Tóm tắt

Tiền Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá trong các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng của Tỉnh là 5,7%/năm. Năm 2020 và năm 2021, tăng trưởng GRDP Tiền Giang giảm sâu do chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Năm 2022, Tỉnh đã lấy lại được đà tăng trưởng ở mức 7,02% so với cùng kỳ. Thực tế cho thấy, phát triển kinh tế của Tỉnh thời gian qua vẫn còn dưới tiềm năng, do nhiều nguyên nhân khác nhau; trong đó, năng lực cạnh tranh (NLCT) của Tỉnh chưa tốt là một trong những nguyên nhân quan trọng. Thông qua đánh giá chỉ số NLCT cấp tỉnh (CPI), nhóm tác giả đánh giá thực trạng NLCT tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011-2021, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao NLCT của địa phương này thời gian tới.

Từ khóa: năng lực cạnh tranh, tỉnh Tiền Giang, CPI, vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Summary

Tien Giang is a province that achieves a relatively fast economic growth rate among the provinces of the Mekong Delta. In the 2016-2020 period, the province’s growth rate was 5.7% per year. In 2020 and 2021, Tien Giang’s GRDP growth dropped sharply due to the heavy influence of the Covid-19 pandemic. In 2022, the province regained its growth momentum at 7.02% over the same period of the previous year. In fact, the province’s economic development in recent years has been below its potential due to many different reasons, in which, the province’s low competitiveness is one of the important reasons. Through the assessment of the Provincial Competitiveness Index (CPI), the authors evaluate the current competitiveness of Tien Giang province in the period 2011-2021, thereby proposing solutions to improve the competitiveness of this locality in the coming time.

Keywords: competitiveness, Tien Giang province, CPI, Mekong Delta region

THỰC TRẠNG NLCT TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2011-2021

Trong giai đoạn 2011-2021, đặc biệt từ năm 2014, chỉ số PCI của Tiền Giang có sự cải thiện rõ rệt. Năm 2014, chỉ số PCI của Tiền Giang là 55,11, thì năm 2021 tăng lên, đạt 64,41. Cùng với sự tăng lên của giá trị, thì thứ hạng chỉ số PCI của Tiền Giang cũng liên tục được cải thiện. Nếu năm 2014, Tiền Giang chỉ đứng thứ 52, thì năm 2021, đứng thứ 33.

BẢNG 1: CHỈ SỐ PCI CÁC TỈNH VÙNG ĐBSCL VÀ VÙNG KTTĐ PHÍA NAM NĂM 2021

Tỉnh

PCI

Nhóm xếp hạng

Vùng ĐBSCL

Đồng Tháp

70,53

Tốt

Cần Thơ

68,06

Tốt

Long An

66,58

Khá

An Giang

66,48

Khá

Bến Tre

66,34

Khá

Vĩnh Long

65,43

Khá

Cà Mau

64,74

Khá

Tiền Giang

64,41

Trung bình

Hậu Giang

63,80

Trung bình

Trà Vinh

62,03

Trung bình

Sóc Trăng

61,81

Trung bình

Bạc Liêu

61,25

Tương đối thấp

Kiên Giang

59,73

Tương đối thấp

Vùng KTTĐ phía Nam

Bình Dương

69,61

Tốt

Bà Rịa - Vũng Tàu

69,03

Tốt

TP. Hồ Chí Minh

67,50

Khá

Đồng Nai

65,75

Khá

Tây Ninh

63,90

Trung bình

Bình Phước

62,17

Trung bình

Nguồn: Báo cáo Chỉ số NLCT cấp tỉnh của Việt Nam 2021

Tuy nhiên, việc cải thiện điểm số và thứ hạng PCI của Tiền Giang còn hạn chế. Thứ hạng PCI của Tiền Giang giai đoạn 2011-2021 thấp hơn so với giai đoạn 2006-2010 (năm 2007, Tiền Giang xếp hạng 12, năm 2008 xếp thứ 21, năm 2009 xếp thứ 9, năm 2010 xếp thứ 24). hạng PCI chứng tỏ cải thiện NLCT của Tiền Giang chậm hơn so với nhiều tỉnh trong cả nước.

So sánh chung với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, Tiền Giang thuộc nhóm các tỉnh có NLCT thấp, chỉ số PCI của Tiền Giang năm 2021 chỉ xếp thứ 8/13 tỉnh. So sánh với các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam, Tiền Giang là tỉnh có chỉ số PCI xếp thứ 6/8 tỉnh (Bảng 1).

BẢNG 2: PCI CỦA TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2011-2021

Năm

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Gia nhập thị trường

8,79

8,96

7,31

8,61

8,23

8,88

7,48

7,64

6,6

8,23

7,08

Tiếp cận đất đai

6,97

7,02

7,04

6,04

5,97

5,61

6,26

6,3

7,01

6,69

6,36

Tính minh bạch

5,83

5,78

5,43

5,71

5,51

6,07

6,14

6,1

6,34

5,73

6,21

Chi phí thời gian

7,31

5,17

7,4

7,13

7,02

6,61

7,15

7,64

7,29

7,57

6,92

Chi phí không chính thức

8,36

6,8

8,17

5,71

5,54

5,34

5,28

6,23

6,34

6,56

7,33

Cạnh tranh bình đẳng

-

-

6,39

3,72

6,37

5,69

6,15

5,22

5,65

6,11

5,7

Tính năng động

1,93

6,6

5,61

4,13

4,53

4,08

5,58

5,49

6,32

5,82

6,83

Dịch vụ hỗ trợ DN

2,67

2,88

3,68

5,44

5,18

5,53

6,57

6,46

6,58

6,79

6,95

Đào tạo lao động

4,85

4,24

5,13

4,67

5,41

5,4

6,01

6,01

6,08

5,49

5,54

Thiết chế pháp lý

6,87

5,03

7,3

5,88

5,91

4,95

4,84

6,5

6,27

5,99

6,48

PCI

59,67

57,63

57,19

55,11

56,74

57,25

61,44

62,75

63,91

62,78

64,41

Xếp hạng

31

29

37

52

49

48

40

38

46

45

33

Báo cáo Chỉ số NLCT cấp tỉnh của Việt Nam các năm

Phân tích các thành phần của PCI Tiền Giang giai đoạn 2011-2021 (Bảng 2), cho thấy:

Một là, giai đoạn 2011-2021, hầu hết các thành phần trong PCI của Tiền Giang đều được cải thiện, trừ thành phần “Tiếp cận đất đai”: giảm từ 6,97 năm 2011 còn 6,36 năm 2021.

Hai là, năm 2021, các thành phần có điểm số cao nhất là “Chi phí không chính thức” và “Gia nhập thị trường” với số điểm lần lượt là 7,33 và 7,08.

Ba là, điểm số của các thành phần trong PCI của Tiền Giang vẫn chưa có xu hướng tăng ổn định. Chỉ số “Gia nhập thị trường” năm 2021 thấp hơn khá nhiều so với năm 2020 (đạt 8,23 điểm), thấp hơn so với giai đoạn 2017-2019. “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN)”, “Chi phí thời gian” và “Tính năng động” được đánh giá tốt là do trong thời qua Tỉnh đã rút ngắn thời gian thực hiện đối với các thủ tục hành chính so với quy định, chẳng hạn: Thủ tục, Quyết định chủ trương đầu tư chỉ còn 20 ngày so với quy định là 35 ngày; Hồ sơ thành lập DN còn 2 ngày (quy định tối đa 3 ngày); Thời gian giải quyết thủ tục chấp nhận chủ trương đầu tư đối với dự án trong các khu, cụm công nghiệp còn 9 ngày và đối với dự án nằm ngoài khu, cụm công nghiệp còn 20 ngày (quy định tối đa là 35 ngày); UBND Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành trực tiếp xin ý kiến bộ, ngành Trung ương những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định mới về đầu tư, đất đai, xây dựng... Đồng thời, UBND Tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị về phát triển DN, hội nghị đối thoại DN, kiện toàn Hiệp hội DN Tỉnh và chỉ đạo các địa phương tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, phát triển DN... Tiền Giang cũng là tỉnh duy nhất ban hành Nghị quyết nhằm nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển DN (Nghị quyết 06-NQ/ TU, ngày 27/12/2016); UBND Tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 06-NQ/ TU của Tỉnh ủy về hỗ trợ và phát triển DN. Đặc biệt liên quan đến kinh tế tư nhân là Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Bốn là, các thành phần có điểm số thấp nhất là “Đào tạo lao động”; “Cạnh tranh bình đẳng”, “Tính minh bạch” và “Tiếp cận đất đai”. Năm 2021, điểm số của các thành phần này lần lượt là 5,54 điểm; 5,7 điểm; 6,21 điểm và 6,36 điểm. Trong đó, điểm số “Tiếp cận đất đai” của Tiền Giang thấp nhất so với các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL và vùng KTTĐ phía Nam.

Thành phần “Đào tạo lao động” của Tiền Giang mặc dù có điểm số thấp nhất, nhưng đã có sự cải thiện về thứ hạng khi so với các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL, năm 2020 xếp thứ 12/13 tỉnh ĐBSCL (tương ứng xếp thứ 49/63 và 59/63 tỉnh, thành trong cả nước, thì năm 2021 đã xếp thứ 5/13 tỉnh. Tuy nhiên, so với vùng KTTĐ phía Nam, “đào tạo lao động” của Tiền Giang vẫn xếp thứ hạng thấp, 6/8 tỉnh.

Điểm số “Đào tạo lao động” của Tiền Giang thấp phản ánh đúng về chất lượng lao động của Tỉnh. Đó là chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Tiền Giang mặc dù có tăng trong giai đoạn 2011-2021, nhưng còn ở mức thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của cả nước, vùng ĐBSCL và vùng KTTĐ phía Nam. “Đào tạo lao động” chưa cao là do trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế.

Đánh giá chung

Như vậy, mặc dù có sự cải thiện nhất định ở một số các khía cạnh, nhưng NLCT của Tiền Giang vẫn còn khó khăn, hạn chế. Nếu đặt Tiền Giang trong bối cảnh cạnh tranh giữa các tỉnh trong vùng ĐBSCL và vùng KTTĐ phía Nam sẽ thấy NLCT của Tiền Giang chưa cao, chưa khai thác được những lợi thế, tiềm năng của mình. Đây là các nguyên nhân gây ra sự kém hấp dẫn của Tiền Giang với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể:

- Các chỉ số: “Tiếp cận đất đai”, “Đào tạo lao động”, “Cạnh tranh bình đẳng”, “Tính minh bạch” còn hạn chế, làm giảm mức độ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư.

- Vấn đề tiếp cận thông tin, cơ hội tham gia của người dân còn hạn chế. Đồng thời, trách nhiệm giải trình với người dân chưa cao cũng là điểm hạn chế trong NLCT của Tiền Giang.

- Cải cách hành chính mặc dù có nhiều cải thiện, nhưng kết quả chưa thật sự cao.

CÁC GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Nghiên cứu cho thấy, Tiền Giang vẫn còn rất nhiều dư địa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao NLCT, do vậy, thời gian tới, Tỉnh cần lưu ý thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, cải cách thể chế

Tiếp tục chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh Tiền Giang phải đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất và tính khả thi. Muốn vậy, phải thực hiện nghiêm túc quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, các sở, ngành, địa phương cần thực hiện tốt công tác tự kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định. Thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế hướng tới tạo thuận lợi cho người dân và DN, đồng thời cũng phải đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước thông qua các cơ chế phối hợp, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm.

Tiếp tục rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp bảo đảm hệ thống văn bản của Tỉnh thông suốt, khả thi và phù hợp, kịp thời xử lý dứt điểm các vấn đề sai sót qua kiểm tra.

Thứ hai, đẩy mạnh hỗ trợ và phát triển DN

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các biện pháp hỗ trợ DN, nhà đầu tư trên một số lĩnh vực đầu tư, đất đai, tín dụng, xúc tiến thương mại, đào tạo, tư vấn việc làm.

- Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh, chính sách hỗ trợ: Về quyền bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, Tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các sở, ngành hoàn thiện toàn bộ căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện một cách tích cực, đặc biệt là các chính sách theo Luật Hỗ trợ DNNVV; Công khai minh bạch các tài liệu có liên quan đến DN, đồng thời tập trung rà soát, cắt giảm chi phí kinh doanh, đảm bảo lợi ích và quyền lợi chính đáng cho DN.

- Nâng cao chất lượng và khả năng cung cấp dịch vụ cho DN: Tích cực hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Tỉnh. Thực hiện đối xử bình đẳng, công bằng giữa các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế trong tiếp cận các dịch vụ sản xuất, kinh doanh, các chính sách. Chương trình hỗ trợ của địa phương. Đảm bảo khả năng cung cấp ổn định và nâng cao chất lượng các dịch vụ điện, nước, viễn thông... phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, DN trên địa bàn Tỉnh.

- Tăng cường hỗ trợ DN thích ứng với xu thế hội nhập và xu phát triển công nghệ số; hỗ trợ tìm kiếm thị trường, đối tác kinh doanh, phát triển thương hiệu, mở rộng sản xuất; hỗ trợ tư vấn pháp luật, chuyển đổi số..., dành nguồn lực hỗ trợ DN xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học và công nghệ...

- Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích DN đổi mới sáng tạo.

- Chú trọng duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên, định kỳ giữa lãnh đạo Tỉnh, huyện với các DN (tối thiểu 2 lần/năm), nhằm thông tin kịp thời đến DN các quy định mới, các nội dung cải cách quan trọng liên quan môi trường đầu tư; đặc biệt là quan tâm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vướng mắc của DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh; tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và DN về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính không còn phù hợp.

- Hỗ trợ DN trong nước đánh giá, lựa chọn và tiếp nhận công nghệ được chuyển giao, đảm bảo tính tương thích, đồng bộ và phù hợp với mục tiêu phát triển công nghệ quốc gia trong từng giai đoạn.

Thứ ba, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực để tạo bước đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng

Việc đầu tư xây dựng hoàn thiện, đồng bộ theo hướng hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng phải được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao NLCT của tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để triển khai đầu tư xây dựng một hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước dành cho đầu tư không nhiều và trong điều kiện ngân sách của tỉnh Tiền Giang còn khó khăn, thì đây là một trong những thách thức lớn, đòi hỏi phải linh hoạt, chủ động tranh thủ, huy động các nguồn vốn đầu tư ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước của địa phương. Vì thế, thời gian tới, Tỉnh phải làm phải huy động ngày càng nhiều đầu tư của xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư, thực hiện đa dạng hóa hình thức đầu tư, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng. Về ngắn hạn, có thể thực hiện một số giải pháp như sau:

- Rà soát điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào khu kinh tế; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Tỉnh, phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp sửa chữa và đóng tàu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển. Hoàn thành thủ tục và triển khai các dự án xây dựng hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

- Tranh thủ, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đưa Danh mục dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (đã được đưa vào quy hoạch ngành cả nước, quy hoạch vùng hoặc có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước) vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA…

- Phấn đấu tăng thu ngân sách, cắt giảm đối đa các khoản chi thường xuyên chưa cần thiết để tăng chi đầu tư phát triển.

- Huy động khai thác quỹ đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, thực hiện quy hoạch các đô thị một cách hợp lý, đặc biệt là quy hoạch lại hệ thống công sở nhà nước, ưu tiên những vị trí có lợi thế về thương mại để tổ chức cho các nhà đầu tư đấu giá, tạo vốn đầu tư phát triển.

- Vận động, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng, như: đầu tư hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tiên tiến và thân thiện với môi trường.

- Thu hút các nguồn lực đầu tư theo các hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT), hợp tác công - tư (PPP).

- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện xã hội hóa đầu tư các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực là vấn đề then chốt đối với nâng cao NLCT và cải thiện môi trường đầu tư. Năng lực sáng tạo phụ thuộc phần lớn vào chất lượng giáo dục và đào tạo cho các nhà khoa học, kỹ nghệ và các nhà chuyên môn khác, và nó cũng phụ thuộc vào mức độ bao phủ của hệ thống giáo dục. Vì vậy, Tiền Giang cần chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các DN:

- Ưu tiên bố trí ngân sách tỉnh đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Tỉnh. Huy động, khuyến khích các nhà đầu tư khi đến đầu tư trên địa bàn Tỉnh thực hiện đặt hàng đào tạo lao động để phục vụ cho nhu cầu triển khai dự án. Hàng năm bố trí ngân sách địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong DN nhỏ và vừa.

- Xây dựng các chương trình dài hạn (5 năm) tại địa phương và hỗ trợ từ Trung ương trong đào tạo lao động nghề.

- Hàng năm các huyện, thị, thành phố thực hiện tổ chức khảo sát, rà soát nhu cầu sử dụng lao động của DN đóng trên địa bàn để có giải pháp cung ứng nguồn lao động tại địa phương cho DN.

- Tạo thêm cơ hội nâng cao tay nghề cho những người đã tham gia lực lượng lao động và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề ngắn hạn. Mở rộng cơ hội vừa học vừa làm và học tập suốt đời sẽ giúp xóa bỏ lỗ hổng về kỹ năng mềm.

- Tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn cho DN. Khuyến khích DN đầu tư vào cơ sở dạy nghề, ngoại ngữ, công nghệ thông tin.

- Xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực có trình độ du học nước ngoài./.

PHÙNG THỊ PHƯƠNG ANH - Tạp chí Kinh tế và Dự báo

PGS, TS. HÀ ĐỨC TRỤ - Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 10 - tháng 4/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang (2017-2022), Niên giám Thống kê tỉnh Tiền Giang các năm, từ năm 2016 đến năm 2021, Nxb Thống kê.

2. Dương Chí Dũng (2009), Chiến lược cạnh tranh theo lý thuyết Micheal E. Porter, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

3. Huỳnh Thị Kim Dung (2013), Nâng cao NLCT tỉnh Tiền Giang, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2012-2022), Báo cáo Chỉ số NLCT cấp tỉnh của Việt Nam các năm, từ năm 2011 đến năm 2021.

5. UBND tỉnh Tiền Giang (2023), Báo cáo Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.