Ngày 13/07/2017, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) và Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Quốc tế Seoul (SIRDC) tổ chức hội thảo “Sử dụng hiệu quả Trọng tài quốc tế tại Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, thương mại, đầu tư”.

Tranh chấp trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng tăng cao

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch thường trực VIAC cho biết, Việt Nam là một nước đang phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh, chính vì vậy, xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp tục được đánh giá là lĩnh vực có nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới.

Nhận thức được tiềm năng này, hiện nay có nhiều các nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng đến với Việt Nam trong tổng số hơn 5.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động đầu tư, thương mại. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển nóng đó là sự gia tăng của các vụ tranh chấp giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc.

Ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch thường trực VIAC phát biểu tại hội thảo

Đồng tình với quan điểm trên, ông Byoung-Pil Kim, Trưởng Văn phòng đại diện Kim & Lee tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong số các vụ tranh chấp giữa các nhà đầu tư Hàn Quốc với các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều dự án về xây dựng tại Hàn Quốc.

Theo thống kê, có 36% các vụ ở KCAB liên quan đến xây dựng, trong khi ở VIAC chỉ có 16%. “Tuy nhiên, con số này ở Việt Nam sẽ còn tăng lên và trong 10 năm nữa Việt Nam sẽ đi con đường giống như Hàn Quốc đã đi”, ông Byoung-Pil Kim nhận định.

Đặc điểm của các vụ tranh chấp thường rất phức tạp

Nói về đặc điểm của các vụ tranh chấp liên quan đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng, ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết các vụ tranh chấp này thường có giá trị rất lớn; Tranh chấp có sự tham gia của một bên là cơ quan nhà nước Việt Nam hoặc doanh nghiệp nhà nước; Tranh chấp có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài (là nhà thầu chính hoặc nhà thầu trong liên doanh nhà thầu); Các vấn đề tranh chấp hết sức phức tạp cả về kỹ thuật, tài chính và pháp lý.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, ông Đỗ Trọng Hải, Luật sư Bizlink cũng chia sẻ, các tranh chấp cơ bản trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, nhà máy,… bao gồm: tranh chấp về thanh toán, chậm trễ, gia hạn, lỗi kỹ thuật, bất cẩn, thay đổi khối lượng công việc, bảo lãnh và bảo đảm, trượt giá.

Về nguyên nhân phổ biến của các tranh chấp xây dựng là do: Sai sót hoặc thiếu sót trong hợp đồng và hồ sơ thầu; chậm bàn giao; các bên không hiểu và/ hoặc không tuân thủ đúng nghĩa vụ của mình; quản lý hợp đồng/ dự án không hiệu quả; yêu cầu thanh toán không đầy đủ, thiếu cơ sở…

Toàn cảnh hội thảo

Còn theo kinh nghiệm từ phía các luật sư Hàn Quốc, ông Byoung-Pil Kim cho biết, các dự án xây dựng thường có sự thay đổi, phát sinh nằm ngoài dự kiến. Có thể là trường hợp chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu làm thêm hay thay đổi so với thiết kế ban đầu. Sau đó nhà thầu sẽ từ chối với lý do ngoài cam kết phạm vi công việc ban đầu và nhà thầu cần thêm thời gian, điều này lại dẫn đến tranh chấp.

Một số trường hợp khác, chủ đầu tư bổ sung nhà thầu. “Ví dụ như thêm nhà thầu vào dự án ở các hạng mục khiến nhà thầu ban đầu giảm bớt phần việc cũng như doanh thu dẫn đến tranh chấp”, ông Byoung-Pil Kim cho biết.

Doanh nghiệp nên sử dụng trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp

Theo ông Vũ Ánh Dương, gia tăng các vụ tranh chấp, cùng với tính chất phức tạp trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dẫn tới nhu cầu trong việc sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp nhanh gọn, hiệu quả ngày càng cao.

Theo đó, ông Dương cho rằng, trọng tài thương mại là một phương thức phù hợp. Bởi, việc giải quyết bằng phương thức trọng tài rất linh hoạt với nhiều cơ chế mềm dẻo và nhịp nhàng đã giải quyết được vụ tranh chấp đảm bảo công bằng, khách quan và minh bạch.

Tuy nhiên, theo GS. Lê Hồng Hạnh, Hội đồng khoa học pháp lý của VIAC, tại Việt Nam, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại lại không được ưa chuộng.

Theo ông Hạnh, có một số nguyên nhân cho tình trạng này, đó là:

Thứ nhất, đến từ văn hóa, truyền thống. Người Việt Nam thường giải quyết bằng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải cơ sở hay tòa án chứ không sử dụng trọng tài.

Thứ hai, là về quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, trị giá tranh chấp thường không lớn và các doanh nghiệp thường cố gắng tìm tới các tổ chức của Nhà nước để giải quyết như là Tòa án hoặc các cơ quan hành chính. Trong khi đó, phương thức giải quyết trọng tài tại Việt Nam đôi khi vẫn chưa thực sự hiệu quả, đã làm giảm lòng tin của khách hàng.

“Điều này phần nào cản trở hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và phát triển kinh tế ở Việt Nam”, ông Hạnh nhận định.

Theo đó, ông Hạnh cho rằng, để khuyến khích sử dụng trọng tài thương mại tại Việt Nam cần tiếp tục cải thiện Luật trọng tài ở Việt Nam để đáp ứng yêu cầu theo các cam kết của Việt Nam tại các hiệp định thương mại tự do, cam kết WTO... Đặc biệt là vấn đề quyền hạn và vai trò của Tòa án ở Việt Nam đối với hoạt động trọng tài.

“Bởi hiện nay, thẩm quyền của tòa án và trọng tài chưa được rõ ràng nên vẫn có những trường hợp tòa án can thiệp vào quyền hạn của hội đồng trọng tài. Điều này nhiều khi khiến trọng tài mất đi tính độc lập và rủi ro phán quyết trọng tài bị hủy, khiến cho lòng tin của nhà đầu tư bị giảm sút”, ông Hạnh lý giải.

Còn theo ông Byoung-Pil Kim, nhiều doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng không tin tưởng sử dụng trọng tài thương mại vì cho cho rằng có ít các trọng tài có chuyên môn về xây dựng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần hiểu rằng, sẽ có sự đánh đổi ở đây, nếu trọng tài viên vừa có am hiểu về luật pháp và xây dựng thì doanh nghiệp sẽ phải trả chi phí cao.

“Người ta gọi là “tiền nào của nấy” và những trọng tài viên giỏi thường sẽ là người có khả năng kinh tế tốt, sẽ không có chuyện nhận hối lộ, tham nhũng”, ông Byoung-Pil Kim cho biết./.