Doanh nghiệp đánh giá thế nào về Chương trình cải cách môi trường kinh doanh?
Đây là bản báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2020 và Nghị quyết 35 năm 2016 của đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2020 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ dưới góc nhìn của doanh nghiệp.
Báo cáo chỉ ra rằng, việc cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện mạnh mẽ trong cả nhiệm kỳ
Trong thời gian qua, cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp là một trong những trọng tâm chính sách của Chính phủ. Liên tục trong bảy năm qua, mỗi năm Chính phủ đã ban hành một Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19/NQ-CP các năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018 và Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 và 2020).
Loạt nghị quyết này tập trung vào những nội dung rất quan trọng như cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm kiểm tra chuyên ngành hàng hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước... Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 đặt ra những nguyên tắc và mục tiêu quan trọng cho việc phát triển các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2016-2020.
Với sự hỗ trợ của Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế (thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam – Aus4Reform), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thực hiện Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ Doanh nghiệp (Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2020 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ). |
Dự kiến, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Andrew Barnes - Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam và bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Giám đốc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) sẽ đồng chủ trì hội thảo.
Theo VCCI, báo cáo này phản ánh các hoạt động của các cơ quan nhà nước liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian qua và sự hài lòng của các doanh nghiệp đối với các hoạt động đó. Chất liệu cho việc xây dựng báo cáo là những thông tin thực tế của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh trong mối quan hệ tương tác với các cơ quan nhà nước – những thông tin chân thực mà VCCI dày công thu thập và chắt lọc từ nhiều cuộc điều tra, khảo sát, đối thoại chính sách... trong quá trình thực hiện vai trò là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam.
Ngoài phản ánh các trải nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp, báo cáo cũng sẽ cố gắng xác định nguyên nhân và đưa ra kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước liên quan để lựa chọn những giải pháp phù hợp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Báo cáo lần này đã chỉ ra rằng, việc cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện mạnh mẽ trong cả nhiệm kỳ. Năm 2020, bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và năm cuối nhiệm kỳ đã khiến các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp có phần chậm lại.
Trong 11 lĩnh vực của Nghị quyết 02, các lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng vẫn được đánh giá cao nhất. Lĩnh vực phá sản doanh nghiệp được đánh giá thấp nhất. Bốn lĩnh vực có sự giảm điểm đáng kể giữa năm 2019 và 2020 là thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng và cấp phép xây dựng. Bốn lĩnh vực có sự tăng điểm mạnh trong 2 năm qua là phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, xuất nhập khẩu và thủ tục thuế.
Thời gian làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp, khởi sự kinh doanh giảm liên tục từ 2014 đến nay và được dự đoán tiếp tục giảm nhờ một số văn bản mới ban hành trong năm 2020 đã liên thông thủ tục hành chính. Hệ thống công nghệ thông tin đã được ứng dụng từ nhiều năm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ trực tuyến gia tăng mạnh trong năm 2020.
Thủ tục hành chính thuế là lĩnh vực có sự cải thiện chỉ số liên tục từ 2014 đến nay. Tuy nhiên, vấn đề minh bạch trong các quy định pháp luật thuế vẫn chưa được cải thiện theo thời gian. Lĩnh vực bảo hiểm xã hội có nhiều cải thiện trong các năm trước, chủ yếu nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin nhưng có phần chững lại trong năm 2020.
Điều đáng lưu ý là các quy định pháp luật về các thủ tục liên quan đến xây dựng được đánh giá khá cao, nhưng việc thực thi thì còn nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt là các khoản chi phí không chính thức và thời gian giải quyết hồ sơ dài hơn quy định.
Việc tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp trong năm 2020 gặp nhiều khó khăn hơn năm 2019, dù Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp nhằm nới lỏng chính sách tiền tệ.
Một phát hiện nổi bật của báo cáo đó là lĩnh vực đăng ký bất động sản và quản lý đất đai có sự cải thiện trong các năm 2018 và 2019, nhưng lại trở nên khó khăn hơn trong năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi làm thủ tục tăng mạnh trong năm 2020, nguyên nhân chủ yếu là do thời hạn giải quyết hồ sơ lâu hơn quy định. Nhiệm vụ minh bạch các thông tin về quản lý đất đai được đề ra nhưng không có cải thiện trên thực tế.
Hoạt động của toà án trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại và phá sản doanh nghiệp có sự cải thiện mạnh mẽ trong 5 năm qua, dù vẫn có điểm số khá thấp. Hoạt động thi hành án dân sự ngày càng tệ hơn khi tỷ lệ thi hành án thành công giảm liên tục từ 2017 đến nay.
Năm loại hạ tầng cơ bản gồm điện thoại, điện, internet, khu công nghiệp và đường sá được cải thiện rõ rệt trong 5 năm qua. Tuy nhiên, riêng trong năm 2020, thì tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ viễn thông, điện năng và internet lại giảm. Xuất nhập khẩu hàng hoá là một trong những lĩnh vực có sự cải thiện đáng kể trong nhiều năm qua, chủ yếu nhờ vào việc ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng quản lý rủi ro, liên thông thủ tục hành chính và cắt giảm, minh bạch hoá kiểm tra chuyên ngành.
Cổng Một cửa quốc gia cũng đã có sự cải thiện trong năm 2020 so với năm 2019 về hạ tầng công nghệ thông tin. Cổng một cửa quốc gia đã kết nối rất nhiều các thủ tục kiểm tra chuyên ngành cấp bộ, nhưng lại chưa thực hiện được với thủ tục tại các chi cục đo lường chất lượng địa phương.
Hoạt động cắt giảm và đơn giản hoá quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh được thực hiện mạnh mẽ trong giai đoạn 2016-2018 đã giúp tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh giảm mạnh. Số lượng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và cấp độ 4 được cung cấp trên các Cổng dịch vụ công của bộ ngành và địa phương tăng mạnh, tuy nhiên vẫn có một số nơi chưa đạt mục tiêu 30% dịch vụ cấp độ 4 của Nghị quyết 02.
Việc vận hành của các Cổng dịch vụ công trong việc làm thủ tục và thanh toán trực tuyến gặp rất nhiều vấn đề vướng mắc về kỹ thuật. Các cổng này cũng ít công bố các số liệu thống kê đầy đủ và chi tiết để có thể giám sát hiệu quả hoạt động.
Các nhiệm vụ xây dựng cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số (quy hoạch tần số, đấu giá tần số, thí điểm mobile money...) đã được thực hiện nhưng một số nhiệm vụ khác như xây dựng cơ chế tài chính để đơn vị công lập chi trả cho dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt thì chưa được thực hiện.
Mục tiêu một triệu doanh nghiệp năm 2020 chỉ đạt được 81,2%. Một số địa phương có mức tăng trưởng số lượng doanh nghiệp rất cao như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai. Việc tổ chức đối thoại và giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp được thực hiện tương đối hiệu quả trong nhiều năm qua và được nhiều doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Riêng năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng với hoạt động này có phần giảm điểm do bối cảnh của dịch bệnh Covid-19. Hình thức đối thoại trực tuyến đã được nhiều địa phương thực hiện để thay thế cho các hội nghị trực tiếp, tuy nhiên hình thức này chỉ phù hợp với một số nhóm nội dung như tuyên truyền phổ biến quy định mới./.
Bình luận