DN châu Âu lo ngại về chính sách tiền lương và BHXH
Tuy nhiên, Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) trong quý I/2017 lại bị giảm 7 bậc từ 85 điểm xuống còn 78 điểm so với trước.
Theo nhận định của EuroCham, cảm quan của doanh nghiệp châu Âu về các điều kiện kinh doanh, cơ hội kinh doanh, đầu tư dù có phần tích cực, nhưng những rào cản thị trường, tự do hóa và chính sách thay đổi (lương lao động, bảo hiểm xã hội...) không làm vừa lòng các doanh nghiệp.
Niềm tin vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam của các DN châu Âu đang bị giảm điểm |
Theo phản hồi, chỉ số BCI quý I/2017 có 67% doanh nghiệp cho rằng tình hình hiện tại là "rất tốt" và "tốt", giảm khoảng 5% so với quý trước. Trong khi số lượng phản hồi "không tốt" và "rất tệ" đã tăng lần lượt là 9% và 3% (quý trước là từ 3% và 2%).
Các doanh nghiệp châu Âu cũng đặt lo ngại về chính sách tiền lương của lao động Việt Nam đang tăng lên và việc đóng bảo hiểm xã hội tăng khiến doanh nghiệp phải tăng gánh nặng chi phí, giảm hiệu suất đầu tư và kém cạnh tranh so với các nước khác trong khi năng suất lao động Việt Nam không tăng.
Theo kết quả khảo sát, khoảng 50% phản hồi của doanh nghiệp cho rằng quy định mức lương đóng bảo hiểm thay đổi sẽ dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực, trong khi 32% cho rằng "không ảnh hưởng". 6% doanh nghiệp tin rằng đó là một bước đi tích cực; Và 9% không có ý kiến.
Ông Jens Ruebbert, Chủ tịch EuroCham cho biết, tăng cường minh bạch và thuận lợi trong thủ tục hành chính và thuế đóng vai trò trung tâm trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Các thành viên của EuroCham vẫn cho rằng, cải cách luật lệ đang tiến triển chậm. Mức giảm 7 bậc của BCI thể hiện mong muốn của các nhà đầu tư về tính cạnh tranh, minh bạch, bền vững và lực lượng lao động được đào tạo tốt hơn
“Kết quả khảo chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý I/2017 tiếp tục cho thấy những kỳ vọng tích cực từ các thành viên của EuroCham đối với Việt Nam, nhưng không phải ở mức độ lạc quan như năm ngoái. Điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp đang trong tình trạng báo động hoặc sẽ không tiếp tục đầu tư nền kinh tế có tiềm năng như Việt Nam", ông Jens Ruebbert nói.
Cụ thể, về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam, hơn 60% doanh nghiệp châu Âu vẫn coi đây là nơi kinh doanh làm ăn tốt, 9% doanh nghiệp nói là rất tốt, 20% nói là bình thường, số còn lại không tốt và rất tệ.
Hơn 70% DN châu Âu vẫn lạc quan với triển vọng kinh doanh trong thời gian tới |
Bên cạnh đó, cũng có 40% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự kiến duy trì lực lượng lao động hiện tại; 10% doanh nghiệp được hỏi sẽ tăng mạnh lượng tuyển nhân sự, gần 40% doanh nghiệp được hỏi sẽ tăng nhẹ tuyển dụng lao động và 10% trong số doanh nghiệp nói họ sẽ cơ cấu và giảm nhẹ số lao động hiện tại.
Lạm phát cũng là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, nhưng không có doanh nghiệp nào cho rằng nó ảnh hưởng trầm trọng, chỉ hơn 20% doanh nghiệp cho rằng nó ảnh hưởng đáng kể. Còn lại là không ảnh hưởng, ảnh hưởng không đáng kể. Điều này cho thấy các doanh nghiệp châu Âu khá lạc quan trước mối lo lạm phát của Việt Nam đang tiềm ẩn từ khu vực ngân hàng, nhà đất...
Theo EuroCham, có hơn 42% doanh nghiệp châu Âu cho biết vẫn duy trì kế hoạch kinh doanh hiện tại, 34% số doanh nghiệp nói sẽ tăng nhẹ kế hoạch kinh doanh để đón đầu tăng trưởng, 13% số doanh nghiệp cho biết họ sẽ đẩy mạnh các kế hoạch đầu tư trong các tháng tiếp theo.../.
Bình luận