Giai đoạn 2016-2020: NSTW giao cho vùng Tây Nguyên thực tế giảm 3.424,48 tỷ đồng
8 tháng đầu năm, giải ngân vốn NSNN cao hơn mức bình quân chung của cả nước
Theo Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ, vùng Tây Nguyên được giao 14.244 tỷ đồng. Các địa phương đã phân bổ chi tiết 16.415 tỷ đồng, bằng 115% tổng số vốn giao Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Năm 2020, theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương trong vùng Tây nguyên đã bám sát các quy định, nhiệm vụ, mục tiêu tại Nghị quyết của Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Vùng đã bố trí vốn để thanh toán hết 100% số nợ đọng xây dựng cơ bản, xử lý một phần vốn ứng trước phải thu hồi; Bố trí đủ vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; Ưu tiên các dự án hoàn thành, chuyển tiếp theo tiến độ và đáp ứng một phần nhu cầu bố trí vốn cho các dự án cấp bách thuộc danh mục dự án sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia theo đúng quy định tại Nghị quyết số 84/2019/QH14 của Quốc hội.
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tỷ lệ giải ngân 8 tháng của vùng ước đạt 51,6% kế hoạch. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách địa phương ước giải ngân đạt 60,5%; Nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước ước đạt 50,1%; Vốn ODA ước đạt 21,7%.
“Như vậy, công tác giải ngân trong 8 tháng năm 2020 của vùng Tây Nguyên cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 49,1%. Điều này cho thấy các địa phương của vùng đã tích cực, cố gắng thúc đẩy giải ngân đạt kết quả cao theo quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và phấn đầu hoàn thành giải ngân các dự án còn lại trong năm 2020”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
2016-2020: Thực tế giao hàng năm thấp hơn phương án ban đầu
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng số vốn NSNN đã được Thủ tướng Chính phủ giao hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 59.893,842 tỷ đồng, chiếm 4,13% tổng số vốn đã giao của khối địa phương.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thực tế giao cho các địa phương hàng năm thấp hơn phương án ban đầu là 585,229 tỷ đồng do ngân sách trung ương bị hụt thu, nên phần ngân sách trung ương giảm so với phương án ban đầu là 3.424,48 tỷ đồng, nhưng phần ngân sách địa phương tăng so với phương án ban đầu là 2.893,251 tỷ đồng
Nhìn chung, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các mục tiêu, kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2016-2020 đều cơ bản hoàn thành góp phần trực tiếp, quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh.
Đổi mới công tác lập kế hoạch đầu tư, chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hằng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, tạo sự chủ động, hiệu quả hơn trong phân bổ vốn.
Thực hiện việc phân cấp triệt để cho các địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, giúp các địa phương chủ động, ổn định trong công tác xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển phù hợp với nguồn lực của cấp tỉnh; từng bước nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Việc bố trí vốn đầu tư được tập trung có trọng tâm, trọng điểm, tập trung các công trình có tính động lực cao, góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình, dự án vào sử dụng phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Đó là kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bố trí cho các địa phương vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020 đạt 90,32%% số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nên nhiều dự án không thể hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020 dẫn đến phải điều chỉnh quyết định đầu tư để tiếp tục bố trí vốn giai đoạn tiếp theo; một số địa phương chỉ có nguồn để bố trí cho các dự án thanh toán nợ, dự án thu hồi ứng và chuyển tiếp từ giai đoạn trước sang theo tiến độ. Do vậy, việc phát huy hiệu quả đầu tư của một số dự án còn chưa cao.
Nguồn vốn ngân sách địa phương hàng năm do thay đổi nhu cầu sử dụng hoặc khả năng triển khai chậm nhưng việc điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân nên phải chờ khi có kỳ họp định kỳ hoặc bất thường thì mới báo cáo xin chủ trương của HĐND, dẫn tới việc triển khai các thủ tục chậm.
Nhiều dự án khởi công mới, nhưng chưa có tên trong danh mục quy hoạch sử dụng đất nhưng đã có tên trong quy hoạch chuyên ngành khác nên chưa đủ điều kiện để thu hồi đất, chưa thực hiện được công tác giải phóng mặt bằng nên không thể triển khai thực hiện.
Số vốn phân bổ thực tế hàng năm còn thiếu so với trung hạn 2016-2020 còn khá lớn nên đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án và khả năng cân đối nguồn lực của địa phương.
Đặc biệt, Công tác lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư công còn hạn chế, do quy định của Luật Đầu tư công năm 2014 chưa phân cấp triệt để cho HĐND dân và UBND cấp tỉnh trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư. Ngoài ra sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 120/NĐ-CP ngày 13/9/2018 bãi bỏ thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh trong việc điều chỉnh, phê duyệt chủ trương đầu tư, cũng như phân khai kế hoạch vốn đầu tư công, điều này phần nào ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các thủ tục theo quy định.
“Việc xác định nhu cầu trung hạn của từng ngành, địa phương còn bị động, chưa kịp thời và chưa sát với thực tế. Công tác lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư công còn hạn chế. Vẫn còn một số chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến công tác khảo sát, thiết kế quản lý giám sát ban đầu dẫn đến nhiều dự án phải điều chỉnh trong quá trình thi công... kéo dài thời gian thực hiện dự án, chậm đưa công trình vào khai thác sử dụng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Bên cạnh đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý đầu tư công của một số cơ quan, địa phương đơn vị và cá nhân liên quan còn hạn chế. Công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo các quy định của pháp luật chưa thật sự đầy đủ; việc quản lý, sử dụng, đánh giá hiệu quả sau đầu tư của một số công trình chưa được coi trọng... Việc triển khai các thủ tục liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án còn chậm, khiếu kiện kéo dài dẫn đến một số dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch đã đề ra.
Nguồn vốn đầu tư công 2021 của Vùng tăng 1,98 lần so với năm 2020
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương dự kiến là 12.440 tỷ đồng, gấp 1,64 lần so với kế hoạch 2020 (7.568 tỷ đồng).
Trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương theo điểm, tiêu chí dự kiến là 5.828 tỷ đồng, gấp 1,61 lần so với kế hoạch 2020 (3.611,071 tỷ đồng); Nguồn thu xổ số kiến thiết dự kiến là 1.576 tỷ đồng, gấp 1,14 lần so với kế hoạch 2020 (1.386 tỷ đồng); Nguồn từ tiền thu sử dụng đất dự kiến là 4.892 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với kế hoạch 2020 (2.480 tỷ đồng); Nguồn vay bội chi dự kiến là 144,080 tỷ đồng, gấp 1,59 lần so với kế hoạch 2020 (90,6 tỷ đồng).
Về cơ bản, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương đã xây dựng nhu cầu vốn đầu tư công năm 2021 gắn với kế hoạch đầu tư 2021-2025 theo thứ tự ưu tiên đầu tư về ngành, lĩnh vực, chương trình trọng tâm và các khâu đột phá.
Tổng nhu cầu kế hoạch năm 2021 của vùng Tây Nguyên là 24.399,75 tỷ đồng, tăng 1,98 lần so với kế hoạch năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao (năm 2020 không bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia là 12.333,197 tỷ đồng).
Về nhu cầu vốn cân đối ngân sách địa phương, các địa phương xây dựng dựa vào nhu cầu các dự án chuyển tiếp còn thiếu vốn, các dự án lớn khởi công mới trong năm 2021, các dự án quy hoạch.
Về nhu cầu vốn ngân sách trung ương tăng cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, là do các địa phương căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng dự án còn thiếu vốn của kế hoạch trung hạn 2016-2020, cần đáp ứng nhu cầu vốn để khởi công mới các dự án, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương giai đoạn 2021-2025.
Về nhu cầu vốn ODA, các địa phương đều có nhu cầu bổ sung vốn ODA cho các dự án hoàn thành và chuyển tiếp, các dự án đã ký hiệp định nhưng chưa được giao vốn trung hạn và các dự án đang hoàn thiện thủ tục ký hiệp định dự án.
- Trước mắt, trong điều kiện nền kinh tế đang gặp trở ngại do dịch bệnh Covid-19 gây ra, đề nghị các địa phương rà soát kỹ các chương trình, dự án dự kiến đầu tư triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025.
- Rà soát và báo cáo đối với các dự án nợ đọng XDCB chưa bố trí thanh toán theo đúng quy định của Luật Đầu tư công năm 2019.
- Tập trung bố trí vốn cho các dự án hoàn thành, chuyển tiếp còn thiếu vốn từ giai đoạn 2016-2020 chưa bố trí đủ để đảm bảo thời gian hoàn thành theo quy định.
- Đối với các dự án ODA, đề nghị ưu tiên bố trí vốn cho dự án đã cam kết với nhà tài trợ, Hiệp định đã ký mà thời gian thực hiện còn lại trong năm 2021 theo khả năng thực hiện và giải ngân dự án.
2021-2025: Nhu cầu nguồn vốn đầu tư công của Vùng là 190.646,21 tỷ đồng
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, tổng nhu cầu nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 190.646,21 tỷ đồng, trong đó:
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung, các địa phương trong Vùng đã xây dựng nhu cầu vốn đầu tư công 2021-2025 cơ bản đầy đủ, có kèm danh mục chi tiết gắn với ngành, lĩnh vực cụ thể và với từng nguồn vốn đầu tư công. Kế hoạch đầu tư 2021-2025 được xây dựng gắn với các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, định hướng ưu tiên đầu tư theo ngành, lĩnh vực, chương trình trọng tâm và các khâu đột phá.
Về nhu cầu giai đoạn 2021-2025, việc xác định nhu cầu đầu tư của Vùng là khá cao so với khả năng cân đối nguồn vốn NSNN và chưa phù hợp với khoản 2 Điều 55 Luật Đầu tư công năm 2019. Theo đó, nhu cầu vốn NSNN (chưa bao gồm số vốn chương trình mục tiêu quốc gia) giai đoạn 2021-2025 của Vùng cao gấp 3,18 lần so với số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2016-2020 (59.893,842 tỷ đồng). Nguồn vốn ODA dự kiến cao gấp 2,09 lần số giao giai đoạn 2016-2020 (Thủ tướng Chính phủ giao 9.413,784 tỷ đồng).
“Mặc dù đã xây dựng được nhu cầu cho các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển và các khâu đột phá giai đoạn tới, nhưng vẫn còn dàn trải, chưa tập trung và chưa đánh giá tình hình, kết quả thực hiện đầu tư công giai đoạn 2016-2020 để làm cơ sở đề xuất nhu cầu 2021-2025”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Riêng về nguồn vốn ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương rà soát các dự án hoàn thành chưa bố trí đủ vốn, các dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2016-2020, các dự án đã ký hiệp định, nhưng chưa được giao vốn trung hạn và các dự án đang hoàn thiện thủ tục ký hiệp định dự án để xây dựng nhu cầu vốn đảm bảo phù hợp với tình hình thực hiện và yêu cầu của nhà tài trợ. /.
Bình luận