Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Cụ thể, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước so với năm trước các năm 2011-2020 lần lượt là: 25,9%; 15%; 1%; 0,3%; 12,4%; 16,1%; 6,6%; 12,2%; 7,1%; 34,5%.

Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng cho biết, đây là kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam.

Trong vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện năm 2020 ước tính đạt 466,6 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% kế hoạch năm và tăng 34,5% so với năm trước (năm 2019 bằng 90,5% và tăng 7,1%).

Ông Thúy nhận định, với diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của dịch Covid-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới từ đầu năm 2020, các tác động trước tiên sẽ ảnh hưởng tới khu vực sản xuất kinh doanh của Việt Nam.

Khi khu vực sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là khu vực FDI và ngoài nhà nước.

“Do vậy, việc tập trung đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công sẽ là động lực nhằm kích cầu đầu tư xã hội, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam”, ông Thúy nói.

Mặc dù Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh thực hiên và giải ngân nguồn vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm, trong tháng 8/2020 đã tổ chức 7 đoàn đi đôn đốc tại các Bộ ngành, địa phương, nhưng vốn đầu tư công cả năm 2020 ước chỉ đạt 91,1% kế hoạch.

“Mặc dù tỷ lệ so với kế hoạch không cao, nhưng tỷ lệ này có cải thiện và tích cực hơn cùng kỳ 2019 (đạt 90,5%), đồng thời quy mô vốn đầu tư công năm 2020 lớn hơn rất nhiều so với năm 2019 (tăng 34,5%), tuy nhiên vẫn chưa đạt kỳ vọng là thực hiện và giải ngân 100% kế hoạch”, ông Thúy nêu quan điểm.

Về nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công không hoàn thành kế hoạch, đại diện Tổng cục Thống kê chỉ rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan chủ yếu.

Thứ nhất, còn vướng mắc về cơ chế chính sách. Đó là Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó có một số quy định mới chưa được hướng dẫn cụ thể. Chính phủ phải ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 17/7/2020 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 68 dẫn đến việc các Bộ, ngành địa và các chủ đầu tư khó khăn trong việc triển khai những tháng đầu năm.

Thứ hai, công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thủ tục quản lý, đấu thàu mất nhiều thời gian: về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích, công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ; người dân chưa đồng thuận...

“Đây là nút thắt lớn nhất đối với việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công”, ông Thúy nhận định.

Thứ ba, chủ đầu tư còn chậm chễ trong lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; còn tâm lý để dồn đến cuối năm.

Thứ tư, năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.

Thứ năm, đó là tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc huy động nhân lực, vật tư, tổ chức thi công gặp khó khăn, dẫn đến làm chậm quá trình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng với đó là thời tiết bão lũ thất thường, mưa bão tại các địa phương miền Trung ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án, đặc biệt các dự án giao thông, thủy lợi.

Đối với nguồn vốn nước ngoài (vốn ODA), theo ông Thúy là do: (i) Thiếu vốn đối ứng hoặc chưa kịp thời bố trí vốn; (ii) Tính sẵn sàng trong chuẩn bị dự án chưa tốt; (iii) Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án ODA còn vướng mắc do phải thực hiện hài hòa giữa thủ tục trong nước và chính sách của nhà tài trợ; (iv) Thủ tục thẩm định, phê duyệt, đàm phán ký kết Hiệp định và điều chỉnh các dự án ODA còn phức tạp, kéo dài dẫn đến nhiều dự án khi được triển khai không còn phù hợp, phải điều chỉnh, gia hạn; (v) Các quy định pháp luật về vốn ODA còn chưa đồng bộ, một số thủ tuch còn phức tạp.../.