Đến ngày 15/9, sẽ hoàn thành xong việc thống kê thiệt hại do sự cố Formosa
Tại buổi họp báo, ông Trần Quốc Tuấn trình bày báo cáo tình hình sản xuất của ngành nông nghiệp trong tháng 8/2016, theo đó, toàn ngành đã tập trung phòng chống thiên tai, đối phó và khắc phục hậu quả của 3 cơn bão tại các tỉnh phía Bắc để nhanh chóng khôi phục sản xuất; tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ các vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo phát triển tôm, trồng trọt và chăn nuôi để lấy lại đà tăng trưởng ngành 6 tháng cuối năm.
Cụ thể, trên lĩnh vực sản xuất lúa, tính đến trung tuần tháng 8, cả nước đã gieo cấy đạt 1.368,2 nghìn ha lúa Mùa, bằng 99,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại các tỉnh miền Bắc đạt 1.142,5 nghìn ha, bằng 99,2% cùng kỳ; miền Nam xuống giống đạt 225,7 nghìn ha, vượt 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cả nước đã gieo cấy được khoảng 2.085 nghìn ha lúa Hè Thu, trong đó, các tỉnh phía Nam, gieo cấy được 1.925,6 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm trước và thu hoạch gần 980 nghìn ha, chiếm 50,9% diện tích xuống giống. Năng suất ước tính bình quân trên diện tích thu hoạch đạt khoảng 57 tạ/ha (tăng 2,4 tạ/ha so với vụ Hè Thu trước). Ngoài ra, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống đạt 497 nghìn ha lúa Thu Đông, cao hơn 24 nghìn ha (tăng 5%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 8, hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều tăng cả về lượng và giá trị so với tháng 7/2016. Giá trị xuất khẩu nhóm hàng nông sản chính tháng 8 đạt 1,34 tỷ USD, tăng 9,4% so với với tháng 7/2016. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tháng 8 ước đạt gần 2,76 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng 7/2016, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên lĩnh vực thủy sản, ước sản lượng thủy sản khai thác 8 tháng đạt khoảng 2.014 nghìn tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khai thác biển ước đạt 1.896 nghìn tấn, tăng 1,4%; khai thác nội địa ước đạt 118 nghìn tấn, giảm 4,1%. Sản lượng thủy sản nuôi tháng 8 ước đạt 338 nghìn tấn, tăng nhẹ so với tháng trước; lũy kế 8 tháng đạt 2,3 triệu tấn, tăng 1,2%.
Về vấn đề hỗ trợ cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Bộ đã xây dựng xong Đề án khắc phục và phát triển sản xuất, đảm bảo sinh kế cho người dân, dự kiến đầu tháng 9 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo kế hoạch, đến ngày 15/9, các địa phương sẽ hoàn thành xong việc thống kê thiệt hại; khoảng cuối tháng 9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các Bộ liên quan sẽ tổng hợp tình hình thiệt hại và trình Chính phủ, dự kiến đầu tháng 10, sẽ tiến hành phân bổ nguồn kinh phí đền bù thiệt hại tới các địa phương. Căn cứ kiến nghị của các địa phương và kết quả rà soát đối tượng hỗ trợ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bổ sung thêm 4 đối tượng được nhận hỗ trợ theo văn bản vừa được Bộ ký ban hành ngay trong hôm nay.
Toàn cảnh buổi họp báo
Theo đó, các đối tượng được bổ sung thêm gồm: chủ tàu và người lao động trên tàu có công suất 90 mã lực trở lên; Chủ cơ sở thu mua có kho đông lạnh và người làm thuê tại các cơ sở này; Các chủ ao đầm nuôi thủy sản mà trong thời gian sự cố môi trường biển xảy ra đang phải sửa chữa hoặc chờ lấy nước vào nuôi thủy sản và cuối cùng là người làm nước mắm, muối.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, đây là quy trình bắt buộc và nhiều thủ tục phức tạp. Trong quá trình thực hiện phải đảm bảo các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trực tiếp do môi trường biển phải được kê khai, xác định không sót đối tượng, những thiệt hại đều phải được bồi thường, hỗ trợ đúng theo quy định và đảm bảo công khai, minh bạch.
“Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là làm nhanh nhưng không để xảy ra những hệ lụy khác. Tổng cục Thủy sản khẩn trương xây dựng Đề án hỗ trợ. Trong đó có phương thức, đối tượng hỗ trợ và đề xuất các tiêu chí về mức hỗ trợ. Còn việc tổ chức hỗ trợ là do chính quyền địa phương thanh toán trực tiếp với người dân. Do vậy, trách nhiệm của Bộ hiện nay là đẩy nhanh hơn việc sớm có Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục đôn đốc các địa phương rà soát các hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ. Theo tinh thần hỗ trợ cho đúng người và công bằng”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh thêm.
Xác định nhiệm vụ của ngành nông nghiệp từ nay đến cuối năm 2016, ông Trần Quốc Tuấn cho biết, Ngành sẽ triển khai quyết liệt tái cơ cấu, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ để phục hồi tăng trưởng. Cụ thể, tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi và an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Tập trung thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển giống vật nuôi chất lượng cao; tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng giống, thức ăn chăn nuôi và ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Đồng thời, tập trung khắc phục hậu quả của hạn hán ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và bão lụt ở miền Bắc.
Ngoài ra, với ngành thủy sản, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu, nhất là ở các vùng bị ảnh hưởng hạn, mặn và ô nhiễm nguồn nước để hướng dẫn người dân các giải pháp kỹ thuật, tổ chức sản xuất và điều chỉnh cơ cấu đối tượng nuôi phù hợp, hiệu quả. Tăng cường kiểm tra và giám sát thực hiện việc tuân thủ các quy định điều kiện nuôi; tăng cường công tác quan trắc và cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh trên thủy sản./.
Bình luận