ghé thăm 3 làng nghề làm bánh tráng nổi tiếng
Bánh tráng mè truyền thống
Làng nghề bánh tráng Trảng Bàng – Tỉnh Tây Ninh
Khi nhắc đến Tây Ninh, ngoài núi Bà Đen đã quá nổi tiếng, người ta nghĩ ngay đến bánh tráng Trảng Bàng. Làng nghề nằm tại Thị trấn Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 40km, theo hướng quốc lộ 22 bắt đầu từ ngã tư An Sương.
Nghề làm bánh tráng ở đây đã có từ rất lâu rồi, lâu đến nỗi người trong làng còn không biết được cái nghề gia truyền của mình bắt nguồn tự bao giờ. Chỉ biết từ lúc sinh ra đã là nghề cha truyền con nối, đời này đến đời kia thấm thoát cũng cả trăm năm.
Đến làng nghề, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp được hàng trăm lò bánh nối tiếp nhau chuyên sản xuất bánh tráng phơi sương, loại bánh tráng nứt tiếng của vùng này. Để làm ra các mẻ bánh hoàn hảo, người thợ làm bánh phải vô cùng tỉ mỉ từ khâu chọn gạo đến tráng bánh rồi phơi bánh.
Các thợ bánh đang thực hiện công đoạn tráng bánh
Bánh được tráng 2 lớp mỏng chồng lên nhau, sau đó đem phơi khô rồi lại nướng lên bằng lửa đậu phộng cho bánh chín phồng, giòn mà vẫn trắng. Buổi tối người ta sẽ mang bánh ra hứng sương khoảng 5 phút cho bánh dẻo lại lúc 9, 10 giờ đêm, khi sương đã xuống nhiều.
Những chiếc bánh tuy đơn giản nhưng để làm ra được phải là một quá trình kỳ công, tạo nên nét đặc trưng riêng cho làng nghề bánh tráng Trảng Bàng vang danh lâu đời.
Làng nghề bánh tráng Tân An – Tỉnh Quảng Bình
Làng Tân An thuộc xã Quảng Thanh, cách thị xã Ba Đồn khoảng 4 km về phía Tây. Từ trung tâm thành phố Đồng Hới, đi theo QL1A hướng Bắc đến thị xã Ba Đồn, tiếp tục theo QL12A rẻ hướng qua cầu Quảng Hải. Làng Tân An nằm ngay dưới chân cầu, tổng quảng đường khoảng 50 km. Đây cũng là làng nghề đã có hơn trăm năm tuổi.
Theo người dân, trước đây làng vừa làm bánh tráng, bánh ướt, bún và cả bánh chưng. Nhưng sau thời gian dài đã chuyển hẳn sang làm bánh tráng và sản phẩm đặc biệt nhất của làng là bánh tráng mè xát.
Như bao món ăn khác, bánh Tân An cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cái tâm của người làm bánh. Gạo làm bánh phải là loại gạo ngon, tỷ lệ mè trộn trong bánh phải vừa đủ để hương vị bánh hài hoà, vẻ ngoài của bánh được bắt mắt. Công đoạn phơi bánh cũng rất được chú trọng, bánh phải đủ nắng thì mới vừa khô vừa dai, dậy mùi thơm của gạo, của vừng.
Hiện nay Tân An có đến ba loại bánh là bánh mè xát mỏng, bánh mè xát dày và bánh mè xát đường với mùi vị và hình thức khác nhau nhưng đặc điểm chung là chất lượng bánh đều vô cùng thơm ngon. Đây sẽ là món quà lưu niệm vô cùng thiết thực dành tặng cho người thân, bạn bè nếu bạn có dịp ghé thăm làng nghề lâu đời này.
Bánh tráng đang được phơi khô
Làng nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng – Tỉnh Bến Tre
Từ thành phố Bến Tre qua cầu Chẹt Sậy là đến làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng nằm hai bên đường tỉnh lộ 885, ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, Giồng Trôm.
Làng nghề đã có lịch sử trăm năm, bánh tráng Mỹ Lồng nổi tiếng nhờ có hương vị đặc trưng của nó. Nguyên liệu làm bánh là từ gạo sỏi của Trà Vinh, kết hợp với nước cốt dừa, đường, mè... tạo nên loại bánh tráng vừa dẻo thơm lại vừa béo lạ miệng.
Khi được hỏi bí quyết để làm nên vị ngon đặc trưng của bánh tráng Mỹ Lồng, người thợ bánh liền nói rằng điều đặc biệt có lẽ nằm trong phần nước cốt dừa bóng mịn, béo ngất ngây được tinh lọc từ chính những cây dừa đặc sản của quê hương Bến Tre đồng khởi.
Hy vọng với những thông tin hữu ích này, bạn sẽ hiểu thêm về các làng nghề ẩm thực truyền thống của Việt Nam nói chung và các làng nghề bánh tráng nói riêng. Từ đó thêm yêu thích các giá trị văn hoá của đất nước thân thương hình chữ S.
Bình luận