CÁC KHÁI NIỆM

Truyền thông dự thảo chính sách

Sản phẩm truyền thông chính sách cần phải dựa trên cơ sở dữ liệu chính sách, bao trùm về xu hướng quốc tế, tầm nhìn Việt Nam và hành động địa phương, tổng hợp được hệ thống chủ trương, chiến lược, văn bản đã được ban hành liên quan đến chủ đề của chính sách, từ đó chọn lọc được đúng nội dung cốt lõi, mục tiêu trọng tâm, đến đúng đối tượng, đúng kênh truyền thông, đúng tính thời điểm.

Truyền thông chính sách phải được tổ chức liền mạch, với hệ thống dữ liệu, nội dung tổng quát, chuyên sâu. Truyền thông chính sách cần bao gồm cả mục tiêu truyền thông trong nội bộ các cơ quan dự thảo chính sách, để văn bản ban hành mang tính thống nhất cao, dễ dàng chỉ đạo và thực hiện.

Tăng cường kết nối giữa các đơn vị hoạch định, ban hành chính sách và những đối tượng bị tác động bởi chính sách. Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong suốt quá trình đề xuất chính sách, xây dựng dự thảo chính sách, đối thoại chính sách và giám sát thực thi chính sách.

Đổi mới sáng tạo

Có nhiều cách hiểu và định nghĩa khác nhau về đổi mới. Hiểu một cách chung nhất, đổi mới là một thuật ngữ dùng để chỉ trạng thái “một sự vật, hiện tượng mới có giá trị tốt hơn và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các chủ thể trong nền kinh tế - xã hội được tạo ra từ những ý tưởng, sáng kiến hoặc giải pháp mới”.

Giải pháp đổi mới sáng tạo phát triển truyền thông dự thảo chính sách: Chiến lược chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ

Trong một quốc gia, hoạt động đổi mới thường khởi đầu từ doanh nghiệp và do doanh nghiệp thực hiện

OECD Oslo Manual định nghĩa: Một ĐMST là việc thực hiện/hoàn thành một sản phẩm (hàng hóa hay dịch vụ) hay một quy trình mới hoặc được cải tiến đáng kể, một phương pháp tiếp thị mới, hoặc một phương pháp tổ chức và quản lý mới trong hoạt động thực tiễn kinh doanh, tổ chức sản xuất hoặc quan hệ đối ngoại. Còn theo Katz, ĐMST là việc tạo ra, phát triển và triển khai áp dụng thành công các ý tưởng mới và độc đáo, bao gồm đưa ra các sản phẩm, quá trình và chiến lược phát triển mới cho công ty dẫn đến thành công trong kinh doanh và giành được vị trí dẫn đầu thị trường, tạo ra giá trị cho các chủ thể liên quan, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống. Trong khi đó, Ngo và O’Cass cho rằng, ĐMST là một quá trình mang tính hệ thống áp dụng những kiến thức, kỹ năng và các nguồn lực vào việc thực hiện các hoạt động đổi mới để tạo ra những đổi mới về kỹ thuật (đổi mới về sản phẩm, dịch vụ và quy trình hoạt động) và những đổi mới phi kỹ thuật (đổi mới về quản lý, thị trường, phát triển công chúng, truyền thông, marketing).

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong truyền thông

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành yêu cầu tất yếu khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực. Chuyển đổi số là phương thức quan trọng để thực hiện ý chí, khát vọng, chiến lược phát triển đất nước.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông: “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số”. Quá trình này hướng đến mục tiêu “thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội”.

SỰ CẦN THIẾT CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ, ĐMST VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH

Trong 3 nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển đổi số quốc gia được xác định ở nhiệm vụ thứ hai, cụ thể là: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định nội dung của chuyển đổi số quốc gia trong những năm tới là: “Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội”.

V-Startup là vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, có nhiều hoạt động phát triển thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ với các thành tố trong hệ sinh thái, thúc đẩy các doanh nghiệp startup, các nhà đầu tư và các chuyên gia, cơ quan nhà nước phát triển chính sách công nghệ. Phối hợp các cơ quan nghiên cứu, khảo sát, tổ chức các sự kiện quốc gia, tổ chức Đoàn Việt Nam gồm: Các ban, bộ, ngành, các doanh nghiệp công nghệ số, startup Việt, truyền thông báo chí tham gia các chương trình công nghệ quốc tế uy tín. V-Startup tập trung hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực như: Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), AI, Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Thành phố thông minh (Smart City).

Đảng và Nhà nước đã và đang đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết là: “Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc “Xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia. Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất. Hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước và doanh nghiệp. Đầu tư trang bị các hệ thống thiết bị thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ dữ liệu công”. Trong đó, có 2 điểm rất quan trọng: thứ nhất là phát triển hạ tầng số; thứ hai là xây dựng, vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn.

Đáng chú ý, ở Việt Nam hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao (hơn 70% người dân sử dụng internet, thiết bị thông minh); dân số Việt Nam trẻ, sáng tạo, thích ứng nhanh, được đào tạo tương đối tốt, lao động chăm chỉ, có truyền thống hiếu học... là những lợi thế cho quá trình chuyển đổi số báo chí truyền thông nói chung, trong lĩnh vực truyền thông chính sách nói riêng.

Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông chính sách, Nhà nước cần đặc biệt chú trọng vai trò của doanh nghiệp: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số, để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh...; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số” như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI).

Thu hút nguồn lực xã hội và tăng cường vai trò của các doanh nghiệp trong các quy trình hoạch định chính sách và trong công tác truyền thông chính sách.

TĂNG CƯỜNG CÔNG NGHỆ TRONG TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH

Hội tụ công nghệ và dữ liệu lớn

Hội tụ công nghệ là một chìa khóa để mở ra trung tâm tích hợp, tập trung các cơ sở dữ liệu và đồng thời chuyển các dữ liệu (hình ảnh, âm thanh, video clips...) thu nhận được về trung tâm tích hợp dữ liệu. Ở đó dữ liệu sẽ được chia sẻ để các chuyên gia, nhà báo, phóng viên có các bài viết sâu hơn hay chi tiết hơn, cụ thể hơn. Các bài viết hoặc dữ liệu được tạo ra tiếp tục được lưu trữ tại trung tâm tích hợp dữ liệu để chia sẻ tới các đơn vị truyền thông chính sách khác…

Để làm được như vậy, chúng ta cần có một nền tảng thống nhất giữa các dữ liệu được sử dụng. Một trung tâm tích hợp là cần thiết trong bối cảnh phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay. Trung tâm này sẽ bao gồm các hệ thống như: hệ thống tích hợp dữ liệu, hệ thống phân tích nội dung, hệ thống xử lý tin bài thông minh và hệ thống quản trị nội dung.

Đổi mới và phát triển song song mô hình “công nghệ truyền thông chính sách

Các đơn vị truyền thông chính sách phải có chiến lược hình thành liên kết công tư, hợp tác phát triển cơ quan truyền thông tích hợp công nghệ. Các đơn vị truyền thông chính sách cần có mô hình công nghệ hợp tác, quy tụ được nhân tài công nghệ, có khả năng liên kết hệ thông truyền thông và phân tích dữ liệu, để nghiên cứu phát triển những sản phẩm truyền thông chính sách công nghệ mới. Các chuyên gia nghiên cứu và các đơn vị truyền thông chính sách sẽ đồng hành cùng các nhân viên công nghệ trong quá trình thu thập, khảo sát dữ liệu, lấy ý kiến trong quá trình hoạch định chính sách, tăng cường trải nghiệm cho người tham gia ý kiến khảo sát theo các nội dung truyền thông chính sách được sản xuất và phân phối đa nền tảng, đa phương tiện.

Mục tiêu là người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin chính sách tập trung, hệ thống chính sách đồng bộ theo lĩnh vực, theo chủ đề. Những góp ý, kiến nghị chính sách cần được hệ thống để chuyên gia, các nhà quản lý, các đơn vị hoạch định chính sách, các lãnh đạo, các cơ quan thu thập dữ liệu, truyền thông đều có thể tiếp cận được.

Giải pháp đổi mới sáng tạo phát triển truyền thông dự thảo chính sách: Chiến lược chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ

Hệ sinh thái của V-startup


CÔNG NGHỆ VÀ CÁC CHIẾN LƯỢC TRONG TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH

AI đã và đang được sử dụng rất nhiều trong hoạt động truyền thông báo chí, từ việc phát hiện tin, lấy ý kiến người dân, thẩm định thông tin, tương tác với độc giả, kiểm duyệt bình luận, phân tích và tổng hợp dữ liệu khảo sát, sản xuất video, cho đến viết tin bài tự động, MC ảo, trường quay ảo… AI có thể mang lại rất nhiều lợi ích để nâng cao chất lượng truyền thông chính sách.

Thông qua công nghệ phát triển thiết bị thông minh bằng điều khiển giọng nói, cần tăng cường sản xuất viral video, sản phẩm phát thanh audio podcast, các công nghệ sử dụng AI để làm bản tin tự động, chuyển đổi giọng nói thành văn bản…

Phát triển kế hoạch truyền thông chính sách trên các sản phẩm thông minh như loa, thiết bị đeo trên người, thiết bị IOT, hoặc các công nghệ có tiềm năng trong tương lai như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), mixed reality…

Trực tiếp thu thập dữ liệu người dân, doanh nghiệp thông qua các khảo sát, nghiên cứu

Dữ liệu trực tiếp là nguồn nội dung quan trọng để phát triển truyền thông chính sách. Chiến lược thu thập dữ liệu sẽ giúp các cơ quan truyền thông chính sách xác định rõ đối tượng khảo sát, từ đó mở ra các cơ hội để cải thiện chất lượng truyền thông, cải thiện trải nghiệm cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời tạo ra những phân khúc hấp dẫn các cơ quan mua dữ liệu và các tài nguyên số. Ngoài xây dựng nội dung hấp dẫn có thể thu hút người dân, doanh nghiệp truy cập trực tiếp và đăng ký trên các hệ thống digital, cần cần đầu tư vào các hệ thống công nghệ để thu thập và phân loại dữ liệu từ khảo sát, nghiên cứu.

Phát triển truyền thông chính sách trên các mạng xã hội không chỉ là Facebook và YouTube (còn rất nhiều kênh thu hút đông đảo giới trẻ như TikTok, Snapchat…) và hoàn toàn chưa hiện diện ở hình thức OTT hoặc ứng dụng messaging (WhatsApp, Viber, Zalo…) thu thập lượng thông tin lớn hơn và cá nhân hóa các thông tin theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, giảm bớt sức lao động cho các nhân viên truyền thông, phóng viên, báo chí và giúp họ có thời gian tập trung vào những chủ đề lớn và các cơ quan truyền thông chính sách không cần nhiều nhân lực.

Quy trình sản xuất thông tin truyền thông chính sách theo phương thức tích hợp, tổ chức nội dung thống nhất (bao gồm cả định hướng về mặt chính trị) nhưng cách thức thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng, từng nhóm đối tượng. Một số cơ quan báo chí lớn trên thế giới còn có hình thức cung cấp thông tin lên bảng điện tử công cộng, cung cấp thông tin tới các thiết bị máy trạm cho các đối tượng hoạt động trong môi trường đặc biệt (ngư dân ngoài khơi, công nhân ở vùng sâu vùng xa, hàng không…).

Sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích

Các công cụ đo lường và phân tích (bao gồm cả các công cụ đo lường của quốc tế sử dụng trong nội bộ các cơ quan truyền thông chính sách, các công cụ đặc biệt có thể tạo dashboard tới từng chuyên gia, phóng viên, biên tập viên và hệ thống áp dụng chung, để các cơ quan đánh giá độc lập có thể theo dõi và xếp hạng). Để truyền thông chính sách hiệu quả, cần sử dụng những công cụ đo được những hình thức tiếp cận nào đang hoạt động hiệu quả hoặc không hiệu quả, những công nghệ truyền thông nào thu hút được người dân, doanh nghiệp, cách thức họ tương tác với những thông tin nhất định. Một số công cụ đo lương hiệu quả như Google Analytics, đo lường lượng traffic theo tuần/tháng/quý/năm; thời điểm nào trong tuần có lượng truy cập cao nhất, có bao nhiêu khách hàng truy cập bằng thiết bị di động, laptop và máy tính để bàn, số người tham gia đọc các khảo sát, các nội dung truyền thông chính sách, thời gian đọc trong bao lâu; tỷ lệ thoát ra khỏi các khảo sát, báo cáo nghiên cứu, các thông điệp truyền thông. Cùng với Google Analytics, Scoop.it là công cụ đo lường website thứ hai được các đơn vị quản lý tác động truyền thông ưa chuộng sử dụng. Scoop.it đo lường được các dữ liệu về lượng khách hàng truy cập vào website, lượt xem, cũng như đánh giá và chia sẻ bài đăng của bạn… Bên cạnh rất nhiều công cụ đo lường hiệu quả truyền thông chính sách, một trong những công cụ đo lường hiệu quả thông điệp truyền thông chính sách mà các cơ quan nên cân nhắc sử dụng đó chính là Chartbeat. Không chỉ đưa ra những dữ liệu quan trọng để đánh giá xem nội dung nào của bạn đang hiệu quả nhất, công cụ đo lường hiệu quả marketing này còn cung cấp những dữ liệu khác về người dùng theo thời gian thực: hành vi của người dân, doanh nghiệp, thời gian dùng trên trang… Điều này vô cùng hữu ích, bởi những nhà quản lý nội dung nhanh chóng phản ứng và tương tác kịp thời với người dùng sau khi đọc các dữ liệu thực.

VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA CÁC VƯỜN ƯƠM VÀ DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ TRONG TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH

Các vườn ươm và doanh nghiệp công nghệ, là nhóm tạo ra sản phẩm, thiết kế các nền tảng theo nhu cầu độc giả, tương tác với người dân, doanh nghiệp và giữ chân người dân, doanh nghiệp tham gia tiếp nhận thông điệp và trực tiếp sáng tạo ra các thông điệp.

Vườn ươm công nghệ tăng cường nghiên cứu và phát triển, phát huy ĐMST

Trong bối cảnh hầu hết các cơ quan hoạch định chính sách và các cơ quan truyền thông chính sách ở Việt Nam chưa thực sự chú trọng đến các công nghệ truyền thông tương lai và không hề có bộ phận nghiên cứu - phát triển, thì vườn ươm công nghệ tiên phong ươm tạo doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển, phát huy ĐMST và khuyến khích phát triển hệ sinh thái quản lý có tư duy sản phẩm (product thinking).

Các vườn ươm công nghệ đủ điều kiện để lập bộ phận nghiên cứu - phát triển mạnh, quy tụ nhiều tài năng công nghệ để nghiên cứu về xu hướng phát triển của báo chí và công nghệ truyền thông chính sách, đồng thời tạo ra những sản phẩm truyền thông mang tầm dẫn dắt, định hướng. Các vườn ươm công nghệ hiện tại như V-startup đã có sẵn các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ tạo ra các sản phẩm truyền thông như: công nghệ chuyển đổi giọng nói và văn bản, công nghệ trường quay MC ảo, trợ lý ảo… và luôn phát triển liên kết hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để cùng phát triển nghiên cứu nhiều sản phẩm hỗ trợ cho quá trình truyền thông nói chung, truyền thông chính sách nói riêng. Các cơ quan hoạch định chính sách và truyền thông chính sách nên học cách chấp nhận rằng, các ấn phẩm, website, bản tin qua email (newsletter) hoặc các ứng dụng mobile đều là những sản phẩm. Người dùng luôn đứng trước quyết định có sử dụng một sản phẩm nào đó hay không, họ có rất nhiều lựa chọn để tiếp nhận chính sách và tham gia góp ý kiến nghị chính sách. Các cơ quan hoạch định chính sách, ban hành chính sách và truyền thông chính sách cần thay đổi đường đi của quy trình quản trị chính sách, nếu muốn các thông điệp truyền thông chạm được vào người dân, doanh nghiệp và bắt kịp môi trường của đời sống thực tiễn.

Vườn ươm công nghệ tham gia phát triển truyền thông chính sách cùng các cơ quan trong các đề án chính sách có tác động lớn đến xã hội

Ứng dụng công nghệ cao phối hợp với các cơ quan truyền thông chính sách phát triển cổng thông tin, website, app, thiết kế nhận diện đồng bộ, đăng tải cơ sở dữ liệu tổng hợp theo hệ thống chủ đề, thời gian ban hành, lưu trữ theo hệ thống cổng dữ liệu đề án chính sách lớn và các chiến lược chính sách từ lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Ứng dụng công nghệ liên kết hệ thống chính sách được tổng hợp liên bộ, liên ngành, từ trung ương đến địa phương và tham gia tích hợp dữ liệu để phát triển thông điệp truyền thông theo vùng, miền, khu vực.

Giải pháp đổi mới sáng tạo phát triển truyền thông dự thảo chính sách: Chiến lược chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ

Startup do V-startup hỗ trợ có sản phẩm MC ảo phát triển truyền thông chính sách cho các cơ quan chuyển đổi số

Truyền thông cổng thông tin thông qua các hệ thống nhận diện thương hiệu đồng bộ theo từng lĩnh vực chính sách và giải pháp phát triển công nghệ, cũng như tổ chức các hoạt động truyền thông tùy từng nhóm đối tượng chủ đề. Kết nối tự động đầu mối thông tin các đơn vị ban hành chính sách và đơn vị thực thi chính sách, để hỗ trợ giải đáp thắc mắc trong quá trình triển khai, hợp tác với các đơn vị tư vấn và tổ chức trung gian để tăng cường các công tác dự báo chính sách, đánh giá chính sách, giám sát chính sách, phản biện chính sách và xử lý khủng hoảng chính sách (nếu có). Đăng tải hệ thống nghiên cứu, báo cáo tổng hợp, góp ý kiến nghị chính sách. Cổng thông tin có ứng dụng công nghệ chatbox để trả lời tự động và tổng hợp góp ý, phản hồi.

PHÁT TRIỂN HỆ SINH THÁI SỐ TRONG TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH, TRONG ĐÓ DOANH NGHIỆP LÀ TRUNG TÂM ĐỔI MỚI VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH

Để phát triển hệ sinh thái số trong truyền thông chính sách, cần triển khai các giải pháp như sau:

Một là, Nhà nước cần đẩy mạnh đào tạo các tài năng, nhân lực có tư duy quản trị hệ thống trong truyền thông chính sách và việc ứng dụng số hóa trong truyền thông chính sách.

Hai là, các cơ quan cần tạo điều kiện về chính sách để doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào hoạt động truyền thông chính sách và phát triển các công nghệ nền tảng để lưu trữ, khai thác, phổ biến và phát triển dữ liệu truyền thông chính sách.

Ba là, cần tăng cường phối hợp với các vườn ươm, các doanh nghiệp công nghệ số, nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực truyền thông chính sách, nhất là trong sản xuất sản phẩm truyền thông, chuyển giao công nghệ truyền thông; hợp tác công – tư trong xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ liệu; xây dựng tác phẩm truyền thông chính sách và thành tựu hành trình đồng bộ hóa chính sách.

Bốn là, cần có chính sách rõ ràng về việc liên kết dữ liệu truyền thông (hình thức mua lại, sang nhượng hoặc chia sẻ bản quyền sử dụng, hình thức chế tài, trao đổi…), có cơ chế phối hợp công tư để khai thác tốt nhất các dữ liệu truyền thông chính sách đặc thù./.