Năm 2016: 36.339 doanh nghiệp được thành lập

Phát biểu tại hội nghị, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, môi trường kinh doanh của Thành phố đang được cải thiện tốt hơn, công tác cải cách thủ tục hành chính đã có nhiều tiến bộ, các sở ban ngành đã ứng dụng công nghệ thông tin để giúp giải quyết thủ tục với hiệu suất cao hơn, minh bạch hơn, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có những điều hiện thuận lợi hơn trong sản xuất, kinh doanh.

Toàn cảnh hội nghị

Năm 2016, chính quyền Thành phố không những lắng nghe, chia sẻ mà còn bắt tay vào hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, đã kết nối cho 21.914 khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi vay và đã giải ngân số vốn 281.216 tỷ đồng; kết nối doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối, tổ chức hội chợ, triển lãm… nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tiếp cận với khoa học, công nghệ tiên tiến; Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, tập huấn các kỷ năng về khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, quản trị kinh doanh… và hội nhập kinh tế quốc tế.

Với những sự đổi mới đó, năm 2016, tinh thần khởi nghiệp của Thành phố đã nâng cao, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016 đạt mức kỷ lục 36.339 doanh nghiệp. Tính đến ngày 31/12/2016 trên toàn Thành phố có 295.235 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 2.245.173 tỷ đồng.

Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp nêu những ý kiến, đề xuất để tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các hội ngành nghề trên địa bàn Thành phố, góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành Phố, doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh vẫn còn tồn tại, thách thức phải đối mặt. Cụ thể, tuy số lượng doanh nghiệp thành lập mới đã tăng, nhưng quy mô và năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn còn hạn chế. Chỉ có khoảng 35% doanh nghiệp có kết quả kinh doanh đóng góp cho ngân sách Thành phố; 32% doanh nghiệp tự tin vào khả năng cạnh tranh về sản phẩm của mình, trên 40% cảm thấy lo ngại về khả năng cạnh tranh, số còn lại là bi quan.

Nêu lên ý kiến của mình, ông Kiều Huỳnh Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP. Hồ Chí Minh cho rằng, tuy Thành phố có nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích, kích thích các doanh nghiệp phát triển trong sản xuất, kinh doanh, nhưng thực tế, mới chỉ có một số doanh nghiệp tiếp cận được những ưu đãi này.

“Hiện nay, khoảng 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hội Cơ khí - Điện nằm ngoài các khu công nghiệp, nên không đủ tiêu chuẩn để vay vốn kích cầu…”, ông Sơn đưa dẫn chứng.

Do vậy, ông Sơn kiến nghị, Thành phố cần có các chính sách hỗ trợ để đưa doanh nghiệp cơ khí - điện, ngành cao su – nhựa vào khu công nghiệp, từ đó hình thành các cụm/tiểu khu công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành, như: hỗ trợ giá thuê đất 10-20 USD/m2, giảm lãi vay đầu tư; xây dựng mô hình các tiểu khu công nghiệp hỗ trợ chuyên ngành với quy mô 3–5ha; có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng những khu nhà xưởng 700-1.500m2 và cho doanh nghiệp thuê trung hạn 5-10 năm hoặc ngắn hạn từ 3-5 năm.

Đại diện Hội Lương thực, Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food (Saigon Food) cũng đề xuất, Nhà nước cần hỗ trợ cho các hệ thống siêu thị nội phát triển. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tôn vinh quảng bá sản phẩm an toàn của người Việt Nam, không để hàng ngoại lấn chiếm thị trường…

Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế giám sát mức chiết khấu của hệ thống siêu thị ngoại vì nếu mức chiết khấu của siêu thị nội không “đua” được với họ, việc kinh doanh sẽ vô cùng khó khăn.

Đồng quan điểm, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Co.op cho rằng, phải xây dựng được chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, phải chuẩn hóa về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, hệ thống quản trị. Bên cạnh hỗ trợ nguồn lực tài chính, chính quyền phải có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn hóa các quy định này.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng hoan nghênh các ý tưởng, hiến kế thể hiện tâm huyết, trách nhiệm cao của cộng đồng doanh nghiệp đến với sự phát triển của Thành phố.

Bí thư Đinh La Thăng nhận định rằng: “Doanh nhân, doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh phải là những doanh nhân, doanh nghiệp năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận đổi mới và kể cả chấp nhận rủi ro. Vì chúng ta là đầu tàu kinh tế, hết sức năng động nên phải chấp nhận đổi mới để phát triển”.

Bí thư Đinh La Thăng đề nghị các doanh nghiệp đẩy mạnh, đổi mới thiết bị, công nghệ mới, tận dụng thời cơ cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 để đuổi kịp các doanh nghiệp nước ngoài. Hiện tại, Việt Nam đã ký hơn 10 hiệp định thương mại tự do, thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam phải vươn ra thị trường thế giới, mà trước hết là phải giữ được thị trường trong nước./.

Tại hội nghị lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã bấm nút khởi động ra mắt Cổng tiếp nhận yêu cầu trợ giúp doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (http://hotro. hiephoidoanhnghiep.vn/). Cổng này sẽ tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp với hy vọng đây là công cụ gắn kết doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.