Giải ngân vốn ODA 6 tháng đầu năm thấp hơn 38% so với cùng kỳ
Nguyên nhân gây chậm trễ về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA chủ yếu là do vướng mắc về thể chế, pháp lý
Năm 2014 giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt khoảng 5,6 tỷ USD (trong đó ODA vốn vay là 5,25 tỷ USD, ODA viện trợ không hoàn lại là 350 triệu USD), cao hơn 9% so với năm 2013.
Các nhà tài trợ quy mô lớn vẫn tiếp tục được duy trì mức giải ngân cao như Nhật Bản (JICA): 1,773 tỷ USD, tiếp đến là World Bank: 1,386 tỷ USD và ADB: 1,058 tỷ USD.
Báo cáo tình hình vận động, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng mức giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong 6 tháng đầu năm 2015 thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo Bộ này, các nguyên nhân gây chậm trễ về tiến độ thực hiện và giải ngân chủ yếu là do vướng mắc về thể chế, pháp lý; quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành; do các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án; do vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời...
Vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng nhiều đến tiến độ giải ngân là việc không cho phép giải ngân vượt kế hoạch được giao theo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, bên cạnh đó một số dự án đã được ký kết, nhưng không bố trí kế hoạch.
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1257/QĐ-TTg, ngày 25/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2014 - 2015.
Các cơ quan quản lý nhà nước về ODA, các cơ quan chủ quản và chủ dự án phối hợp với các nhà tài trợ giám sát chặt chẽ các dự án thuộc danh sách các dự án chậm tiến độ để xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện.
Về vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các chủ dự án căn cứ vào nguồn vốn đối ứng trong nước hàng năm để cân đối tính toán nguồn vốn vay nước ngoài đảm bảo thực hiện đúng tiến độ dự án.
“Trong trường hợp thiếu vốn đối ứng, các bộ, ngành, địa phương và chủ dự án tự chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng; thường xuyên rà soát và báo cáo cập nhật tình hình giải ngân vốn đối ứng để có phương án xử lý kịp thời các vướng mắc”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên ngành (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng…) tăng cường rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức ngành (trước mắt liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác đường sắt đô thị tại Việt Nam); tổng hợp, thống kê suất đầu tư của các dự án đường sắt đô thị trên thế giới và khu vực, làm cơ sở cho việc thiết kế phù hợp các dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới.
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi với nhóm 6 ngân hàng tài trợ quốc tế vào tháng 3/2015, Phó Thủ tướng đã chỉ rõ: “Số vốn ODA chưa giải ngân của các chương trình, dự án đang thực hiện còn rất lớn, khoảng 21 tỷ USD. Nếu tình hình giải ngân chậm được cải thiện, mỗi năm Việt Nam mất hàng trăm triệu USD chi phí cơ hội”.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng các dự án ODA thường là những công trình lớn, phức tạp về kỹ thuật và thực hiện trong thời gian dài với nhiều bên liên quan nên nguy cơ xảy ra tham nhũng, gian lận rất cao./.
Bình luận