chảy” chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Với “Dòng chảy” chính sách hỗ trợ, phục hồi sản xuất kinh doanh: mạnh mẽ, nhanh chóng, kịp thời, Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2021, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 ở nước ta gây thiệt hại nặng nề cho toàn bộ nền kinh tế. Các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp; tháo gỡ những “điểm nghẽn” mở đường cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh là một trong những dòng chính sách nổi bật, đậm nét của năm nay.
Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về tài chính cho các đối tượng chịu ảnh hưởng như: tiếp tục giảm phí, lệ phí khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, các loại thuế khác đối với những nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh; miễn giảm nghĩa vụ tài chính trong một số ngành thiệt hại nặng nề như du lịch, hàng không…
“Nhìn chung, chính sách hỗ trợ được ban hành kịp thời, đã nhìn “trúng” và “đúng” các đối tượng cần hỗ trợ. Điều này thể hiện sự đồng hành, quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng kinh doanh”, Chủ tịch VCCI bình luận.
Bên cạnh hỗ trợ về tài chính, theo Chủ tịch VCCI, việc khai thông các “điểm nghẽn”, đảm bảo lưu thông các hoạt động kinh tế là chính sách được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ chuyển hướng chính sách phòng chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp phục hồi và nền kinh tế phát triển. Những số liệu thống kê của 3 tháng cuối năm 2021 với những con số tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực cho thấy tác động tích cực của Nghị quyết này.
Với “dòng chảy” chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, Chủ tịch VCCI cho biết, dòng chảy này vẫn đang được thúc đẩy, nhưng vẫn còn nhiều thách thức về tính hiệu quả.
Theo Chủ tịch VCCI, trong mấy năm gần đây, Nhà nước luôn chú trọng hoạt động cải cách thể chế. Nhiều đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã được tiến hành.
“Năm nay, hoạt động cắt giảm chi phí tuân thủ theo chỉ đạo Nghị quyết 60/NQ-CP được thúc đẩy mạnh mẽ. Hầu hết các bộ đã đưa ra các phương án cắt giảm chi phí tuân thủ với mục tiêu cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ trong các văn bản hiện hành. Môi trường đầu tư kinh doanh sẽ phần nào thuận lợi hơn từ những đề xuất cắt giảm này”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 |
Đang xuất hiện xu hướng thắt chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm tiếp xúc với doanh nghiệp, người đứng đầu VCCI cho biết, bên cạnh ghi nhận những nỗ lực của cơ quan nhà nước trong hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, doanh nghiệp vẫn còn khá nhiều băn khoăn về tính thực chất của những hoạt động rà soát, cắt giảm chi phí tuân thủ. Bởi, trong những đề xuất cắt giảm, doanh nghiệp vẫn nhìn thấy tính hình thức, “làm cho có”… Rất nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp chưa được xử lý.
Cùng với đó, Chủ tịch VCCI cũng cho biết, hiện tại đang xuất hiện xu hướng thắt chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực. Đây là nghịch lý đang tồn tại trong hoạt động soạn chính sách.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết, trong khi các cơ quan nhà nước đang lập phương án để cắt giảm, đơn giản hóa chi phí tuân thủ trong các quy định liên quan đến kinh doanh, các chính sách đang soạn thảo và dự kiến ban hành hoặc đã ban hành lại có tình trạng gia tăng chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Điều này khiến cho hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh trở nên thiếu thống nhất và chưa thực sự hiệu quả”, ông Tuấn nói.
"Thông tư là pháp luật đặc thù của Việt Nam trong khi các nước khác thì... không. Thông tư nhiều hơn cả Luật. Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của các Bộ, ngành, nhưng tác động rất lớn, quy trình ban hành lại ít minh bạch hơn, nhưng chất lượng văn bản lại thấp. Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định Thông tư không được đặt ra điều kiện kinh doanh, không được đặt thêm thủ tục hành chính, nhưng thực tiễn thì ngược lại", ông Đậu Anh Tuấn nêu vấn đề. |
Cũng theo ông Tuấn, trong năm 2021, cơ quan nhà nước đã soạn thảo dự thảo Nghị định về kinh doanh vận tải nội bộ, trong đó đặt ra các yêu cầu xe ô tô vận tải nội bộ phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo lộ trình; doanh nghiệp phải có giấy phép hoạt động vận tải nội bộ khi sử dụng một số loại ô tô vận tải nội bộ nhất định.
“Theo khảo sát của VCCI thì hiện tại chi phí lắp đặt thiết bị khoảng 1,5 triệu đồng/xe/thiết bị. Dự kiến có khoảng 400.000 xe phải lắp. Như vậy, chỉ riêng về chi phí cho thiết bị, tổng chi phí cho số xe phải lắp ước tính khoảng 600 tỷ đồng. Chi phí này chưa phản ánh đầy đủ thực tế xã hội phải bỏ ra (chưa tính các chi phí về đường truyền, nhân sự xử lý thông tin; các chi phí cơ quan nhà nước phải bỏ ra để thực hiện quản lý…)”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho rằng, đối với một số doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề có điều kiện và có hoạt động vận tải nội bộ thì việc yêu cầu lắp thêm thiết bị giám sát hành trình cũng như xin giấy phép hoạt động vận tải nội bộ đã và sẽ gia tăng chi phí, đồng thời tạo gánh nặng rất lớn về thủ tục hành chính.
Trong khi đó còn rất nhiều vấn đề phải bàn về việc cấp giấy phép vận tải nội bộ (từ xác định tính chất của loại giấy phép này đến tính thống nhất với quy định của Luật Đầu tư 2020 cũng như tính hợp lý trong xác định mục tiêu quản lý nhà nước).
“Vận tải nội bộ không phải là hoạt động kinh doanh vận tải, vì vậy áp dụng cơ chế quản lý tương tự như hoạt động kinh doanh vận tải là chưa hợp lý. Thời điểm Nghị định số 86/2014/NĐ-CP27 còn hiệu lực, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã phản ánh vướng mắc đối với quy định cấp giấy phép đối với hoạt động vận tải nội bộ. Đến nay, dự thảo Nghị định về vận tải nội bộ lại quy định về giấy phép này. Các chính sách đề xuất cho thấy cơ quan quản lý nhà nước vẫn khá lúng túng khi xác định cơ chế quản lý đối với hoạt động vận tải này”, ông Tuấn dẫn chứng.
Thông tư số 60/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 38/2014/TT-BTC hướng dẫn quy định về thẩm định giá ban hành nửa cuối năm 2021, cũng một số có quy định gia tăng chi phí cho doanh nghiệp. Thông tư số 60/2021/TT-BTC yêu cầu doanh nghiệp thẩm định giá phải tự xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và kết nối cơ sở dữ liệu về thẩm định giá của mình với cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.
Theo phản ánh, yêu cầu doanh nghiệp phải tự xây dựng phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu sẽ gây tốn kém về chi phí và khó đảm bảo đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
“Hơn nữa, yêu cầu phải đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp thẩm định giá với cơ sở dữ liệu quốc gia về giá sẽ gây khó khăn, do các phần mềm được viết theo nhiều nền tảng khác nhau, cách tổng hợp, thống kê rất khó thống nhất. Yêu cầu này đặc biệt khó khăn và tạo gánh nặng lớn cho các doanh nghiệp đã có hệ thống dữ liệu thông tin về thẩm định giá nhưng không tương thích với cơ sở dữ liệu của cơ quan nhà nước”, ông Tuấn nói.
Số lượng thông tư của Việt Nam rất lớn |
Thông tư là pháp luật đặc thù của Việt Nam, trong khi các nước khác thì... không
Qua phản ánh từ phía cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI cho hay, chất lượng thông tư, công văn hiện nay còn có rất nhiều vấn đề đáng bàn.
Cụ thể, có nhiều thông tư vẫn ban hành điều kiện kinh doanh - việc này bị cấm theo Luật Đầu tư 2014, Luật 2020; các quy định tại thông tư chưa minh bạch, chưa hợp lý, còn chồng chéo, mâu thuẫn, hay các công văn ban hành quy phạm pháp luật, nội dung hướng dẫn tại công văn chưa phù hợp…
"Tất cả những vấn đề này sẽ là cản trở, gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp khi triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh. Không quá khi cho rằng, chất lượng của thông tư, công văn sẽ ảnh hưởng phần nào tới tính hiệu quả của hoạt động cải cách thể chế mà Nhà nước đang tiến hành”, Chủ tịch VCCI lo ngại.
Với vấn đề cơ chế quản lý nào cho những hoạt động kinh tế mới, Chủ tịch VCCI cho biết, chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số phát triển rất mạnh mẽ. Công nghệ số đã hình thành và thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, các sản phẩm, dịch vụ mới như xe tự hành, công nghệ (medtech), công nghệ tài chính (fintech)… “Sự xuất hiện các sản phẩm, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới đã đặt ra thách thức cho các nhà làm luật về xác định các chính sách quản lý phù hợp. Trong thời gian qua đã có sự lúng túng từ phía cơ quan quản lý, gây không ít khó khăn và phản ứng trái chiều từ cộng đồng kinh doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn: “Thông tư là pháp luật đặc thù của Việt Nam trong khi các nước khác thì không. Thông tư nhiều hơn cả Luật" |
Chỉ ra những điểm bất cập cụ thể trong pháp luật kinh doanh năm 2021, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh rằng: “Thông tư là pháp luật đặc thù của Việt Nam trong khi các nước khác thì không. Thông tư nhiều hơn cả Luật. Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của các Bộ, ngành nhưng tác động rất lớn, quy trình ban hành lại ít minh bạch hơn, nhưng chất lượng văn bản lại thấp. Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định Thông tư không được đặt ra điều kiện kinh doanh, không được đặt thêm thủ tục hành chính, nhưng thực tiễn thì ngược lại”.
Bên cạnh đó, pháp luật kinh doanh còn nhiều quy định chưa phù hợp, như quy định cố định số giờ làm thêm lên đến 60 giờ/tháng, hoặc 200-300 giờ/năm sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp có công nhân F0, F1 khi phải hoàn trả đơn hàng đúng hạn.
Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận một số giấy tờ khó khăn như: lưu hành với nguyên liệu thuốc. Giấy này có hiệu lực 5 năm, nhiều doanh nghiệp hết hạn giấy phép trong bối cảnh dịch bệnh, muốn gia hạn thì phải làm hồ sơ tương đối phức tạp, thậm chí không thực hiện được.
Phản ứng chính sách của cấp cơ sở năm 2021: "Phép vua thua lệ làng"
Về việc phản ứng chính sách của cấp cơ sở năm 2021, ông Đậu Anh Tuấn chỉ rõ, tình trạng cát cứ còn phổ biến, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp lớn. "Phép vua thua lệ làng, nhiều địa phương ban hành cách thức khác nhau", ông Tuấn quan ngại.
Cụ thể, theo thống kê của VCCI, cứ 1 luật thì có 6,8 nghị định; 1,8 quyết định của Thủ tướng, nhưng có tới 25,8 thông tư và 1,9 thông tư liên tịch. "Chưa kể, số trang, số điều luật trong từng văn bản rất lớn. Việc lạm dụng ban hành thông tư xảy ra phổ biến tại một số lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, thuế…", ông Tuấn lo lắng.
Đánh giá cao chất lượng của báo cáo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, thông tư là điển hình của quy định thiếu công khai, thiếu ổn định, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ giữa bộ này, bộ kia, thiếu tính khả thi ngay cả với các bộ làm ra quy định, thiếu tiên liệu, không dự báo được và thiếu trách nhiệm giải trình.
|
"Cùng lắm nếu quy định nào đó gây khó khăn cho doanh nghiệp thì Bộ trưởng xin lỗi trước Quốc hội là xong. Chế tài nội bộ trong cơ quan chịu trách nhiệm rất ít. Đây là nguyên nhân khiến chất lượng văn bản không cao”, bà Lan nói.
Đại diện cho doanh nghiệp, bà Trần Hoàng Yến, Phó văn phòng đại diện VASEP tại Hà Nội cũng chỉ ra điều kiện gây khó khăn cho doanh nghiệp tồn tại lâu năm trong lĩnh vực thủy sản.
Bà Yến khẳng định rằng, việc duy trì mở rộng các đối tượng/danh mục “hàng chế biến” phải kiểm dịch như Thông tư 11/2021/TT-BNNPTNT và Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT, 36/2018/TT-BNNPTNT là biện pháp quá mức và không cần thiết, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế hiện hành sản bị thanh-kiểm tra đều bị vi phạm (từ 1,5-3 lần, thậm chí cao hơn) và bị phạt vi phạm hành chính kèm các rủi ro phát sinh khác rất lớn - đó là nguy cơ bị đình chỉ xuất khẩu, ở cả cấp độ doanh nghiệp và cấp độ quốc gia nếu khách hàng nước ngoài có được các thông tin. Mấy năm qua, VASEP đã có các báo cáo, kiến nghị sửa đổi ngưỡng phospho lên 40ppm.
“Ngưỡng chỉ tiêu phospho trong nước thải chế biến thủy sản (CBTS) sau xử lý (QCVN 11-MT:2015) là quá nghiêm ngặt. Ở thời điểm hiện tại, với đặc thù ngành nghề CBTS, rất nhiều nhà máy khó có thể đáp ứng được quy định. Chỉ tiêu Phospho chỉ cho phép là 20 ppm (cột B) và 10ppm (cột A) mà hàng năm nhiều nhà máy thuỷ sản bị thanh - kiểm tra đều bị vi phạm (từ 1,5-3 lần, thậm chí cao hơn) và bị phạt vi phạm hành chính, kèm các rủi ro phát sinh rất lớn khác - đó là nguy cơ bị đình chỉ xuất khẩu, ở cả cấp độ doanh nghiệp và cấp độ quốc gia nếu khách hàng nước ngoài có được các thông tin. Mấy năm qua, VASEP đã có các báo cáo, kiến nghị sửa đổi ngưỡng phospho lên 40ppm”, bà Yến nói.
Thông tin thêm về vấn đề này, bà Yến cho biết, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường có dự thảo mới, dự thảo này sẽ thay thế cả cho QCVN 40 (nước thải công nghiệp) và QCVN 11 (nước thải chế biến thủy sản), đưa nước thải chế biến thủy sản vào chung QCVN nước thải công nghiệp. Và đặc biệt, các chỉ tiêu trong dự thảo này đang ngặt nghèo hơn QCVN 11-MT:2015 rất nhiều: Phospho chỉ từ 4-6mg/l, Nitơ chỉ từ 20-40 mg/l, Amoni chỉ từ 5-10 mg/l.
"Điều này, đang thực sự gây ra quan ngại rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam hiện nay - bởi mức độ này vừa không phù hợp với thực tiễn, với đặc thù ngành hàng và đặc biệt không phù hợp với khả năng công nghệ xử lý nước thải hiện hành", bà Yến lo lắng./.
Bình luận