Khả năng chịu đựng của các DN sau thời gian dài của dịch COVID-19 đã đến mức tới hạn
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Trong 5 tháng đầu năm, đã có 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội được Tổng cục Thống kê mới công bố cho biết, trong tháng Năm cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp thành lập mới và 5.952 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Trong chiều ngược lại, trong tháng Năm có 5.364 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; có 4.717 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; có 1.223 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Tính chung 5 tháng đầu năm, 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88.000 doanh nghiệp (55.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 25.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 7.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thi trường.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, do tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%).
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có báo cáo về tình hình lao động, việc làm 5 tháng đầu năm 2023. Bộ LĐTBXH cho biết, trong 5 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động do sụt giảm đơn hàng, khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng mới, phát triển thị trường nước ngoài.
Số này tập trung vào các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ. Tuy nhiên, bên cạnh một số ngành cắt giảm lao động thì nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn (nhu cầu tuyển lao động trong 4 tháng đầu năm 2023 là 481,2 nghìn người; trong đó nhu cầu tuyển tại các khu công nghiệp, khu chế xuất khoảng 146 nghìn lao động).
"Việc cắt giảm lao động hiện tại mang tính cục bộ, vẫn trong khả năng kiểm soát được. Tuy nhiên, nếu khó khăn về thiếu đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu, giá năng lượng không được giải quyết thì số lượng lao động phải cắt giảm việc làm sẽ tăng cao, sẽ lan sang các ngành nghề khác trong thời gian tới", Bộ LĐTBXH nhận định.
Đâu là những khó khăn, thách thức doanh nghiệp đang phải đối mặt
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng, khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp trong nước sau thời gian dài của dịch COVID-19 đã đến mức tới hạn.
Bộ trưởng cho biết, qua thảo luận tại Quốc hội và kết quả làm việc với doanh nghiệp, hiệp hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Thứ nhất, khó khăn về dòng tiền, khả năng tiếp cận vốn vay, nhất là vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh. Dư nợ tín dụng đến ngày 29/5 chỉ tăng 3,08% (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,93%). Nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng vay hoặc chưa muốn vay do sản xuất kinh doanh đình trệ, không có lãi. Mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao; thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng chậm.
Thứ hai, khó khăn về thị trường, nhất là các nhóm hàng chủ lực như điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, đồ gỗ,… Thị trường bất động sản khó khăn, tác động lớn đến hoạt động xây dựng, vật liệu xây dựng, đồ gỗ và lao động việc làm trong nước. Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) tháng 5 chỉ đạt 45,3 điểm, kéo dài xu hướng phản ánh sản xuất, đơn hàng yếu đi từ cuối năm 2022.
Thứ ba, thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhiều nhưng chưa thông thoáng, làm tăng chi phí cho sản xuất kinh doanh. Trong một số trường hợp, chính sách, quy định mới ban hành lại xuất hiện rào cản mới, thủ tục mới; vướng mắc pháp lý của dự án đầu tư chậm được tháo gỡ.
"Những vấn đề doanh nghiệp, nền kinh tế hiện nay rất khác biệt so với giai đoạn 2008-2013, cộng hưởng bởi tác động nhanh, mạnh, cùng thời điểm của nhiều yếu tố, đặc biệt là: nền kinh tế có độ mở lớn, chịu ảnh hưởng mạnh từ bên ngoài; năng lực, sức chống chịu của doanh nghiệp đã tới hạn do tác động kéo dài của dịch Covid-19; chính sách tiền tệ đột ngột thắt chặt, làm giảm nhu cầu tại các thị trường lớn của nước ta, gây áp lực lên tỷ giá; cùng một số vấn đề trong nước về ngân hàng, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự phụ thuộc vào khu vực FDI, thị trường đầu vào, đầu ra xuất nhập khẩu,.... đồng thời bộc lộ rõ nét hơn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Bộ trưởng cho rằng, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời, tuy nhiên cần có các giải pháp để tổ chức, thực thi một cách quyết liệt, tổng thể và đồng bộ từ tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại gắn với thời gian, phạm vi cụ thể./.
Bình luận