Doanh nghiệp tìm cơ hội đón "Mặt trời" sau bão Covid-19
Các tín hiệu, “bản đồ” về các khu vực, lĩnh vực và cả chân dung của những doanh nghiệp sẽ giành lợi thế, chiếm được nhiều “chiến lợi phẩm” và tăng tốc trong một trật tự thị trường mới đã được các doanh nhân phác thảo. Từ đó giúp doanh nghiệp nhận diện nhiều cơ hội trong những trận chiến sắp tới, đồng thời thảo luận những hướng đi cần thiết cho doanh nghiệp để “tái thiết” trong thời kỳ hậu Covid-19.
“Mặt trời” sẽ bừng sáng ở đâu khi bước qua tâm bão?
Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khởi sắc trở lại nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine Covid-19 được thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu hồi phục nhanh. Các doanh nghiệp cùng chung nhận định, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ. Tại Việt Nam, 3 nhóm ngành được dự báo hồi phục sớm nhất là công nghệ thông tin, y tế và bán lẻ.
Các doanh nghiệp chia sẻ tại cuộc tọa đàm |
Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, Founder, Chủ tịch HĐQT - CEO Tiki, căn cứ theo dữ liệu của Tiki, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, chỉ số mua sắm của khách hàng tăng mạnh, nổi bật nhất là ngành hàng tiêu dùng. Ông Sơn dự đoán, trong thời kỳ hậu Covid-19, nhu cầu mua sắm chia thành hai thái cực tượng trưng cho hai nhóm khách hàng. Đầu tiên là nhóm khách hàng có nhu cầu giải trí ngay lập tức và sẽ hướng về các ngành như du lịch, giải trí. Nhóm khách hàng thứ hai tập trung vào tiêu dùng tiết kiệm, họ sẽ quan tâm tới mua sắm nhu yếu phẩm cho cuộc sống.
Theo thống kê, tại Việt Nam, có 69% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, 16% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, chỉ có 15% hoạt động bình thường. Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom nhận định, FPT thuộc 15% số doanh nghiệp hoạt động như trước đại dịch và hiện tại đang là “doanh nghiệp chiến đấu”, vì ông và đội ngũ doanh nghiệp phải làm việc nhiều hơn, giải quyết nhiều bài toán khó khăn hơn, thay vì chuyển sang trạng thái “ngủ đông” như phần lớn các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành du lịch, hàng không, nhà hàng - khách sạn. Ông Tiến dự báo khoảng thời gian 4 đến 12 tuần sắp tới được xem là “lò xo nén”, 85% số doanh nghiệp bị nén chặt lại trong dịch sẽ bắt đầu bật ra và bùng nổ rất nhanh. Trên thực tế, đại dịch Covid-19 không hạ gục được cộng đồng doanh nghiệp Việt, vì vậy, ông tin tưởng và khẳng định lạc quan rằng “mặt trời” sẽ chiếu sáng tất cả các ngành nghề sau đại dịch.
So sánh mỗi doanh nghiệp như một xe đua công thức 1 trên đường đua đến thành công, ông Nguyễn Thái Phiên, Phó Tổng giám đốc Đầu tư và Tài chính - Tập đoàn NovaGroup cho biết, những doanh nghiệp đầu tàu - gần Mặt trời nhất thì sẽ có cơ hội vực dậy sớm nhất. Bên cạnh đó, mỗi “chiếc xe đua” phải tận dụng những khúc cua trên đường để tạo thành lợi thế, tìm kiếm cơ hội sau mỗi khúc cua đó để bứt phá trên đường đua sau đại dịch. Ông cho biết, năm 2020, NovaGroup tiếp tục tái cấu trúc với chiến lược trở thành Tập đoàn kinh tế gồm 3 trụ cột: Novaland Group, Nova Services Group, Nova Consumer Group, hoạt động trong các lĩnh vực Bất động sản, Thương mại - Dịch vụ, Nông nghiệp - Hàng tiêu dùng. Câu chuyện của NovaGroup phát triển đa ngành chính là tạo sự vững vàng để vượt qua những khúc cua sắp tới.
Trả lời cho câu hỏi của ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch YBA, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) về những “bẫy mặt trời” sắp tới, ông Trần Ngọc Thái Sơn cho biết, trong 2 năm trở lại đây các chính sách đối với thương mại điện tử đã cởi mở hơn rất nhiều. “Mặc dù là công ty Việt Nam và có thể không có lợi thế về nguồn lực như các công ty nước ngoài, nhưng Tiki luôn coi công nghệ là nguồn lực quan trọng. Do đó, Công ty sớm áp dụng điện toán đám mây, AI, robotic trong việc vận hành kho bãi. Tuy nhiên, cái bẫy lớn nhất là muốn “ôm đồm” nhiều thứ, xa rời đi cốt lõi của Tiki là phục vụ khách hàng”, ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thái Phiên, ở mỗi cấp độ, doanh nghiệp sẽ có khó khăn riêng. Một doanh nghiệp lớn như Nova Group sẽ ít khả năng linh hoạt, uyển chuyển, nên NovaGroup đang tập trung đi sâu vào những ngành đang triển khai và xác định khép kín trong chuỗi. Ông Phiên cho rằng đối với Nova thì có 2 vấn đề cốt lõi: Đầu tiên là chuyển đổi công nghệ để thay đổi những tập quán làm việc cũ, đó là cắt bỏ những phần thừa để nhẹ bớt và tiến nhanh hơn. Thứ hai là cố gắng cộng sinh với các doanh nghiệp nhỏ hơn. Đối với nhà thầu, nhà cung cấp thì có mối quan hệ bền chặt hơn, để giảm bớt quy trình. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần “liều vaccine” là tiềm lực tài chính, cơ cấu doanh thu, cơ cấu lợi nhuận để bền vững hơn, mang tính chất đều đặn hơn. Theo ông Phiên, cái bẫy lớn nhất là ở chính mình, là khi Ban lãnh đạo thỏa mãn với những gì mình đã làm. Doanh nghiệp phải duy trì sự khát khao, chiến đấu của từng người trong bộ máy. Cái bẫy lớn nhất vẫn là sự thỏa mãn, đó là sợi dây kéo mình lại nhiều nhất.”
Trong khi đó, doanh nhân Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom rút ra 4 trọng điểm để doanh nghiệp có thể chuyển mình sau đại dịch. Đó là, trong hoàn cảnh hiện nay, chuyển từ quản trị doanh nghiệp qua chỉ huy doanh nghiệp. Theo ông, hiện tại, doanh nghiệp Việt không có thời gian chờ nhiều nữa nên các mệnh lệnh, chỉ đạo hệ thống cần thay đổi ngay; Doanh nghiệp nào ứng dụng công nghệ sẽ nhanh chóng trở thành doanh nghiệp xanh để ứng phó với dịch; Văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng: làm việc với 200% năng suất, từ quản lý đến nhân viên tiếp tục chiến đấu cùng nhau để đạt được mục tiêu chung. Cuối cùng, nhưng cũng là quan trọng nhất, người lãnh đạo phải là người biết nhìn xa trông rộng, có năng lực nhìn thấy tương lai và lèo lái con thuyền doanh nghiệp đi đúng đường.
“Mặt trời” ló dạng dưới những dạng thức nào?
Nhắc lại khái niệm chữ T - Tái tạo, làm mới bộ máy đang chạy đã từng đúc rút tại tọa đàm trước, ông Lê Trí Thông khẳng định, "chiến lược cần thiết nhất là suy nghĩ không cũ cho những vấn đề không mới". Các vị khách mời đều đồng ý rằng, chuyển đổi số là con đường tối quan trọng trong cuộc đua “Tái tạo” sau Covid-19. Thêm vào đó, những doanh nghiệp nào “trên mây” sớm, hay chuyển đổi cộng nghệ sớm, thì sẽ đón được nhiều ánh sáng mặt trời hơn.
CEO Tiki cho biết, với thị trường Việt Nam, bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 22-25% thị phần, còn lại vẫn là bán lẻ truyền thống. Mặc dù tốc độ chuyển dịch từ mô hình truyền thống sang hiện đại đang diễn ra nhanh hơn, nhưng một số ngành phải mất rất lâu để chuyển dịch như thực phẩm tươi sống, y tế, đặc biệt là ở nông thôn. Ông cho biết, những ngành này trước đây có thời gian phải mất 10 năm mới có sự thay đổi nhưng nhờ dịch mà đi nhanh hơn, rút ngắn thời gian còn một nửa. Trong tương lai, để ngành hàng bán lẻ trụ vững và đáp ứng được nhu cầu khách hàng thì doanh nghiệp phải tận dụng sức mạnh của cộng đồng và nhất là phải dùng sức mạnh của công nghệ.
Đối với Chủ tịch FPT Telecom, quá trình công nghệ hoá trong doanh nghiệp là điều tối quan trọng. Ông khẳng định “Chúng ta phải xây dựng được hệ sinh thái cho doanh nghiệp. Không chỉ bán lẻ, sản xuất, phân phối, viễn thông, tài chính. Người dẫn đầu doanh nghiệp phải có tư duy doanh nhân đặc biệt. Phải có lòng tin sắt đá là mình sẽ làm được mọi việc. Ai ứng dụng công nghệ tốt hơn, người đó sẽ chắc thắng”.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lời khuyên được đưa ra là cùng nhau phát triển và tìm kiếm nguồn lực mới. “Những nhà lãnh đạo, cổ đông lớn ở Việt Nam mang trách nhiệm xã hội rất lớn. Họ là "những con sếu đầu đàn" và muốn mở rộng tiềm năng kinh doanh, nhưng họ cũng có nghĩa vụ đóng góp lại cho xã hội, cho cộng đồng. Các doanh nghiệp phải dùng phép cộng sinh để tạo ra một khối đoàn kết đủ sức cạnh tranh, từ giai đoạn củng cố địa vị của mình, đây là thời điểm thích hợp để làm điều đó. Ổ Việt Nam, giai đoạn này sẽ là xu hướng.”- Phó Tổng giám đốc Đầu tư và Tài chính - Tập đoàn NovaGroup cho biết.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Ngọc Thái Sơn cũng nghiêng về ý kiến cộng sinh vào các hệ sinh thái khác và bổ sung “Bản chất của các doanh nghiệp SME Việt Nam rất uyển chuyển, nhanh nhạy trong việc chuyển đổi số và trong kinh doanh, nên họ sẽ tận dụng tất cả những thứ họ thấy được để tồn tại. Các công ty đều đầu tư nhiều vào việc vận chuyển. Việc tận dụng hệ sinh thái của nhau để phát triển nhanh hơn là việc rất cần thiết. Do đó, doanh nghiệp cùng cộng sinh với nhau mà sống”.
Mỗi doanh nghiệp đều có cơ hội đón “ánh sáng Mặt trời”
Trả lời câu hỏi “Mặt trời” sẽ ló dạng nơi đâu sau bão dịch, các lãnh đạo doanh nghiệp đều đồng ý rằng, không phải chỉ có "một Mặt trời" mà mỗi ngành nghề, mỗi doanh nghiệp đều có những “ánh sáng mặt trời” của mình.
Đối với những doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng NovaGroup, ông Nguyễn Thái Phiên - Phó Tổng giám đốc Đầu tư và Tài chính - Tập đoàn NovaGroup khẳng định: “Novagroup hiện tại đang phát triển với 3 trụ cột chính: bất động sản, vật liệu xây dựng, thi công thiết kế. Ngoài ra, Nova Service đang phát triển để mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng. Bên cạnh đó, NovaGroup đang mở cửa cho những doanh nghiệp có khả năng cung cấp những giá trị công nghệ và có tính linh hoạt tốt. Tiêu chí lớn nhất là phải có cùng một định hướng, chia sẻ cùng giá trị để cùng nhau lớn mạnh.”
Chia sẻ về hướng phát triển sau đại dịch, ông Trần Ngọc Thái Sơn cho biết, Tiki dự định sẽ triển khai làm việc từ xa nhiều hơn. Covid-19 củng cố quyết tâm biến điều đó thành chiến lược lâu dài cho đội ngũ kỹ sư nội bộ, và thu hút kỹ sư nước ngoài. “Tuy nhiên, việc đóng gói, giao hàng vận chuyển thì vẫn phải làm trực tiếp. Doanh nghiệp sản xuất cũng vậy. Giải pháp là tạo ra cơ chế để sản xuất an toàn. Sử dụng công nghệ để áp dụng được cho sản xuất số lượng lớn, và các doanh nghiệp cũng nên tính tới tự động hóa 1 phần”, ông Sơn gợi mở.
Theo các doanh nghiệp, cần nắm bắt cơ hội nhanh chóng, bởi đôi khi tốc độ là điều kiện tiên quyết và có ý nghĩa còn hơn cả kích thước doanh nghiệp. Cần xây dựng tính cộng đồng, tính liên kết để có khả năng chuyển hóa năng lượng của "Mặt trời" nhanh hơn, hiệu quả hơn. M&A cũng là khía cạnh nên cân nhắc để doanh nghiệp thích nghi nhanh hơn với bối cảnh kinh doanh mới, như nhận định của ông Lê Trí Thông “đây là bài toán cũ, nhưng chúng ta cũng cần những lời giải mới”./.
Bình luận