Đề xuất có công cụ sàng lọc nhằm thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao
Việt Nam đang thực hiện chiến lược thu hút vốn FDI theo định hướng hợp tác có chọn lọc, chú trọng các yếu tố chất lượng, hiệu quả, trình độ công nghệ và bảo vệ môi trường, theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Trải qua 35 năm kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 được ban hành, Việt Nam đã là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua.
Số liệu đưa ra tại Hội thảo cho thấy, so với năm 1991, thời điểm Việt Nam chỉ tiếp nhận 1,28 tỷ USD vốn đăng ký và 428,5 triệu USD vốn thực hiện, thì số vốn đăng ký và giải ngân trong năm 2021 cao hơn lần lượt khoảng 30 lần và 38 lần, dù cho đây là năm cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI đóng góp quan trọng vào tạo việc làm, thúc đẩy thương mại quốc tế, thúc đẩy liên kết cụm ngành, liên kết chuỗi giá trị và góp phần nâng cao năng suất lao động. Theo ước tính, giá trị xuất khẩu của khu vực FDI tương đương khoảng 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam có thặng dư thương mại trong những năm gần đây.
Hội thảo công cụ sàng lọc dự án đầu tư tại Việt Nam |
Nhằm thu hút một cách có hiệu quả vốn FDI, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách quan trọng trong lĩnh vực này. Nghị quyết số 50-NQ/TW đã đặt nền tảng mới cho chiến lược thu hút FDI của Việt Nam, tạo cơ hội hướng tới các nguồn vốn FDI chất lượng cao… Trước đó, Chính phủ đã xây dựng Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018 – 2030.
Trong những năm gần đây, khung khổ pháp lý đã có những điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư nói chung, đầu tư nước ngoài nói riêng, ví dụ như Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020 và nhiều luật chuyên ngành khác. Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới cũng tạo động lực cho Việt Nam hài hòa các quy định về tính minh bạch của luật pháp, về bảo vệ người lao động và phòng chống tham nhũng. Những điều này thúc đẩy cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thực hành kinh doanh có trách nhiệm hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận nói trên, hoạt động của các dự án FDI thời gian qua đã nảy sinh những vấn đề bất cập. Chẳng hạn, theo báo cáo của cơ quan thuế, thì có tình trạng một số doanh nghiệp FDI chuyển giá và trốn thuế tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp chưa tuân thủ tốt các quy định về môi trường của pháp luật Việt Nam, tạo ra nhiều hệ quả cho xã hội. Vụ việc xảy ra ở vùng biển miền Trung năm 2016, hay xa hơn là vụ việc xả thải ra sông Thị Vải năm 2009 là những lời nhắc nhở về rủi ro tiềm tàng đối với môi trường mà các dự án FDI có thể gây ra nếu không được quản lý, giám sát tốt.
Bên cạnh đó, tình trạng quan hệ lao động trong một số doanh nghiệp chưa tốt, người lao động bị đối xử thiếu công bằng, thậm chí ngược đãi cũng đã xảy ra tại một số doanh nghiệp FDI. Các vụ đình công diễn ra không ít ở các doanh nghiệp FDI.
Trước những bất cập, tồn tại trên, ông Đậu Tuấn Anh, Phó Tổng Thư ký VCCI nêu lên bài toán đặt ra là làm sao để thu hút các dự án FDI có chất lượng từ các nhà đầu tư với định hướng kinh doanh có trách nhiệm (responsible business)?
“Làm thế nào để giảm thiểu các rủi ro về kinh tế, xã hội và môi trường do các dự án FDI kém chất lượng gây ra? Các địa phương có vai trò ra sao trong công tác thẩm định dự án đầu tư nước ngoài để lựa chọn được các dự án tốt?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.
Theo ông Tuấn, điều này cho thấy nhu cầu về một “bộ lọc” trong thu hút FDI để thu hút các dự án FDI chất lượng, các dự án kinh doanh có trách nhiệm rất lớn. Chúng ta có chính sách nhưng thiếu vắng những công cụ hỗ trợ việc sàng lọc, đánh giá, thẩm định dự án đầu tư ở các địa phương.
Chia sẻ cụ thể thêm về cách thức hoạt động của “bộ lọc” trong thu hút FDI và vai trò của các địa phương trong thẩm định dự án FDI, ông Tuấn dẫn khảo sát của VCCI về thực tế cách làm của các địa phương hiện nay.
Theo đó, từ năm 2006, việc phân cấp toàn diện cho chính quyền địa phương được cấp phép và quản lý các dự án FDI trên địa bàn đã phát huy tính sáng tạo, năng động của nhiều địa phương trong thu hút FDI. Hoạt động thẩm định hiện tập trung nhiều hơn, chi tiết hơn vào đánh giá mức độ phù hợp với quy hoạch của địa phương và các lợi ích kinh tế. Vấn đề môi trường và xã hội tuy được cân nhắc, nhưng có nơi chưa được xem trọng đúng mức.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là tình trạng “dễ dãi” trong lựa chọn dự án còn xảy ra do chú trọng đến số lượng nhiều hơn chất lượng, vì cạnh tranh trong thu hút FDI giữa các địa phương. Do đó, đại diện VCCI cho rằng, bối cảnh hiện nay phù hợp để thực hiện đúng quy định pháp luật về đưa vào những tiêu chí mới trong việc lựa chọn dự án FDI theo hướng khuyến khích các dự án kinh doanh có trách nhiệm, có đóng góp tích cực về kinh tế, xã hội và môi trường của địa phương.
Để giải quyết những bất cập này, VCCI và UNDP đưa ra ý tưởng về công cụ hỗ trợ thẩm định dự án FDI hoạt động như một bộ lọc các dự án FDI. Theo đó, đề xuất phát triển một công cụ rà soát dự án đầu tư nước ngoài xin cấp phép tại Việt Nam. Đây là danh mục các yếu tố mà các địa phương cần đánh giá khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài.
Công cụ sẽ gồm: các đánh giá bắt buộc về việc liệu dự án có tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư tại Việt Nam; các đánh giá bắt buộc về những rủi ro tiềm ẩn về kinh tế, xã hội và môi trường; các tiêu chí khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ dựa trên các thông lệ quốc tế và thực tiễn tốt về kinh doanh có trách nhiệm.
Mục tiêu của bộ công cụ nhằm hỗ trợ chính quyền các địa phương trong công tác đánh giá, thẩm định mức độ đóng góp và tác động tiềm ẩn của các dự án FDI xin cấp phép đầu tư tại địa bàn. Đồng thời, góp phần thúc đẩy thực hiện các chủ trương nêu ra tại Nghị quyết số 50-NQ/TW, Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018 – 2030 của Chính phủ.
Đại diện thường trú UNDP, bà Ramla Khalidi nhận định, nhiều dự án đầu tư có thể có ảnh hưởng đến sự tiến triển của toàn bộ các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), nhưng cũng không phải tất cả các dự án đầu tư đều đóng góp cho sự phát triển bền vững. Việc đầu tư có trách nhiệm có thể đảm bảo rằng việc đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho con người, môi trường và nền kinh tế tại Việt Nam. Vì lẽ đó, cần có góc nhìn để cân bằng mục tiêu phát triển kinh tế với mục tiêu môi trường và xã hội để thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Theo đó, ưu tiên đầu tư nước ngoài có chất lượng, tạo lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam. Song song với đó là cần giữ các khoảng không chính sách liên quan đến các hiệp định đầu tư quốc tế và các cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – nhà đầu tư. Quan trọng hơn là tạo ra cơ chế thúc đẩy sự thống nhất trong việc thực thi chính sách.
“Cần triển khai các công cụ rà soát, các bộ lọc để sàng lọc các dự án đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm như một yêu cầu cho việc chấp thuận đầu tư...”, bà Ramla Khalidi khuyến nghị./.
Bình luận