Hãy cởi mở và trung thực, cùng xây dựng văn hóa xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam
Phạm vi hoạt động của xếp hạng tín nhiệm cần được mở rộng tối đa...
Ông Paul Coughlin, cựu Giám đốc Toàn cầu Khối phân tích và vận hành, S&P Global Ratings |
Theo ông Paul Coughlin, thách thức lớn nhất của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam trong giai đoạn mới hình thành chính là minh chứng cho thị trường các lợi ích của việc xếp hạng đối với thị trường tài chính, qua đó thuyết phục doanh nghiệp công khai và minh bạch hơn trong công bố thông tin. Trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra khá nhạy cảm đối với các phân tích chỉ ra rủi ro trong hoạt động kinh doanh của họ, thì thách thức của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm lại càng lớn.
Vì sao doanh nghiệp cần xếp hạng tín nhiệm? Ông Paul Coughlin cho rằng, đó là bởi đây là hoạt động có ích cho tất cả các bên, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhà quản lý. Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy, xếp hạng tín nhiệm là một trong những công cụ thúc đẩy sự phát triển và tính chuyên sâu của thị trường tài chính, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường minh bạch cho thị trường và đem lại một tiêu chí chung về rủi ro cho hoạt động kinh doanh, phân phối và giao dịch nợ. Tại Việt Nam, trong những năm qua có nhiều doanh nghiệp tham gia xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức quốc tế, nhưng không thể có doanh nghiệp nào vượt được trần xếp hạng do các đơn vị quốc tế đặt ra (hiện là BB+ bởi S&P) và do vậy không có sự phân biệt đáng kể về chất lượng tín dụng của các doanh nghiệp Việt Nam nếu chỉ thực hiện xếp hạng theo thang điểm quốc tế. Việc xếp hạng quốc tế thực tế chủ yếu phục vụ các định chế tài chính có danh mục phân bổ tín dụng hoặc đầu tư trên phạm vi đa quốc gia hoặc toàn cầu.
Trong khi đó, xếp hạng trong nước có thang điểm nội địa rộng hơn từ mức cao nhất AAA (thông thường là mức xếp hạng trái phiếu Chính phủ) xuống CCC. Theo đó, có khả năng ứng dụng thực tế vào công tác đầu tư và quản trị rủi ro cũng như đem đến sự phân biệt cao độ về chất lượng tín dụng của doanh nghiệp.
Ông Paul Coughlin khuyến nghị, bên cạnh việc yêu cầu doanh nghiệp công khai thông tin, cần xây dựng văn hóa xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam. Theo đó, phạm vi hoạt động của xếp hạng tín nhiệm cần được mở rộng tối đa và những thay đổi về mức điểm xếp hạng cũng như cập nhật triển vọng cần được chấp nhận bởi không chỉ các tổ chức phát hành và phía nhà đầu tư.
Thị trường vốn Việt Nam có sự tham gia khá lớn của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và nhỏ lẻ, nên những cân nhắc về chính sách và thiết chế phát triển thị trường cần tính đến việc đẩy mạnh minh bạch thông tin và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư. “Lý do là sản phẩm trái phiếu là một sản phẩm tài chính phức tạp, vô hình và có vòng đời thường rất dài nên không phải nhà đầu tư nào cũng có thể đánh giá đúng và trong bối cảnh môi trường vĩ mô và kinh doanh cũng như nội tại của doanh nghiệp nhiều biến động như Việt Nam”, ông khuyến nghị.
Nhiều người từng chứng kiến những gì xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 có băn khoăn rằng, xếp hạng tín nhiệm có thể không giúp các nhà đầu tư dự đoán được các công ty gặp khó khăn về tài chính, thậm chí là vỡ nợ. Tuy nhiên, ông Paul Coughlin khẳng định, các đơn vị xếp hạng tín nhiệm trên toàn thế giới vẫn đang góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy sự minh bạch và củng cố nhận thức của thị trường về thị trường tín dụng. Ông thừa nhận, đúng là các tổ chức tín dụng, cũng như các cơ quan quản lý, ngân hàng và các tổ chức đầu tư đã không lường trước được mức độ nghiêm trọng của những khó khăn mà thị trường thế chấp tại Mỹ phải đối mặt vào năm 2008, nhưng họ đã rút ra bài học và dữ liệu lịch sử cho thấy, xếp hạng tín nhiệm vẫn đóng vai trò hữu ích trong việc phân biệt rủi ro tín dụng của các bên phát hành nợ khác nhau.
Ngành xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam còn rất non trẻ (hiện thị trường mới có FiinRatings cung cấp dịch vụ này và mới thực hiện được với 10 doanh nghiệp), nhưng dù mới, ông Paul Coughlin vẫn khuyên Việt Nam nên tránh “vết xe đổ” như tại Trung Quốc, khi có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, làm phát sinh tình trạng “mua kết quả xếp hạng” hay còn gọi là “Rating Shopping”. Phần lớn xếp hạng từ các cơ quan xếp hạng địa phương của Trung Quốc trước đây thuộc hạng AAA và AA và điều này không thực tế. Ông chia sẻ, nếu kiểm tra xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp từ S&P và Moody’s sẽ thấy, phần lớn xếp hạng thuộc loại BB và B trở xuống. Thực tế là hầu hết các doanh nghiệp đều có rủi ro kinh doanh trọng yếu, và tất cả chúng ta cần phải cởi mở và trung thực về điều đó. “Công bằng mà nói, việc có quá nhiều doanh nghiệp xếp hạng ở Trung Quốc dẫn đến tình trạng thổi phồng xếp hạng để tăng tính cạnh tranh. S&P Trung Quốc hiện đang đưa ra một bộ xếp hạng thực tế hơn”, ông nói.
Bài học rút ra từ là doanh nghiệp, nhà đầu tư cần quan tâm đến chất lượng phân tích của cơ quan xếp hạng, còn các cơ quan quản lý cần tập trung vào số lượng tổ chức xếp hạng tín nhiệm thực tế mà thị trường có thể cần. Điều đáng chú ý là ở Mỹ, nơi có thị trường tài chính rất lớn và phức tạp, chỉ có ba cơ quan xếp hạng chính và quy định hiện nay là trái phiếu phải được xếp hạng bởi hai trong ba cơ quan xếp hạng đó.
Kỳ vọng Nghị định 155 sẽ định hình văn hóa xếp hạng tín nhiệm
Tại Việt Nam, trong khoảng 3 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển rất mạnh, cho thấy đây không chỉ là một kênh dẫn vốn đặc biệt quan trọng đối với nhu cầu vốn của doanh nghiệp, mà còn hỗ trợ đắc lực trong việc làm giảm bớt áp lực lên hệ thống tín dụng ngân hàng. Bản thân các ngân hàng cũng đang là chủ thể vay nợ lớn nhất trên thị trường trái phiếu, sau đó đến khối doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên mức độ thông tin còn thiếu minh bạch đang trở thành một thách thức không nhỏ đối với các nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Sau vụ việc Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ trên 10.000 tỷ phát hành trái phiếu riêng lẻ diễn ra đầu tháng 4 năm 2022, dòng chảy vốn trên thị trường trái phiếu riêng lẻ tại Việt Nam có xu hướng co hẹp lại, tỷ lệ phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm dần đều kể từ đó đến nay do các doanh nghiệp và nhà đầu tư đều e ngại đối mặt với rủi ro về pháp lý cũng như rủi ro tài chính từ công cụ gọi vốn này.
Tuy nhiên, điều các nhà hoạch định chính sách cần làm là kiến tạo và mở rộng kênh gọi vốn chủ động cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp có môi trường thuận lợi nhất trong tìm kiếm các nguồn lực tài chính cho khát vọng phát triển. Việc Chính phủ đang thúc đẩy xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành riêng lẻ đang tạo nên hy vọng sẽ có khung pháp lý thúc đẩy dòng chảy vốn chủ động, minh bạch từ nhà đầu tư đến cộng đồng doanh nghiệp.
Điều đáng chờ đợi nữa là từ ngày 01/01/2023, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, có khả năng sẽ nâng tầm sự minh bạch trên thị trường trái phiếu, khi Nghị định 155 quy định, các doanh nghiệp thực hiện chào bán trái phiếu ra công chúng nếu có giá trị phát hành lớn hơn 500 tỷ đồng (trong mỗi 12 tháng) hoặc có tổng dư nợ trái phiếu đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu thì phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm do Bộ Tài chính cấp phép. Nếu quy định này được thực thi trọn vẹn sẽ góp phần quan trọng giảm bất đối xứng thông tin giữa các chủ thể tham gia thị trường vốn, cung cấp các phân tích có chiều sâu về chất lượng tín dụng của đơn vị phát hành và công cụ nợ, từ đó giảm rủi ro cho nhà đầu tư và tăng sức bền cho thị trường.
Nghị định số 155/2020/NĐ-CP được thực thi sẽ là nền tảng định hình văn hóa xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam một cách minh bạch, cởi mở và trung thực.
Trước khi tham gia FiinRatings, ông Paul Coughlin là Giám đốc Toàn cầu Khối Phân tích và Vận hành của S&P Global Ratings (2005-2014). Ông làm việc tại S&P Global Ratings từ năm 1988 đến 2014. Ông bắt đầu tham gia hoạt động xếp hạng tín nhiệm với Australian Ratings tại Úc, trước khi hãng này được S&P Global Ratings mua lại vào năm 1990. Đến năm 1995, ông trở thành Giám đốc đầu tiên của S&P Trung Quốc và phụ trách xây dựng Taiwan Ratings. Sau khi đảm nhiệm rất nhiều vị trí quản lý cấp cao tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Toàn cầu Dịch vụ xếp hạng doanh nghiệp và xếp hạng quốc gia của S&P tại trụ sở New York từ năm 2005. Sau cuộc Khủng hoảng Tài chính Thế giới, ông quản lý đơn vị xếp hạng các công cụ tài chính có cấu trúc và sau đó là toàn bộ hoạt động Xếp hạng tín nhiệm toàn cầu của S&P Global Ratings. |
Bình luận