CPI 6 tháng đầu năm: Giá xăng, giá điện tác động ngược chiều
Tại buổi họp báo công bố CPI tháng 6 và 6 tháng đầu năm sáng nay, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 6 tăng 1% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 0,55% so với tháng trước. So với tháng 05, CPI tăng 0,35% và tính chung 6 tháng đầu năm 2015, CPI tăng 0,86% so với cùng kỳ năm 2014.
Tại buổi họp báo, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng nhận định, CPI 6 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 trở lại đây.
Trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ, chỉ có duy nhất nhóm bưu chính viễn thông và nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm, còn lại 8 nhóm tăng và một nhóm giá không thay đổi là nhóm giáo dục.
Nhóm giao thông tăng mạnh nhất với mức tăng 3,54% so với tháng trước. Nguyên nhân chính đẩy giá nhóm giao thông tăng mạnh là do giá xăng được điều chỉnh tăng vào ngày 20/05.
Các nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,38%), nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 0,3%) và nhóm văn hoá, giải trí và du lịch (tăng 0,26%) cũng đóng góp lớn vào mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng trong tháng này.
Về tác động của giá xăng dầu và giá điện tới CPI trong 6 tháng đầu năm nay, theo đại diện từ Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, 2 nhóm mặt hàng này có tác động ngược chiều nhau.
Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số giá nhập khẩu xăng dầu giảm 35,86% so với cùng kỳ đóng góp vào mức giảm của CPI. Trong khi đó, do quyết định điều chỉnh giá bán điện từ ngày 16/03/2015, chỉ số nhóm điện và phân phối điện tăng 4,39%, trong đó giá sản xuất điện tăng 5,1% đóng góp vào mức tăng của CPI.
Ông Nguyễn Bích Lâm cũng cho biết thêm “bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,1%. Sau 6 tháng CPI tăng 0,55% so với cuối năm 2014. Như vậy, nếu không có những đột biến trong 6 tháng cuối năm, CPI năm 2015 sẽ đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra”, ông Lâm cho biết.
Theo ông Lâm, khi CPI được giữ ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chỉnh sách tiền tệ, các doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng, mở rộng sản xuất, giảm giá thành, kích thích nhu cầu tiêu dùng.
“Lạm phát cơ bản tháng 06 tăng 2,24%, so với CPI tăng rất thấp do Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ rất linh hoạt”, người đứng đầu ông Lâm cũng cho rằng:
Theo ông Lâm, giá tăng trong thời gian vừa qua là dấu hiệu tốt, kích thích doanh nghiệp sản xuất. Nhìn chung với mức tăng như vừa qua đã đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô, không ảnh hưởng nhiều tới tăng trưởng GDP.
"Bức tranh GDP tốt, trừ nông nghiệp suy giảm, công nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng tốt”, ông Lâm cho biết.
Tổng cục Thống kê đánh giá, CPI 6 tháng đầu năm như vậy là một tín hiệu lạc quan cho việc điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới./.
Bình luận