Dự án tỷ đô trên sông Hồng của Bầu Thụy chưa đủ căn cứ để Thủ tướng xem xét
Đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO là dự án đang được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây.
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 24.510 tỷ đồng, trong đó 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại
Cụ thể, mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Dự án giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện trên sông Hồng.
Dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn ThaiGroup (trước là Tập đoàn Xuân Thành, do ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) làm Chủ tịch HĐQT) đề xuất tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 24.510 tỷ đồng, trong đó 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại.
Dự kiến, chủ đầu tư sẽ xây dựng sáu đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng sáu nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II) kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW (mỗi nhà máy thủy điện khoảng hơn 30 MW); xây dựng bảy cảng dọc tuyến từ Hà Nội lên tới Lào Cai.
Nếu được Thủ tướng phê duyệt, dự án sẽ được xây dựng trong 6 năm, từ 2016-2021. Hình thức thu hồi vốn là xây dựng các trạm thu phí, thu từ bán điện, thu từ khai thác cảng (BOO). Mức thu phí dự kiến đoạn Việt Trì - Yên Bái vào khoảng 10.000-15.000 đồng một tấn. Mức thu phí đoạn Yên Bái - Lào Cai 40.000-45.000 đồng. Hàng quốc tế có mức thu gấp đôi hàng nội địa.
Giá bán điện của dự án dự kiến là 1.900 đồng/kWh, lộ trình tăng giá theo thời gian. Dự án dự kiến đi vào hoạt động sẽ đạt lợi nhuận thuần 1.296 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn là 25 năm.
Vì dự án có quy mô lớn nên Xuân Thiện đề xuất được hưởng một loạt các ưu đãi như được Nhà nước hỗ trợ giá bán điện để bù giá thu phí vận tải và chi phí quản lý thu phí, duy tu bảo dưỡng công trình (5 năm đầu là 1.900 đồng/KWh, 5 năm tiếp theo là 2.380 đồng, các năm tiếp theo tối thiểu là 2.970-3.560 đồng/KWh). Doanh nghiệp cũng mong muốn được miễn tiền thuế sử dụng đất, miễn thuế tài nguyên nước và thuế dịch vụ môi trường rừng, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm hoàn vốn...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dự án này nếu được thực hiện sẽ tác động rất lớn tới môi trường. Bởi vì, hiện nay, lòng sông Hồng đã tụt xuống 1 m so với trước đây. Nếu làm tiếp mấy cái đập nữa, lòng sông sẽ còn tụt xuống, khi đó, hai bên bờ bị phá, cửa sông bị phá. Do đó, nước biển xâm lấn vào. Lúc đó, cả vùng Đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định sẽ bị xâm nhập mặn tác động, dẫn đến hậu quả là khôn lường.
Đó là chưa kể tới việc, Hà Nội sẽ đối mặt với nguy cơ bị dòng chảy khoét, dòng sông sẽ ăn sâu vào đất liền và việc phải di chuyển dân là khó tránh khỏi.
Ngoài ra, khi ngăn đập làm thủy điện sẽ khiến mực nước giảm khu vực hạ lưu khiến khả năng tự làm sạch dòng sông sẽ giảm điều này dẫn đến ô nhiễm.
Liên quan đến dự án này, tại buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 05/05/2016, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, trước hết đây là dự án mới ở bước rất sơ khai, mới đề xuất ban đầu. Tuy nhiên, với nhận thức dự án quan trọng này có ảnh hưởng tới môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Trước câu hỏi của dư luận về quan điểm của Chính phủ về dự án này, ngày 9/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tại văn bản, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm, chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án. Nguyên nhân là do dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để bảo đảm phát triển bền vững, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực Đồng bằng sông Hồng./.
Bình luận