Côn Sơn - Kiếp Bạc: Vùng đất địa linh nhân kiệt
Đây là quần thể có kiến trúc cổ kính với quy mô bề thế và có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo, hai vị anh hùng dân tộc kiệt xuất đã làm rạng rỡ non sông đất nước, cùng nhiều vị danh nhân văn hóa khác.
Chùa Côn Sơn – Nơi thờ Đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi
Phạm Văn Đồng nhận xét: “Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc, văn võ song toàn, văn là chính trị: chính trị cứu nước, cứu dân, nội trì, ngoại giao, mở nền thái bình muôn thủa, rửa nỗi thẹn nghìn thu; võ là quân sự: chiến lược là chiến thuật “yếu chống mạnh,ít địch nhiều”, thắng hung tàn bằng đại nghĩa”; văn và võ đều là vũ khí mạnh như vũ bão, sắc như gươm dao, thật là một con người vĩ đại về nhiều mặt trong lịch sử nước ta”.
Chùa Côn Sơn có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình với núi, rừng, suối, hồ, đan xen hòa hợp. Rừng ở Côn Sơn chủ yếu là thông, bạt ngàn, xanh tốt.Chùa nằm dưới chân núi Côn Sơn. Tương truyền đây là nơi diễn ra trận hỏa công hun lửa tạo khói để vây bắt Phạm Bạch Hổ thời loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ 10. Nên ngoài tên gọi Côn Sơn, núi còn có tên là Kỳ Lân hay núi Hun. Chùa Thiên Tư Phúc Tự trong dân gian quen gọi theo tên núi là chùa Côn Sơn hay còn gọi là Chùa Hun.
Với Nguyễn Trãi, Côn Sơn thật nên thơ, nó được thể hiện qua tác phẩm Côn Sơn Ca: “Côn Sơn suối chảy rì rầm, ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai. Côn Sơn có đá rêu phơi, ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm”. Chùa Côn Sơn là một kiến trúc hoàn thiện , có 385 pho tượng. Tương truyền ở ban thờ đầu hồi phía Đông nhà Tổ có 2 pho tượng nhỏ ngồi xếp bằng, một đàn ông, một đàn bà hướng về bàn thờ Phật. Tăng ni tu ở chùa Côn sơn không biết hai pho tượng đó là ai và có từ bao giờ. Trong thời gian kháng chiến chống Pháp, sợ giặc đến chùa tàn phá, các tăng ni Phật tử dã đem đồ thờ và các pho tượng nhỏ cất giấu ở trong núi. Vào một đêm mưa gió sấm sét to, sư ông trụ trì chùa ngủ không yên, đợi sáng hôm sau trời tạnh vào thăm lại bức tượng. Sư ông vào xem và thấy hai pho tượng trên đắp bằng đất bị mưa làm vỡ, lộ hai dải yểm tâm mới biết đó là tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ (vợ thứ của Nguyễn Trãi).
Bàn Cờ Tiên trên đỉnh núi Côn Sơn
Điểm nhấn của khách du lịch khi tham quan đó là Bàn cờ tiên. Đó là mảnh đất bằng phẳng trên Đỉnh núi Côn Sơn, tục gọi là Bàn Cờ Tiên. Ở đây phát hiện nền một kiến trúc cổ, hình chữ Công, Đó là dấu tích của Am Bạch Vân (có nghĩa là Am mây trắng), giải thích am tu hành ở đỉnh núi Côn Sơn có mây trắng bao phủ. Đỉnh núi là nơi Trời – Đất giao thoa, thần tiên chọn làm nơi giao tiếp với hạ giới. Truyền thuyết kể răng: Vào những ngày mây trắng bao phủ, tiên trên trời thường bay xuống đỉnh núi Côn Sơn để đánh cờ. Một hôm đang mải mê đánh cờ, bỗng nghe có tiếng người ồn ào, các vị bay đi để lại bàn cờ đang đánh giở, nên ngày nay có tên gọi là Bàn cờ Tiên .
Đền Kiếp Bạc - Đền thờ vị anh hùng Trần Hưng Đạo
Đền được xây dựng vào đầu thế kỉ 14, trên một khu đất ở trung tâm thung lũng Kiếp Bac. Kiếp Bạc là tên ghép của hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Nơi đây là thung lũng trù phú, xung quanh có dãy núi Rồng bao bọc tạo, với hai nhánh Nam Tào và Bắc Đẩu bao bọc, phía còn lại là Lục Đầu Giang (nơi hội tụ của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của sông Thái Bình).
Đền Kiếp Bạc
Vào thế kỷ 13, đây là nơi đóng quân và là phủ đệ của Trần Hưng Ðạo, người anh hùng dân tộc, người chỉ huy quân sự tối cao trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông). Truyền thuyết kể rằng: Vào tháng Giêng năm Ất Dậu (1285), Trần Hưng Đạo tập hợp 20 vạn quân ở Vạn Kiếp (nay thuộc huyện Chí Linh, Hải Dương), nhưng một vấn đề đáng lo nhất là còn thiếu rất nhiều thuyền. Một đêm, trong giấc mơ, ông gặp Phi Bồng – một vị thần tướng mạo khác thường, mắt sáng như sao hiện lên, Ngài nói sẽ giúp ông có đủ thuyền chiến. Sáng hôm sau, có một tùy tướng báo cáo với ông chiến thuyền đậu kín cả bến sống rất kì lạ. Nhờ thế, Trần Hưng Đạo đã đánh thắng quân Nguyên va kéo thuyền về ở bến Lục Đầu. Tiếp đó, ông sắm sửa lễ vật tạ ơn và trả lại thuyền cho Phi Bồng. Ngày lúc đó, trời bỗng nổi cơn mưa gió, sóng nước cuộn dâng, đoàn thuyền tự biến mất. Ngày nay khi đến thăm di tích lịch sử đền Kiếp Bạc, nếu đi từ hướng Đông Nam, nhìn về phía bên tay phải, du khách sẽ thấy một dãy núi chạy dài. Trên sườn núi có 2 vệt màu xanh lam chạy dọc theo dãy núi, tương truyền rằng đó chính là đường kéo thuyền, một đường Phi Bồng đại tướng kéo thuyền tới giúp Trần Hưng Đạo đánh giặc, còn đường kia là ngài kéo thuyền về.
Côn Sơn – Kiếp Bạc mùa trẫy hội
Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc diễn ra 2 lần chính trong năm, đây là dịp các nam thanh nữ tú về đây cầu duyên và cầu bình an. Những người trong vùng và ở khắp các miền cũng về đây tụ họp, chiêm bái, cầu sức khỏe gia đình, người thân và đây cũng là cơ hội để gặp mặt đầu xuân.
Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc được tổ chức từ 16 - 23 tháng Giêng âm lịch, tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ tam Thánh tổ Huyền Quang tôn giả, với các nghi thức tế lễ và diễn xướng dân gian như: Lễ Mông sơn thí thực, lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ, lễ rước nước, đua thuyền trên Lục Ðầu Giang, ….
Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc được tổ chức từ ngày 15 - 20/8 âm lịch, tưởng nhớ ngày mất của Đức Thánh Trần Hưng Đạo và anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, với các nghi lễ như: lễ rước cỗ tiến Thánh, lễ duyệt quân trên sông Lục Đầu, lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu, lễ ban ấn của Đức Thánh Trần và nhiều hoạt động dân gian khác .
Ngày nay, quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã được trùng tu trở nên đẹp và sạch sẽ hơn, nơi đây sẽ khiến cho khách du lịch cảm giác được sự yên bình thoải mái trong không gian giao hòa giữa Trời và Đất ./.
Bình luận