Rà soát tổng kết thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP cải thiện môi trường kinh doanh
Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và sự tham gia của đông đảo đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế; đại diện các viện nghiên cứu, các trường đại học, các công ty tư vấn, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu và tình hình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 02/NQ-CP; nhận diện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; trên cơ sở đó đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023 và các năm tiếp theo.
Toàn cảnh Hội nghị |
Cải thiện môi trường kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giải đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và với mục tiêu tạo chuyển biến thực chất, rõ nét về môi trường kinh doanh, ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 10/01/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Nghị quyết thể hiện rõ thông điệp về đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp. Tiếp đó, trong 10 tháng năm 2022, Chính phủ đã ban hành hơn 10 văn bản có nội dung chỉ đạo về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó nhấn mạnh tới cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Nội dung cải cách môi trường kinh doanh cũng tương thích các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/012022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó nhóm giải pháp thứ ba là Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, và nhóm giải pháp thứ năm là Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nghị quyết số 02/NQ-CP và những chỉ đạo của Chính phủ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được xem là gói hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp. Qua đó, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, an toàn theo thông lệ quốc tế cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; đồng thời thực hiện vai trò đôn đốc, theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả thực thi của các bộ, ngành, địa phương.
Thực tế cho thấy, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nỗ lực tháo gỡ rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông nguồn lực trong xã hội nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Ở mức độ nhất định, doanh nghiệp và người dân cảm nhận được nỗ lực đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn nhằm phục hồi và phát triển.
Trên một số bảng xếp hạng năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm 2021. Trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí 90 lên vị trí thứ 84. Phát triển du lịch và lữ hành (theo công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới, tháng 5/2022) cải thiện 8 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 60 lên vị trí 52). Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới đánh giá là nền kinh tế dẫn đầu về mức độ cải thiện hiệu quả chỉ số này. Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên Hợp quốc duy trì thứ hạng 86, nhưng điểm số có cải thiện.
Ở trong nước, theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021), chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực so với những năm trước đây. Chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ với khu vực kinh tế tư nhân; chi phí không chính thức tiếp tục có xu hướng giảm trong hầu hết các lĩnh vực thủ tục liên quan đến doanh nghiệp; hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện.
“Niềm tin về triển vọng phục hồi cũng được thể hiện qua những con số về thành lập doanh nghiệp. Tính chung 10 tháng năm 2022, cả nước có 178.485 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2022 gấp 1,46 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Vẫn còn rào cản khó khăn cho doanh nghiệp
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Thứ trưởng cũng nêu lên thực trạng từ giữa năm 2022, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động. Số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, thì mức độ quan tâm của các bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.
“Ở một số lĩnh vực, rào cản thậm chí còn nặng nề hơn, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà cả với cán bộ thực thi. Vì thế, niềm tin của doanh nghiệp vào cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh còn mong manh”, Thứ trưởng Trần Duy Đông thẳng thắn chỉ rõ.
Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, cải cách môi trường kinh doanh cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương |
Đáng chú ý, trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm. So với năm 2021, một số chỉ số năm 2022 giảm điểm hoặc giảm bậc như: Đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc (từ thứ 44 xuống 48); Phát triển bền vững duy trì điểm số nhưng giảm 4 bậc (từ thứ 51 xuống 55); Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ thứ 70 xuống 72).
“Nhìn chung, việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ngày càng thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh và đang đối mặt với nhiều biến động khó lường. Để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp không thể thiếu và cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Để nhận diện rõ hơn thực trạng cũng như các vấn đề tồn tại, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự tập trung thảo luận, trao đổi thẳng thắn về những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm. Từ đó đưa ra các kiến nghị những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian tới.
Cần tiếp tục "thổi bùng lửa cải cách"
Báo cáo cụ thể về tình hình và kết quả triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, trên một số lĩnh vực cụ thể ghi nhận những kết quả cải cách đáng chú ý như công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành năm 2022 đã có một số chuyển biến tích cực. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) có những bước tiến mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, việc thực hiện Nghị quyết 02 trên một số lĩnh vực cụ thể ghi nhận những kết quả cải cách đáng chú ý |
Dẫn các số liệu thống kê của CIEM, ông Cương cho biết, năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022, ước tính đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758/17.687 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (đạt tỷ lệ 10%) tại 143 văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, cả nước đã thành lập 11.700 Bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56/63 tỉnh thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 53/63 địa phương đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC duy nhất. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các bộ, ngành, địa phương, cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ trạng thái hơn 129,6 triệu hồ sơ (tăng hơn 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021), hơn 2,7 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (tăng hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2021). Đồng thời, đã hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.
Tuy nhiên, bên cạnh những con số khả quan đã đạt được nói trên, theo ông Cương, vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại trong môi trường kinh doanh. Nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường…), là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh áp lực nặng nề bởi các chi phí như: xăng dầu, nguyên liệu đầu vào... tăng, doanh nghiệp vẫn đang chịu rất nhiều gánh nặng chi phí khác, ví dụ như chi phí tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh, phí hạ tầng cảng biển… Ngoài ra, đó là còn chưa kể đến việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức, thiếu sự kết nối liên thông thủ tục hành chính trực tuyến giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Để khắc phục các bất cập tồn tại trên, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một số kiến nghị, trong đó tập trung đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách TTHC, tạo chuyển biến thuận lợi cho môi trường kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Nhấn mạnh lại thông điệp cần coi doanh nghiệp là trung tâm và thực hiện cải cách thể chế vì sự phát triển và khuyến khích sự sáng tạo của doanh nghiệp; coi cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung kiên quyết cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa, đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực; gắn cải cách TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử. Thường xuyên tổ chức đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân, tăng cường nhận diện kịp thời những bất cập trong quy định pháp luật, để có đề xuất kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi kịp thời nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chia sẻ ý kiến tại Hội nghị |
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, giải đáp các vấn đề khó khăn cụ thể của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng. Những chia sẻ, đóng góp tại Hội nghị có ý nghĩa quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thông tin xây dựng Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP phục vụ Hội nghị Chính phủ với địa phương vào cuối năm và xây dựng dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2023./.
Bình luận