Doanh nghiệp dệt may cần tận dụng cơ hội từ các FTA để gia tăng xuất khẩu
Xuất khẩu dệt may tăng trưởng mạnh nhờ các FTA
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt hơn 31 tỷ USD, tăng trưởng 10,23% so với năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 25,91 tỷ USD, tăng 8,7%; xuất khẩu sơ sợi ước đạt 3,51 tỷ USD, tăng 19,9%; xuất khẩu vải không dệt đạt 472 triệu USD, tăng 13,73%; xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 17,3%. Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 18,91 tỷ USD, tăng 11,43% so với năm 2016.
Cũng theo Vitas, trong quý I/2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước tính đạt 7,62 tỷ USD, tăng 13,35% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc đạt 5,98 tỷ USD (tăng 12,49%), xuất khẩu vải đạt 335 triệu USD (tăng 20,5%), xuất khẩu xơ sợi đạt 906 triệu USD (tăng 16,5%).
Chia sẻ trên báo Nhân dân, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Vitas cho biết, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng xuất khẩu dệt may thời gian qua.
Cụ thể, FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực vào tháng 12/2015 đã giúp kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng mạnh. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc đạt 2,6 tỷ USD (tăng 9,5%); năm 2017 đạt 2,9 tỷ USD (tăng 11,8%).
FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu có hiệu lực vào tháng 10/2016, cũng đã góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Nga tăng trưởng mạnh, từ mức 84,8 triệu USD năm 2015 lên 110 triệu USD năm 2016 (tăng 30%) và đạt khoảng 172 triệu USD năm 2017 (tăng 56%).
Bên cạnh đó, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 cũng tác động tích cực, giúp nâng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường ASEAN từ 1 tỷ USD vào năm 2015, đến 1,35 tỷ USD vào năm 2017.
Tương tự với Trung Quốc, việc thực thi Hiệp định thương mại Hàng hóa ASEAN - Trung Quốc tháng 11/2004 và Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam - Trung Quốc tháng 7/2005 giúp kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang quốc gia này liên tục cải thiện. Cụ thể, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,2 tỷ USD (tăng 22%), năm 2016 đạt 2,7 tỷ USD (tăng 20%), năm 2017 ước đạt 3,2 tỷ USD (tăng 21%).
Ngoài ra, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết vào ngày 08/03/2018 cũng hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ quy định thuế suất hầu hết mặt hàng sẽ giảm về 0% trong vòng 7 năm, Việt Nam có thể nới lỏng đến 10 năm. Thuế suất vào các thị trường xuất khẩu giảm sẽ giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài ra, doanh nghiệp dệt may còn có thể tận dụng được nguồn cung nguyên liệu, học hỏi công nghệ sản xuất và trình độ quản lý từ các nước nội khối…
Nhưng, thách thức đặt ra cũng nhiều
Để được hưởng những ưu đãi theo cam kết, các FTA cũng đòi hòi các mặt hàng dệt may Việt Nam phải đáp ứng những quy định, như: về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm ít nhất hàng hóa đó phải được sản xuất tại Việt Nam hay sản phẩm dệt may Việt Nam phải tuân thủ các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn sản phẩm …
Chẳng hạn, EU quy định các vấn đề yêu cầu xử lý nguyên liệu và các chất thải độc hại sinh ra từ quá trình trồng nguyên liệu, sản xuất vải, chế biến vải hoàn thiện, các quá trình dệt, nhuộm, in ấn.
Chia sẻ tại Hội nghị về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu, ngày 23/4/2018, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, mặc dù ghi nhận sự tăng trưởng trong những tháng đầu năm, song năm 2018 được nhìn nhận vẫn còn nhiều thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam, yếu nhất của dệt may Việt Nam là vấn đề thượng nguồn, như: kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất...
Sợi sản xuất của Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 1,4 triệu tấn, trong đó 90% được xuất khẩu, nhưng sợi nhập về cũng nhiều không kém, riêng năm 2017 nhập khoảng 876.000 tấn, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan...
Vấn đề tương tự cũng xảy ra với nguồn vải. Hiện nay, nguồn vải cho may xuất khẩu chủ yếu là nhập khẩu với tổng lượng vải nhập chiếm 80% nhu cầu, trong đó, từ Trung Quốc chiếm khoảng 50%, Hàn Quốc là 18%, Đài Loan là 15%... tạo ra tình trạng nghẽn tại khâu dệt nhuộm.
Quý I/2018, xuất khẩu dệt may đạt kim ngạch 7,62 tỷ USD, tăng 13,35% so với cùng kỳ năm 2017
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trên thị trường quốc tế khi các nước đưa ra các bộ quy tắc xuất xứ cho các sản phẩm dệt may xuất xứ từ Việt Nam.
Cụ thể là, khó khăn mà ngành dệt may Việt Nam hiện phải đối mặt là các FTA phần lớn áp dụng quy tắc xuất xứ (CPTPP từ sợi, EVFTA từ vải…), trong khi dệt may Việt Nam nhập khẩu đến 80% nguyên phụ liệu.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, những tiêu chuẩn về sản xuất, cách thức đóng gói, ghi nhãn mác, quy tắc xuất xứ… sẽ là hàng rào kỹ thuật đối với ngành.
Theo bà Trang, "chúng ta có thể vượt qua hàng rào thuế quan, nhưng đối với hàng rào kỹ thuật thì chưa chắc nếu các doanh nghiệp không chuẩn bị tốt do có nhiều thị trường khó tính".
Ngoài ra, ở một khía cạnh khác, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn về nguồn lao động. Khi các doanh nghiệp nước ngoài trong cùng ngành có điều kiện trả lương cao hơn tạo ra nguy cơ bất ổn về lao động cho doanh nghiệp trong nước vì người lao động sẽ có khuynh hướng nhảy việc.
Chủ động tìm hiểu thị trường
Theo dự kiến, đến năm 2019, Việt Nam sẽ có khoảng 19 FTA có hiệu lực và những FTA này đều có cơ hội đưa thuế suất về 0%. Theo ước tính của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam có thể tăng gấp đôi vào năm 2025.
Do đó, muốn nâng cao thị phần hàng dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới, đồng thời đem lại nhiều lợi nhuận, các doanh nghiệp Việt Nam cần biết cách để tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan mà các FTA mang lại.
Trên báo Đầu tư chứng khoán, ông Trương Văn Cẩm cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thâm nhập các thị trường mới ký FTA, như: Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu… để khai thác lợi thế về thuế quan, xúc tiến khai thác thị trường EU và chuẩn bị khi CPTPP có hiệu lực.
Đứng về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (TNG) chia sẻ, bên cạnh việc tận dụng những lợi thế cạnh tranh từ các FTA đã ký kết, doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước, tìm thị trường mới để tăng số lượng đơn hàng.
Chia sẻ trên báo Bnews, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, quá trình toàn cầu hóa thương mại dẫn đến ngày càng có nhiều quốc gia tham gia các FTA và doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu để có thể tận dụng “quy tắc xuất xứ cộng gộp” khi hưởng ưu đãi.
“Đơn cử, doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc, gia công tại Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường EU mà vẫn đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa vì cả Việt Nam và Hàn Quốc đều có FTA với EU”, bà Hiền nói.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh, mặc dù Việt Nam có lợi thế đã tham gia nhiều FTA, nhưng mỗi FTA lại có quy định khác nhau về xác định nguồn gốc hàng hóa, nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được yêu cầu của tất cả các FTA. Do đó, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu mức ưu đãi của từng FTA mang lại, đồng thời đối chiếu với khả năng đáp ứng điều kiện về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của doanh nghiệp mình để lựa chọn thị trường xuất khẩu phù hợp.
Đề xuất từ phía Nhà nước, bà Trần Thị Hà, Ban Chính sách tài chính và hội nhập, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết trên Thời báo tài chính, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp về những cam kết của Việt Nam cũng như các cam kết của các đối tác, để giúp doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội và vượt qua được thử thách là rất cần thiết./.
Tham khảo từ các nguồn:
http://baocongthuong.com.vn/nam-2017-kim-ngach-xuat-khau-det-may-cua-viet-nam-dat-31-ty-usd.html
http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/36540302-fta-don-bay-xuat-khau-hieu-qua.html
http://bnews.vn/giai-phap-cho-doanh-nghiep-det-may-viet-tan-dung-toi-da-uu-dai-tu-fta/52797.html
http://tinnhanhchungkhoan.vn/thuong-truong/det-may-tim-co-hoi-tang-truong-tu-ftas-227504.html
http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2017-05-11/lam-the-nao-tan-dung-co-hoi-fta-mang-lai-43210.aspx
Bình luận