Vấn đề cơ sở hạ tầng trong phát triển kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh
Từ khóa: cơ sở hạ tầng, TP. Hồ Chí Minh, phát triển kinh tế
Summary
Ho Chi Minh City (HCMC) plays an important role in the economic development of the country. This role is demonstrated by its high growth rate and contribution to the general budget of the country. However, high population density along with mechanical population growth in Ho Chi Minh City has put strong pressure on the its infrastructure development. With the aim of evaluating the general picture of infrastructure in Ho Chi Minh City, the article analyzes the competitiveness of Ho Chi Minh City over other localities in the country through the infrastructure index of the Provincial Competitiveness Index (PCI) of VCCI. Based on the analysis results, the article proposes some recommendations to promote infrastructure development in Ho Chi Minh City.
Keywords: infrastructure, Ho Chi Minh City, economic development
GIỚI THIỆU
TP.HCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức hút và sức lan tỏa lớn với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh, thành khác trong cả nước. Tuy nhiên, hiện nay sự phát triển của TP.HCM vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình, trong đó có nguyên nhân về vấn đề cơ sở hạ tầng tại TP.HCM còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CSHT TẠI TP.HCM
Khái quát về CSHT của TP.HCM
Là trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất cả nước, TP.HCM có tốc độ đô thị hóa nhanh, thể hiện qua việc gia tăng không ngừng cả về không gian và dân số. Từ đầu những năm 2000, gần 1.600 ha đất đã được đô thị hóa hàng năm và dân số tăng trưởng với tốc độ 3%/năm, đưa dân số Thành phố lên gần 9,2 triệu người vào năm 2021 (Cục Thống kê TP.HCM, 2022). Bên cạnh đó, với tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội từ những năm đầu thế kỷ 21, TP.HCM đã trở thành đầu tàu kinh tế chính của cả nước và đóng góp 20% vào GDP toàn quốc (World Bank, 2014). Sự tăng trưởng nhanh chóng của TP.HCM giai đoạn này nhờ vào việc thông qua những chủ trương, chính sách phát triển hạ tầng đô thị, Thành phố đặc biệt chú trong xây dựng hạ tầng giao thông. Từ năm 1990-2000, với sự hỗ trợ tài chính từ nhiều nhà tài trợ khác nhau, như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD… và sự tham gia của khu vực tư nhân, chính quyền Thành phố đã ưu tiên nâng cấp và xây dựng nhiều trục đường mới, đồng thời hiện đại hóa các đầu mối giao thông lớn nhằm tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa trong khu vực.
Năm 2013, TP.HCM đã điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 (theo Quyết định số 568/QĐ-TTg, ngày 08/4/2013) của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy hoạch này, một số lượng dự án lớn sẽ được thực hiện như: dự án xây dựng được cao tốc, một mạng lưới giao thông công cộng rộng lớn gồm nhiều tuyến tàu điện ngầm (metro) và xe buýt nhanh chạy trên làn đường riêng (BRT), một sân bay mới, một cảng nước sâu cũng như hiện đại hóa đường sắt hiện hữu. Các mục tiêu của Quy hoạch giao thông được chia thành 3 điểm chính: 1) Cải thiện mạng lưới giao thông hiện hữu, tức mạng lưới đường bộ, thông qua việc xây dựng nhiều tuyến được, đường cao tốc, đường vành đai và đường trên cao; 2) Giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông bằng cách phát triển mạng lưới giao thông công cộng quy mô lớn (tàu điện ngầm (metro), tàu điện một ray (monorail), và xe bus nhanh trên làn đường riêng (BRT)); 3) Hiện đại hóa CSHT cảng quốc tế - nơi kết nối với các thành phố khác trên thế giới (cảng nước sâu và sân bay quốc tế mới).
Báo cáo giữa kỳ đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2020-2030 của UBND TP.HCM vào tháng 7/2023 cho biết, tính đến tháng 6/2023, Thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 16 công trình, dự án, góp phần kéo giảm tình trạng kẹt xe, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn. Trong số các công trình đã hoàn thành có các công trình trọng điểm, như: dự án cầu Thủ Thiêm 2 (cầu Ba Son), đường Đặng Thúc Vịnh, đường Tô Ký (quận 12), đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q. Bình Thạnh), cầu Bưng Q. Bình Tân)… Và tiếp tục triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng, gồm: Dự án đường Vành đai 2, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, các dự án đầu tư theo hình thức PPP như dự án cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4…
Hiện nay, Thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách, kết nối vùng, bao gồm: Dự án Vành đai 2, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút An Phú đến Vành đai 2), dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Bình Tiên, cầu đường Nguyễn Khoái, mở rộng trục Bắc Nam đoạn Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm, các dự án đường trên cao số 1, số 5…
Đồng thời, Thành phố cũng đang tập trung nghiên cứu đề xuất bổ sung quy hoạch các tuyến mới kết nối cảng biển và kết nối vùng, quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD) khai thác hiệu quả quỹ đất dọc các tuyến đường vành đai, cao tốc, quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ vận tải, giao thông đường thủy gắn liền với các đề án đã được Thành phố phê duyệt. Thành phố cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; ban hành Kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM trong giai đoạn 2023-2030. Thành phố cũng phấn đấu cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và đưa vào vận hành khai thác theo kế hoạch.
Đánh giá năng lực cạnh tranh chất lượng CSHT tại TP.HCM
Theo báo cáo PCI của Việt Nam năm 2021 của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), chỉ số CSHT trong PCI hợp thành bởi 4 chỉ số thành phần, phản ánh chất lượng 4 lĩnh vực hạ tầng cơ bản liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm: 1) Các khu, cụm công nghiệp; 2) Đường giao thông; 3) Các dịch vụ tiện ích cơ bản về viễn thông, năng lượng; 4) Tiếp cận về ứng dụng công nghệ thông tin. Năm 2021, các chỉ số thành phần trong chỉ số CSHT PCI 2021 về cơ bản vẫn giữ nguyên, tuy nhiên được đánh giá chi tiết hơn theo 5 chiều cạnh, bao gồm: 1) Khu công nghiệp; 2) Đường bộ; 3) Điện năng; 4) Viễn thông; 5) Các hạ tầng khác.
Hình 1: Chỉ số CSHT các tỉnh, thành phố của Việt Nam năm 2021
Nguồn: VCCI(2022) |
Hình 1 cho thấy, năm 2021, TP.HCM có chỉ số CSHT đứng vị trí thứ 8, song đánh giá của các doanh nghiệp FDI về chất lượng CSHT tại TP.HCM tương đối thấp, thấp hơn so với mức trung bình chung của các tỉnh được lựa chọn điều tra. Cụ thể, chất lượng CSHT trung bình chung năm 2021 củaTP.HCM chỉ đạt 4,5 điểm, đứng thứ 16/22 địa phương được lựa chọn khảo sát.
So với các tỉnh của vùng Đông Nam Bộ, TP.HCM đứng vị trí thứ 4 sau Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu, chỉ xếp trên Đồng Nai về chất lượng CSHT (Hình 2).
Hình 2: Chất lượng CSHT, môi trường kinh doanh và mức độ tin tưởng vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của chính quyền địa phương
Nguồn: VCCI(2022) |
Chi tiết, cụ thể về đánh giá của doanh nghiệp FDI đối với chất lượng CSHT mô tả tại Hình 3, trong đó, trục X là điểm số chất lượng CSHT.
Hình 3: Mô tả đánh giá của doanh nghiệp FDI đối với chất lượng CSHT, môi trường kinh doanh và mức độ tin tưởng vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của chính quyền địa phương
Nguồn: VCCI(2022) |
Phần dưới bên trái của Hình 3 là những địa phương vừa có chất lượng CSHT thấp, môi trường kinh doanh kém, đó là TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Dương, Tiền Giang. Trong đó, TP.HCM là địa phương luôn dẫn đầu việc thu hút các dự án FDI của cả nước, tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI lại đánh giá TP.HCM là một trong những địa phương vừa có chất lượng CSHT thấp.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CSHT CỦA TP.HCM
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước cũng như TP.HCM đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống CSHT, đặc biệt hạ tầng giao thông trọng điểm của TP.HCM. Tuy nhiên, sự phát triển CSHT tại TP.HCM đã và đang gặp phải một số vấn đề sau:
- Hạ tầng giao thông tại TP.HCM vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. TP.HCM còn tồn tại nhiều điểm nghẽn về kết nối đường bộ, sân bay, cảng biển, đường thủy nội địa… cần sớm được tháo gỡ. Việc tăng cường kết nối giữa TP.HCM với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ là đòn bẩy tạo động lực phát triển kinh tế cho toàn vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, CSHT giao thông hạn chế là cản trở lớn trong việc kết nối này.
- Một trong những đặc điểm riêng của TP.HCM là thành phố có tỷ lệ người nhập cư cao nhất cả nước, khiến TP.HCM phải đối mặt với nhiều mặt trái của quá trình đô thị hóa và tăng trưởng như: kẹt xe, ngập lụt, quá tải hạ tầng giao thông… Tỷ lệ ngân sách được giữ lại của TP.HCM chỉ 21%, vì vậy thiếu vốn đang là “nút thắt” lớn nhất của TP.HCM trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách về CSHT, an sinh xã hội, môi trường. Tuy nhiên, có một nghịch lý là trong khi thiếu thốn các công trình hạ tầng, vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng cũng rất khó khăn, thế nhưng tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM tương đối thấp. Nguyên nhân giải ngân vốn chậm đó là TP.HCM gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, một số dự án tồn tại nhiều năm nay, ảnh hưởng lớn đến công tác đầu tư và giải ngân. Một số dự án khởi công mới đang thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn, đang lập thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán, nên chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao. Đặc biệt, giá vật liệu xây dựng thời gian vừa qua tăng cao, nhất là sắt, thép, xăng dầu, nguồn cung cấp vật liệu cho các công trình lớn còn hạn chế dẫn đến các nhà đầu tư hoạt động cầm chừng, hiệu quả đạt được chưa cao.
- Triển khai, giải quyết một số dự án cơ sở hạ tầng tại TP.HCM cũng phải tuân thủ theo các cơ chế, chính sách chung của cả nước. Vì vậy, một số dự án ngừng thực hiện nhiều năm nay do TP.HCM đang vướng phải một số cơ chế, chính sách nhất định gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện các dự án ảnh hưởng đến sự phát triển của Thành phố và đời sống của người dân.
- Phát triển hạ tầng các khu công nghiệp chưa gắn với phát triển đô thị, phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, ảnh hưởng đến đời sống công nhân, người lao động tại TP.HCM. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, quản lý điều hành của chính quyền thành phố, môi trường kinh doanh cũng như mức độ tin tưởng vào chính quyền thành phố tại TP.HCM được các doanh nghiệp đánh giá chưa cao, đây là vấn đề mà chính quyền Thành phố cần phải cải thiện trong thời gian tới.
- Phát triển cơ sở hạ tầng tại TP.HCM cần có sự liên kết, phối hợp với các tỉnh, thành lân cận. Tuy nhiên hiện nay, cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành còn mang tính tự phát, chỉ dừng lại ở mức cam kết thỏa thuận giữa lãnh đạo các địa phương, nên chương trình phối hợp phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng vẫn mang tính cục bộ, chưa phát huy tối đa hiệu quả, lợi thế so sánh của từng địa phương. Cơ chế điều phối liên kết giữa các tỉnh, thành, đặc biệt là việc phân công hợp tác giữa TP.HCM với các địa phương lân cận còn nhiều khó khăn trong đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực, phát triển hạ tầng, quản lý tài nguyên… Hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ được đầu tư không đáp ứng nhu cầu phát triển, sự liên kết giữa các địa phương chưa cao.
MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
Để phát triển CSHT tại TP.HCM, từ đó, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, chính quyền Thành phố cần ưu tiên giải quyết nút thắt về hạ tầng kết nối bao gồm các tuyến đường bộ kết nối trực tiếp mạng giao thông quốc gia; kết nối liên vùng thông qua khu vực TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ với vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khai thác triệt để năng lực kết cấu hạ tầng hiện có; tăng khả năng liên kết vùng, liên kết giữa các phương thức vận tải; tập trung đầu tư đồng bộ các công trình giao thông quan trọng bức thiết có vai trò động lực phát triển kinh tế của thành phố.
Hai là, để CSHT của Thành phố hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế, ngoài việc Chính phủ cần quan tâm đầu tư, thì lãnh đạo Thành phố phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, có chế tài nghiêm với các dự án chậm tiến độ. Phải kiểm tra, giám sát thường xuyên, nếu nhà thầu nào không đủ năng lực thi công, nên cho dừng để tìm nhà thầu mới thay thế.
Ba là, lãnh đạo Thành phố cần phân công các cấp có thẩm quyền rà soát các dự án tồn tại nhiều năm nay để có giải pháp khởi động trở lại; lập tổ công tác chuyên về giải phóng mặt bằng để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, phục vụ triển khai các dự án; Khảo sát đánh giá tình trạng của các dự án, nếu dự án nào trì trệ chưa thể triển khai thì có thể linh động chuyển vốn sang các dự án khác, tránh tình trạng nơi muốn thực hiện không có vốn để triển khai, còn nơi có vốn thì không triển khai thực hiện.
Bốn là, chính quyền Thành phố cần nghiên cứu điều chỉnh cơ chế khuyến khích hợp tác công tư trong đầu tư CSHT, sao cho vừa hấp dẫn sự tham gia của doanh nghiệp uy tín, vừa đảm bảo lợi ích bền vững của Thành phố để giảm bớt áp lực về vốn. Để góp phần giảm bớt những ách tắc trong giải ngân, thì tiến độ xét duyệt hồ sơ giải ngân cũng như xử lý các hồ sơ điều chỉnh vốn phải đấy nhanh hơn nữa. Do vậy, HĐND Thành phố nên xem xét tăng tần xuất họp, hoặc có cơ chế hoạt động linh động, thay cho việc họp định kỳ hai lần trong năm như từ trước đến nay. Bên cạnh việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo Thành phố cần có giải pháp để đầu tư công trở thành “vốn mồi” thu hút đầu tư tư nhân, cần có cơ chế rõ ràng hơn cho đầu tư tư nhân tham gia vào những dự án lớn, đặt hàng đối với đầu tư tư nhân, từ đó vừa sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, vừa là cơ hội để các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước phát triển mạnh.
Năm là, chính quyền TP.HCM phải quyết liệt trong việc tích lũy, huy động nguồn vốn để thực hiện các dự án CSHT. Trong đó, giải pháp kêu gọi xã hội hóa, thu hút nhà đầu tư cùng tham gia triển khai thông qua mô hình hợp tác đối tác công tư (PPP) hay ODA là cần thiết. Đơn giản hóa các thủ tục văn bản pháp luật trong thiết lập dự án ở tất cả các giai đoạn, để giảm thiểu tình trạng dự án trì trệ như trong giai đoạn hiện nay. Thành phố cũng nên xem xét lại quan điểm phân bổ đất đai hiện nay qua đánh giá của các nghiên cứu độc lập có chất lượng, nhằm tính toán đến các tác động kinh tế - xã hội – môi trường, xem xét ý kiến nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân trong khu vực dự án ngay từ đầu, để tránh phương pháp tiếp cận không phù hợp, cách thức quản lý không hiệu quả, làm tiêu hao thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư./.
ThS. Nguyễn Thị Vân - Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 32, tháng 11/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh (2022), Niên giám Thống kê TP.HCM, Nxb Thống kê.
2. Gia Minh (2022), Hạ tầng TP.HCM chỉ đạt 35% quy hoạch, truy cập từ https://vnexpress.net/ha-tang-giao-thong-tp-hcm-chi-dat-35-quy-hoach-4501914.html.
3. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (2022), Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI 2021).
4. Quốc hội (2023), Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
5. UBND TP.HCM (2023), Báo cáo giữa kỳ đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM giai đoạn 2020-2030, tháng 7/2023.
6. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định 568/QĐ-TTg, ngày 08/4/2013 về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
7. World Bank (2014),World Bank Approves US$450 Million for Better Sanitation Services in Ho Chi Minh City, retrieved from www.worldbank.org/en/news/press-release/2014/12/23/world-bank.
Bình luận