Ngày 9/11, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng Covid-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng”.

Doanh nghiệp làm gì để tăng cường sức đề kháng trước các cuộc khủng hoảng?
Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Anh Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Minh Hậu

Doanh nghiệp bị động trước khủng hoảng

Phát biểu khai mạc hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Anh Tuấn cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Doanh nghiệp Việt Nam với đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có quy mô nhỏ và thời gian hoạt động ngắn.

Vì vậy, do hạn chế về nguồn lực và kinh nghiệm trong ứng phó với những biến động bất ngờ của nền kinh tế, nhất là trong các cuộc khủng hoảng có tác động trên quy mô rộng và thời gian dài như đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp thường không có sự chuẩn bị kịp thời và không có một kế hoạch phù hợp để ứng phó.

Thời gian qua, tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, gây nên các nguy cơ, thách thức mới cho quá trình phục hồi và phát triển của các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng khác như: Chiến tranh, dịch bệnh, môi trường, tài chính, nhân sự…

“Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kế hoạch để ứng phó với những yếu tố rủi ro, bất định, các cuộc khủng hoảng để phát triển một cách bền vững, tăng cường sức đề kháng trước các cuộc khủng hoảng, góp phần nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Khủng hoảng Covid-19 là một trường hợp điển hình được lựa chọn để thực hiện nghiên cứu”, Cục trưởng Bùi Anh Tuấn cho biết.

Bà Nguyễn Thị Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nêu rõ hiện trạng, khi khủng hoảng xảy ra, đa phần các doanh nghiệp phải “loay hoay” tìm hướng đi hoặc trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Điều này tạo nên rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, thậm chí là ngừng hoạt động; đặc biệt đó là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp trẻ có thời gian thành lập ngắn từ 0-5 năm.

Dẫn chứng số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bà Việt Anh cho biết, năm 2020 có 101.719 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019. Năm 2021 là một trong những năm có số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao nhất trong nhiều năm trở lại đây do những khó khăn, thách thức của dịch Covid-19 gây ra.

Doanh nghiệp làm gì để tăng cường sức đề kháng trước các cuộc khủng hoảng?
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu

Để doanh nghiệp ứng phó với các cú sốc bất ngờ trong tương lai

Ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trình bày kết quả chính của Báo cáo. Kết quả khảo sát thực trạng và cách thức doanh nghiệp thích ứng và vượt qua khủng hoảng cho thấy, yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng đó là năng lực quản trị doanh nghiệp (32,9%); Thị trường khách hàng (20,5%); Quy mô vốn của doanh nghiệp (20%); Ngành nghề kinh doanh (18%); Khả năng huy động vốn (17,6%); Thời gian hoạt động (14,9%); Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số (14,4%).

Để giúp các doanh nghiệp có thể thích ứng và ứng phó có hiệu quả với các cuộc khủng hoảng, các cú sốc bất ngờ trong tương lai đòi hỏi phải có những giải pháp trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Nhóm nghiên cứu đưa ra các giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng linh hoạt và phục hồi hiệu quả. Cụ thể, trong ngắn hạn, về phía doanh nghiệp cần cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết, đảm bảo hiệu quả hoạt động và dòng tiền của doanh nghiệp. Giải quyết ngay những vấn đề phát sinh đột xuất, bất thường có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Coi nhân sự là tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp, thường xuyên đối thoại với người lao động, nhất là khi khủng hoảng xảy ra, nhằm đưa ra phương hướng hoạt động, sản xuất cho doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng, cũng như thực hiện các giải pháp hiệu quả hỗ trợ người lao động. Chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, nắm bắt xu hướng tiêu dùng của khách hàng để chuyển hướng kịp thời. Thay thế các hình thức, phương thức kinh doanh, các sự kiện bán hàng theo kiểu truyền thống bằng các giải pháp công nghệ mới để khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin, kinh doanh trên các sàn giao dịch điện tử.

Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa hình thức huy động vốn. Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, tình hình kinh tế, chính trị trong nước và trên thế giới; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào; tăng cường liên kết thông qua các chuỗi cung ứng và mạng lưới các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và địa phương.

Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần xây dựng các diễn đàn chia sẻ những bài học về lựa chọn thị trường, đối tác, quan hệ kinh doanh, về đầu tư xây dựng “nội lực” cốt lõi của doanh nghiệp để tăng khả năng chống chịu với các cú sốc. Tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên, hợp tác cùng phát triển. Tổng hợp, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Phổ biến, tuyên truyền, cập nhật kịp thời các chính sách mới của Chính phủ, chỉ đạo của chính quyền địa phương tới các doanh nghiệp hội viên.

Về phía Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cần rà soát, bổ sung, gia hạn các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thực chất thủ tục hành chính. Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh doanh mới, thị trường mới.

Về các giải pháp cho sự phát triển dài hạn và ứng phó với khủng hoảng trong tương lai, đối với doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng các kế hoạch hoạt động mang tính chiến lược, dài hạn; hiện đại hóa hệ thống quản trị và quy trình hoạt động của doanh nghiệp nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất, tăng sự chủ động của doanh nghiệp trong trường hợp khủng hoảng và các sự cố bất khả kháng xảy ra…

Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, thứ nhất, tổ chức các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực nhận biết khủng hoảng và quản trị khủng hoảng của lãnh đạo doanh nghiệp. Thứ hai, xây dựng bộ cẩm nang hướng dẫn vượt khủng hoảng hoặc cẩm nang các dấu hiệu nhận biết và cách thức quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng. Thứ ba, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức, thời cơ, xu hướng kinh doanh, xu hướng thị trường mới của ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các yêu cầu về kinh doanh bền vững, kinh doanh xanh; kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng. Thứ tư, đại diện và tăng cường quyền lợi cho các hội viên của mình trong các quan hệ trong nước và quốc tế; làm cầu nối, vận động chính sách, duy trì đối thoại với Chính phủ và quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước, nước ngoài về xây dựng pháp luật và chính sách điều chỉnh hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khi có các cuộc khủng hoảng xảy ra. Thứ năm, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Đối với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cần hoàn thiện chính sách pháp luật, cải cách hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng ứng phó với khủng hoảng. Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác những cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để ứng phó với khủng hoảng trong tương lai. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng giúp doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm hiểu thị trường, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị để ứng phó với khủng hoảng. Nghiên cứu xây dựng Chương trình ứng phó với khủng hoảng mang tầm quốc gia. Truyền thông nhằm tăng cường nhận thức của doanh nghiệp trong việc ứng phó với khủng hoảng. Thúc đẩy sự phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới; nâng cao khả năng ứng phó với khủng hoảng của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Để nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp trong bối cảnh bất định hiện tại, bà Nguyễn Thị Việt Anh cho rằng, các doanh nghiệp cần kiểm soát tốt hơn sự gia tăng (tiềm ẩn) về chi phí của chuỗi cung ứng, do việc lựa chọn các nguồn cung đa dạng nhằm tránh tình trạng đứt gãy hoặc không sẵn sàng của chuỗi; tăng cường hoặc đa dạng các biện pháp bảo vệ người lao động, đồng thời, áp dụng tự động hóa trong sản xuất để từng bước tiết giảm sự phụ thuộc vào các yếu tố không hiệu quả, trong đó có chi phí nhân công.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được quản lý quá chặt chẽ lại có thể phải nhường cơ hội kinh doanh mới nhất thời và ngắn hạn cho những doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh, linh hoạt và năng động trong thay đổi định hướng kinh doanh và chiến lược; đồng thời, việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Anh cũng đề cập tới khái niệm ứng phó với khủng hoảng. Bà chỉ rõ, đối với doanh nghiệp, thì đây là một khái niệm tương đối xa lạ và chưa được xem trọng. Khi đối diện với các cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp thường không có sự chuẩn bị kịp thời và không có một kế hoạch phù hợp để ứng phó.

Bà đề nghị nên nghiên cứu thêm về khái niệm ứng phó với khủng hoảng, có thể đề cập trong văn bản luật để có thể đưa ra chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian tới./.