FiinGroup công bố thương vụ xếp hạng tín nhiệm đầu tiên tại Việt Nam
Dấu mốc ngành xếp hạng tín nhiệm độc lập tại Việt Nam
Đúng là một dấu mốc của ngành xếp hạng tín nhiệm độc lập tại Việt Nam khi nhiều năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam (nếu có) chỉ do các tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu như Standard & Poor’s, Moody’s Investors Service, Fitch Ratings, DBRS thực hiện xếp hạng tín nhiệm. Xếp hạng tín nhiệm độc lập là mảng việc hoàn toàn trống vắng tổ chức thực hiện trong suốt chiều dài 21 năm hoạt động của TTCK Việt Nam. Tính đến nay, Bộ Tài chính cũng mới cấp phép cho 2 doanh nghiệp (FiinRatings và CTCP Xếp hạng Sài Gòn Phát Thịnh) đủ điều kiện thực hiện cung cấp dịch vụ tín nhiệm và thương vụ FiinRatings xếp hạng cho VietCredit là thương vụ công bố đầu tiên trên toàn thị trường.
Ông Nguyễn Quang Thuân cho biết, FiinGroup sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo, hội thảo nhằm hỗ trợ nhà đầu tư hiểu về xếp hạng tín nhiệm
Việc công bố xếp hạng tín nhiệm độc lập sẽ giúp các nhà đầu tư sẽ có thông tin đánh giá độc lập, làm cơ sở cho quyết định đầu tư và sở hữu trái phiếu, các hợp đồng hoán đổi nợ, các công cụ nợ cũng như sức khoẻ tài chính/hồ sơ tín dụng của doanh nghiệp phát hành. Chủ tịch Nguyễn Quang Thuân cho biết, những công bố tiếp theo sẽ được FiinGroup thực hiện trong thời gian tới, đồng thời với việc tổ chức các hoạt động đào tạo và hội thảo, nhằm hỗ trợ nhà đầu tư quan tâm. Được biết, Fiin Ratings đặt mục tiêu xếp hạng 20-30 nhà phát hành trong 2 năm 2021-2022, tập trung vào 4 nhóm ngành chính bao gồm: bất động sản, ngân hàng/tài chính, năng lượng và hàng tiêu dùng.
Trong một chia sẻ với báo chí trước đó, ông Thuân cho biết, FiinGroup có khát vọng tạo ra chuẩn mực mới trong ngành phân tích dữ liệu tài chính - chứng khoán. Riêng trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm, FiinGroup mong muốn cùng các thành viên trên thị trường tạo một hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội địa của Việt Nam và điều này sẽ giúp cho cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường vốn Việt Nam.
Hai chủ thể cốt lõi nhất trên thị trường vốn là nhà phát hành và nhà đầu tư. Với nhà phát hành, xếp hạng tín nhiệm độc lập sẽ giúp các doanh nghiệp tăng khả năng huy động vốn qua thị trường nợ với chi phí hợp lý nhất. Với nhà đầu tư, xếp hạng tín nhiệm độc lập cung cấp những đánh giá độc lập về sức khỏe tín dụng của các doanh nghiệp phát hành, giúp nhà đầu tư ra quyết định trong sự minh bạch, công bằng, hiểu và đánh giá tốt hơn cơ hội, rủi ro đầu tư trên thị trường.
Công khai phương pháp xếp hạng tín nhiệm
Liên quan đến kết quả xếp hạng tín nhiệm Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) do FiinRatings thực hiện, FiinRatings cho biết, đây là kết quả xếp hạng tín nhiệm dài hạn về VietCredit với vai trò là nhà phát hành. FiinRatings chưa thực hiện xếp hạng công cụ nợ sẽ có thể phát hành bao gồm trái phiếu hoặc Chứng chỉ tiền gửi của Công ty.
“Đây là ý kiến xếp hạng tín nhiệm đầu tiên được công bố rộng rãi ra công chúng tại Việt Nam sau rất nhiều thời gian chờ đợi và nỗ lực của các cơ quan quản lý, các thành viên thị trường và đơn vị xếp hạng tín nhiệm như chúng tôi. FiinRatings muốn lưu ý rằng, Kết quả xếp hạng này được FiinRatings thực hiện theo phương pháp luận và các tiêu chí đánh giá được chúng tôi xây dựng và phát triển để áp dụng cho Việt Nam. Do đó, khung xếp hạng của FiinRatings có thể khác với khung xếp hạng của các đơn vị xếp hạng quốc tế đã công bố cho các doanh nghiệp Việt Nam”, FiinRatings cho biết.
Cũng theo FiinRatings, phương pháp xếp hạng và tiêu chí được xây dựng với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế và cho điều kiện và môi trường kinh doanh của Việt Nam theo đăng ký với Bộ Tài chính. Thông tin chi tiết về phương pháp xếp hạng được FiinRatings công bố trong tất cả các ý kiến xếp hạng cũng như trên website của FiinRatings.
FiinRatings áp dụng phương pháp xếp hạng tín nhiệm khác nhau khi đánh giá rủi ro tín nhiệm của doanh nghiệp tài chính và phi tài chính. Doanh nghiệp tài chính là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực tài chính và là các tổ chức tài chính trung gian như các ngân hàng, các công ty tài chính, các công ty bảo hiểm,... Những doanh nghiệp này cung ứng cho nền kinh tế các dịch vụ tài chính, tiền tệ, tín dụng, bảo hiểm... Doanh nghiệp phi tài chính là các doanh nghiệp lấy hoạt động sản xuất kinh doanh các hàng hoá, dịch vụ thông thường là chủ yếu.
FiinRatings công bố phương pháp luận xếp hạng tín nhiệm với tổ chức tín dụng
Phương pháp được minh họa bằng thẻ điểm - tài liệu liệt kê những yếu tố được phân tích khi đánh giá tín nhiệm và diễn giải cách kết hợp kết quả phân tích những yếu tố đó. Thẻ điểm này được dùng bởi chuyên viên phân tích và Hội đồng xếp hạng tín nhiệm tại FiinRatings để đánh giá mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, thẻ điểm chỉ được sử dụng như một khung đánh giá (không phải là một mô hình đánh giá chi tiết) và không bao gồm tất cả những yếu tố cần xem xét cho tất cả các doanh nghiệp.
Ngoài ra, tuy kết quả xếp hạng tín nhiệm đánh giá về năng lực và sự sẵn sàng tuân thủ nghĩa vụ trả nợ trong tương lai của doanh nghiệp đối với chủ nợ, nhưng thẻ điểm sử dụng dữ liệu lịch sử. Do đó, kết quả xếp hạng cuối cùng có thể được điều chỉnh tăng/giảm dựa trên kết quả được tính bằng thẻ điểm, trong trường hợp Hội đồng xếp hạng tín nhiệm cho rằng điều này là phù hợp.
Kể từ khi được cấp phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm độc lập ngày 20/03/2020, FiinRatings đã thực hiện xếp hạng 3 nhà phát hành. Tuy nhiên, VietCredit là thương vụ được công bố đầu tiên về kết quả xếp hạng ra công chúng. FiinRatings tin rằng, kết quả xếp hạng sẽ từng bước hỗ trợ các nhà đầu tư và công chúng có được những thông tin được chuẩn hóa và điểm tín dụng được xếp hạng của VietCredit. Song FiinRatings mong muốn được góp phần chung tay phát triển thị trường vốn Việt Nam.
Phương pháp luận xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phi tài chính
VietCredit được xếp hạng ở mức BBB-
FiinRatings thông báo kết quả xếp hạng tín nhiệm dài hạn nhà phát hành đối với VietCredit ở mức ‘BBB-’ với triển vọng: “Ổn định”. Kết quả xếp hạng tín nhiệm này được thực hiện theo hợp đồng giữa FiinRatings và VietCredit ký ngày 21 tháng 01 năm 2021.
Báo cáo của FiinRatings cho biết, triển vọng “Ổn định” phản ánh cả điểm mạnh và điểm yếu của vị thế là một công ty còn khá mới trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng và dựa vào triển vọng tăng trưởng của ngành trong thời gian tới. Trong bối cảnh tỷ lệ thâm nhập tín dụng tiêu dùng của Việt Nam vẫn còn thấp ở mức 8,7% trên tổng dư nợ tín dụng, thấp hơn nhiều so với mức khoảng 15% -35% của các nước trong khu vực. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng thuận lợi cho lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.
“Chúng tôi tin rằng điều này mang lại cơ hội đáng kể cho Công ty cũng như các công ty khác trong ngành ở Việt Nam tận dụng để phát triển bất chấp những thay đổi về khung pháp lý gần đây. Điểm xếp hạng tín nhiệm dài hạn mức ‘BBB-’ của VietCredit phản ánh vị thế đang tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng của Công ty, mức đệm vốn được đánh giá ở mức trung bình, khả năng sinh lời được cải thiện tuy vẫn thấp hơn so với mức bình quân của ngành, chất lượng tài sản ở mức vừa phải, cũng như rủi ro về thanh khoản và khả năng huy động vốn đều được xét đến khi đánh giá điểm xếp hạng tín nhiệm của Công ty. Việc xếp hạng VietCredit cũng phản ánh kỳ vọng rằng, Công ty sẽ tập trung duy trì vị thế cạnh tranh hiện tại trong ngành tài chính tiêu dùng trong những năm tới. Chúng tôi đánh giá rằng vị thế kinh doanh của Vietcredit đang được hưởng lợi từ sản phẩm cho vay chuyên biệt, giúp Công ty sở hữu một mô hình kinh doanh có phần gọn hơn so với các công ty cùng ngành”, FiinRatings nhận định và kỳ vọng VietCredit sẽ không bị thâm hụt thanh khoản đáng kể hoặc bất thường trong vòng 12 đến 24 tháng tới đây.
Trong báo cáo của mình, FiinRatings cũng cho biết, FiinGroup và FiinRatings duy trì một chính sách độc lập nghiêm ngặt, nhằm đáp ứng các quy định hiện hành trong việc cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam cũng như nhằm tuân thủ các chính sách nội bộ về tránh mâu thuẫn lợi ích và đảm báo tính khách quan và độc lập trong việc phân tích và đưa ra ý kiến xếp hạng tín nhiệm. Theo đó, các nhân sự trực tiếp tham gia xếp hạng tín nhiệm không được phép sở hữu và thực hiện bất kỳ giao dịch nào đối với chứng khoán, cổ phần hay công cụ nợ của đơn vị được xếp hạng tín nhiệm khi FiinRatings đã thiết lập mối quan hệ xếp hạng tín nhiệm.
Từ khi TTCK Việt Nam mở cửa hoạt động đến nay, các doanh nghiệp nội địa khi gọi vốn bằng công cụ trái phiếu chưa phải xếp hạng tín nhiệm. Việc xếp hạng tín nhiệm nếu có, phụ thuộc vào nhu cầu tự thân của từng doanh nghiệp. Trong nỗ lực bảo vệ nhà đầu tư và từng bước hội nhập theo chuẩn mực quốc tế, Bộ Tài chính, Chính phủ đã đưa vào Điều 19, Nghị định 155/2020/NĐ-CP (Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán) quy định, các doanh nghiệp thực hiện chào bán trái phiếu ra công chúng nếu có giá trị phát hành lớn hơn 500 tỷ đồng (trong mỗi 12 tháng) hoặc có tổng dư nợ trái phiếu đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu thì phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm do Bộ Tài chính cấp phép. Nghị định số 155 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nhưng Điều 19 của Nghị định này được áp dụng sau 2 năm, tức là áp dụng từ ngày 1/1/2023./.
Bình luận