Tôi yêu TP. Hồ Chí Minh - Thành phố là nơi đáng để đến đầu tư và sinh sống
TP. Hồ Chí Minh được xem là nơi “đất lành chim đậu”, là thành phố tiêu biểu trên tất cả lĩnh vực kinh tế, giao thông, văn hóa, giáo dục, chính trị được mọi người ở khắp mọi miền đến sinh sống và làm việc.

NƠI ẤY TÔI ĐANG SỐNG

Cơ duyên sinh ra và lớn lên tại Quận 4; TP. Hồ Chí Minh, đến nay đã được 70 năm. Trong suốt thời gian này tôi sống và làm việc thường trực ở hai quận: Quận 4 và hiện nay là Quận 7 (trước đây là huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh), tôi chuyển nhà về Quận 7 đã được trên 30 năm.

Có rất nhiều kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời tôi, nhưng có thể nói đa phần trọn vẹn thời gian là “sống khỏe, sống có ích, sống yêu đời”.

“Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định Đồng Nai thì về”[1]

Câu ca dao như gợi cho ta nhớ về Nhà Bè xưa là vùng sông nước mênh mông, nhà ở phía Đông Nam thành phố.

Từ một vùng đất nước mênh mông, sau trên 30 năm khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7) được đánh giá hoàn thiện về những tiêu chuẩn như: diện tích, dân cư, hạ tầng kỹ thuật xã hội, giao thông. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã được Bộ Xây dựng công nhận là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại nước ta (26/6/2008).

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư thành công tại TP. Hồ Chí Minh. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là một khu đô thị xanh, thân thiện với môi trường, một không gian sinh sống với đầy đủ các tiện ích, nhiều mảng xanh, mặt nước, mật độ xây dựng trung bình toàn khu là rất thấp chỉ vào khoảng 25%. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đang có cộng đồng cư dân văn minh đa văn hóa đa quốc tịch đây là minh chứng TP. Hồ Chí Minh là nơi đáng để đến đầu tư và sinh sống.

Đô thị Phú Mỹ Hưng phát triển là bước đầu của chương trình mở rộng TP. Hồ Chí Minh về hướng Nam, tiến ra biển theo xu hướng các độ thị lớn trên thế giới, việc phát triển đô thị Phú Mỹ Hưng sẽ là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch phát triển toàn diện khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Nam gồm: TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TP. HỒ CHÍ MINH

“TP. Hồ Chí Minh được xem là nơi “đất lành chim đậu”, là thành phố tiêu biểu trên tất cả lĩnh vực kinh tế, giao thông, văn hóa, giáo dục, chính trị được mọi người ở khắp mọi miền đến sinh sống và làm việc. Thành phố từng là nơi cập bến của các đoàn tàu thuyền chở người và hàng hóa. Sài Gòn từng là một thành phố cảng từ nhiều thế kỷ trước, khi thế hệ cha ông đã hoàn thành sứ mệnh khẩn hoang, mở mang bờ cõi, xây dựng thành thị và phát triển Cảng thị Sài Gòn như một hòn ngọc Viễn Đông”[2].

TP. Hồ Chí Minh là thành phố anh hùng, nghĩa tình, thành phố năng động sáng tạo, thành phố văn minh, hiện đại.

TP. Hồ Chí Minh có 4 khu chế xuất và 19 khu công nghiệp (3 khu chế xuất Linh Trung và một khu chế xuất Tân Thuận) tất cả đã được lắp đầy (trên 90%) từ các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư (trong số các công ty FDI này, đã có không ít nhiều người sống thường xuyên tại TP. Hồ Chí Minh).

Đặc biệt, Nghị quyết 31-NQ/TW, ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã nhấn mạnh: “Thành phố tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới”.

Theo Sách trắng doanh nghiệp năm 2024 do Tổng cục Thống kê công bố, tính đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 921.372 doanh nghiệp đang hoạt động.

Còn theo số liệu báo cáo từ Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Thành phố tính đến quý III/2024 là trên 320.000 doanh nghiệp; chiếm 34,73% trên tổng số doanh nghiệp cả nước. Con số này đã minh chứng rằng, TP. Hồ Chí Minh là điểm đến của nhà đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; lập nghiệp … số lượng doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm đều tăng vượt bậc; TP. Hồ Chí Minhchính là đất “đại phát” doanh nhân.

Tôi yêu TP. Hồ Chí Minh - Thành phố là nơi đáng để đến đầu tư và sinh sống
Đô thị Phú Mỹ Hưng phát triển là bước đầu của chương trình mở rộng TP. Hồ Chí Minh về hướng Nam, tiến ra biển theo xu hướng các độ thị lớn trên thế giới, việc phát triển đô thị Phú Mỹ Hưng sẽ là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch phát triển toàn diện khu tam giác kinh tế trọng điểm miền Nam gồm: TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu.

Điều đáng mừng là kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2024 đã tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, với GRDP tăng 7,17% gần đạt kế hoạch 7,5-8%. Tổng thu ngân sách đạt 508.553 tỷ đồng, vượt dự toán 105,3% tăng 13,3% so với năm 2023. Điều đáng mừng là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2024 ước tăng 7,3% so với cùng kỳ; Riêng chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 7,6% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 của Thành phố tăng trưởng ổn định, ước đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 11%. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 11%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9%, dịch vụ lữ hành tăng 55% và các dịch vụ khác tăng 8%. Thu từ du lịch năm 2024 ước đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Bài học rút ra từ TP. Hồ Chí Minh qua nhiều năm: địa phương nào có số lượng doanh nghiệp đông và chất lượng, thì nơi đó phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, đóng góp nhiều cho đất nước, không chỉ nộp thuế về ngân sách nhà nước hàng năm.

TP. HỒ CHÍ MINH VỚI ĐỀ ÁN “ĐẠI HỌC KHỞI NGHIỆP” MỚI NHẤT THẾ GIỚI

Phát biểu khai mạc Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP. Hồ Chí Minh năm 2024 (Whise 2024) vào sáng 17/12/2024, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy cho biết, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố báo cáo chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024, theo đó, Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2023, xếp thứ 2 trong số 38 nền kinh tế thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp. Điều đáng mừng là hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng trưởng, xếp hạng 111/1000 thành phố toàn cầu và đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á.

Triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Whise 2024 cũng đã diễn ra Diễn đàn quốc tế “Đại học khởi nghiệp”. Tại đây, 5 trường đại học đã ký cam kết tiên phong hưởng ứng chuyển đổi sang mô hình “Đại học khởi nghiệp”.

Năm trường này bao gồm: Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Đại học Nguyễn Tất Thành; Đại học Kinh tế luật (thuộc Đại học Quốc gia); Đại học Ngoại ngữ Tin học và Đại học Công Nghệ TP. Hồ Chí Minh (Hutech).

Mô hình Đại học khởi nghiệp tại Việt Nam hiện đang là mô hình mới nhất thế giới.

Nhiệm vụ chính của “Đại học khởi nghiệp” (trong số nhiều nhiệm vụ) đó là: (1) Thúc đẩy và hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cho TP. Hồ Chí Minh, tăng về số lượng và chất lượng hàng năm. (2) Cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao; sinh viên tốt nghiệp ra trường làm việc với tinh thân khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp sẵn sàng làm việc tại các doanh nghiệp, và không phải đào tạo lại tại doanh nghiệp như trước nay. (3) Triển khai mạnh mẽ “Đại học khởi nghiệp” sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), nhất là các ngành công nghệ hiện nay: AI, công nghiệp điện tử vi mạch bán dẫn…, qua đó đầu tư nước ngoài vào TP. Hồ Chí Minh ngày càng tăng.

Tôi yêu TP. Hồ Chí Minh - Thành phố là nơi đáng để đến đầu tư và sinh sống
CEO Đặng Đức Thành trao đổi tại Diễn đàn quốc tế “Đại học khởi nghiệp”

TP. HỒ CHÍ MINH VỚI ĐỀ ÁN “ĐÁNH THỨC RỒNG XANH”

Với Đề án này, TP. Hồ Chí Minh sẽ trở thành thành phố “mẫu” trong thực hiện tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.

“Rồng xanh – sông Sài Gòn” là 1 tác phẩm kiến trúc, thiên nhiên, văn hóa; là biểu tượng thiêng liêng quý giá, là niềm tự hào của người dân TP. Hồ Chí Minh; “Rồng xanh – sông Sài Gòn là thương hiệu đặc biệt của TP. Hồ Chí Minh”.

Đề án đánh thức rồng xanh với các giải pháp đồng bộ giảm phát thải khí carbone, các giải pháp bảo vệ môi trường làm sạch dòng sông Sài Gòn (dài 256 km). Thông qua triển khai thực hiện Đề án “Đánh thức Rồng xanh”, huy động mọi người, mọi nhà, mọi người dân tham gia xây dựng Thành phố xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu; Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân TP. Hồ Chí Minh.

“Có thể nói, với việc nhắc nhiều đến vấn đề chất lượng của các thành tố phát triển nói chung, đến chất lượng sống nói riêng, các Đại hội đã đặt yêu cầu về chất lượng các mặt của đời sống xã hội ở nước ta nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng phải được nâng lên một tầm cao hơn, đảm bảo tốt hơn, căn cơ hơn, bền vững hơn. Tất cả những điều đó có lẽ cũng chỉ nhằm vào một mục tiêu lớn hơn, tổng quát hơn là nâng cao chất lượng cuộc sống” [3].

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra, không phải đợi đến khi thành phố giàu lên mới triển khai thực hiện chương trình: nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; có rất nhiều việc phải làm cho chương trình này; đề xuất những việc cần làm ngay, đồng thời giải pháp nguồn vốn cho chương trình này chủ lực là huy động nguồn lực từ xã hội.

Đặc biệt, để TP. Hồ Chí Minh hướng đến đô thị xanh, cần thiết lập mục tiêu trồng 100 triệu cây xanh.

Để TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị xanh (đô thị phát triển cacbon thấp), cần lưu ý các nhóm vấn đề.

Một là, tăng mật độ oxy trong không khí, thở không khí ra, hút cacbon vào. Theo đó, cần thiết lập mục tiêu trồng cây xanh (100 triệu cây trồng thêm) làm tăng độ che phủ cây xanh vào năm 2030 và năm 2045. Trong đó, 60 triệu cây xanh trồng quanh sông Sài Gòn để Sài Gòn trở thành con sông xanh, xứng danh là Rồng xanh của Thành phố (con sông dài 256km).

Bởi, cây xanh quang hợp hấp thụ khí cacbonic thải ra khí oxy; Màu xanh đô thị là phần thiết yếu giúp điều hòa khí hậu, có tác dụng tốt cho sức khỏe con người; Tạo cảnh quan đô thị, xanh, đẹp thu hút đáng kể số lượng khách du lịch đến TP. Hồ Chí Minh. Điều quan trọng nhất là việc trồng cây xung quanh con sông xanh (sông Sài Gòn) là một điểm chính trong chương trình Việt Nam hướng đến Net Zero 2050; đồng thời, cũng là điểm nhấn tạo thương hiệu “Rồng xanh - sông Sài Gòn” thương hiệu đặc biệt của TP. HCM.

Thông qua chương trình “Đánh thức con rồng xanh”, TP. Hồ Chí Minh có thể thu hút nguồn lực tham gia đóng góp từ xã hội (trong và ngoài nước). Đây là một chương trình có ý nghĩa và giá trị.

Hai là, nhóm vấn đề nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính- Mục tiêu nhằm trung hòa khí cacbonic, theo đó ở tất cả các lĩnh vực năng lượng và vận tải cần:

- Tăng sử dụng xe điện, giảm sử dụng xe xăng.

- Tăng sử dụng phương tiện xe công cộng (xe buýt, xe lửa, đường sắt, đường hàng không...).

- Xử lý rác thải.

- Xử lý nước thải.

- Hướng sang sử dụng các thiết bị được ứng dụng từ nguồn năng lượng sạch trong tự nhiên như năng lượng mặt trời, năng lượng gió... bảo vệ môi trường. Giảm sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch, góp phần giảm lượng khí thải của ngành điện. (hiện nay ngành điện là nguồn phát thải khí CO2 hàng đầu so với các ngành khác).

- Xây dựng chính sách năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sử dụng hydrogen trong chuyển đổi để có nguồn năng lượng thân thiện với môi trường hơn

Đặc biệt, cần tập trung thực hiện chương trình “Đánh thức con Rồng xanh”. Rồng xanh – sông Sài Gòn, tôi xin nhắc lại, là tác phẩm kiến trúc thiên nhiên và văn hóa là biểu tượng thiên nhiên, quý giá, là niềm tự hào của người dân TP. Hồ Chí Minh. Đây là một chương trình đặc biệt huy động nguồn lực từ xã hội (trong và ngoài nước) theo dự toán ban đầu toàn bộ công trình từ 5 tỷ USD; thực hiện trong giai đoạn 2023-2045.

Xây dựng, cải tạo, xung quanh sông Sài Gòn dài 256 km định hình những giá trị của dòng sông và đề xuất quy hoạch của thiết kế đầu tư và khai thác hiệu quả một hạ tầng xanh đa chức năng cho dòng sông Sài Gòn, hướng tới tạo dựng các tiêu chí về sinh thái, văn hóa, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. “Rồng xanh - sông Sài Gòn” - là thương hiệu đặc biệt của TP. Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh đã và đang trở thành nơi đáng để đến đầu tư và sinh sống.

Tôi yêu TP. Hồ Chí Minh!

CEO, TS. Đặng Đức Thành (TS Danh dự Đại học Quốc tế Hoa Kỳ (IAU)

UVBCH Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)


[1] ' Giới thiệu huyện Nhà Bè, trang tin điện tử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh ngày 23 tháng 12 năm 2018

2] Trang 176, sách đánh thức Con rồng xanh, tác giả CEO Đặng Đức Thành và Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, nhà xuất bản Đại học Quốc Gia ngày 31 tháng 8 năm 2023.

[3] Trang tin điện tủ -Đảng Bộ Tp HCM ngày 9/6/2020. Nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân