Giải pháp nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam
Tóm tắt
Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và cũng là nước có khối lượng xuất khẩu nông sản lớn đến nhiều quốc gia trên thế giới. Với yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đặc biệt là tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu, đòi hỏi phải chuẩn hóa các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), khắc phục tình trạng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu bị trả lại hoặc bị tiêu hủy do kém chất lượng. Bài viết phân tích thực trạng VSATTP, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng VSATTP đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Từ khóa: vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ thống pháp luật, xuất khẩu nông sản, ngành nông nghiệp
Summary
Vietnam has strengths in agricultural production and exports agricultural products widely to many countries around the world. Because of the increasing requirements of consumers, especially the strict standards of the import market, it is necessary to standardize food hygiene and safety conditions so as to overcome the situation of exported Vietnamese agricultural products being returned or destroyed due to poor quality. The article analyzes the reality of food hygiene and safety, thereby proposing solutions to improve the quality of food safety and hygiene for Vietnam’s agricultural exports to meet requirements in the new situation.
Keywords: food hygiene and safety, legal system, agricultural export, agricultural industry
SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU NÔNG SẢN PHẢI ĐÁP ỨNG CÁC TIÊU CHUẨN VSATTP
Phần lớn các nông sản là những mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu và có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, do đó yêu cầu về chất lượng sản phẩm, VSATTP của các nước nhập khẩu nông sản rất khác nhau. Mỗi quốc gia nhập khẩu nông sản có những rào cản riêng về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình chế biến, tiêu chuẩn vệ sinh, yếu tố môi trường, thậm chí cả tiêu chuẩn về lao động sử dụng trong sản xuất và chế biến. Các tiêu chuẩn này ngày càng trở nên chặt chẽ, khắt khe hơn và trở thành vũ khí sắc bén của các quốc gia để bảo hộ nền sản xuất nông nghiệp nội địa trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.
Hiện nay, để xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới, các nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn bắt buộc của nước nhập khẩu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng. Theo đó, 5 tiêu chuẩn cần phải có khi xuất khẩu nông sản gồm: (1) Quy định chất lượng thương mại và ghi nhãn mác; (2) Quy định về an toàn thực phẩm với yêu cầu người sản xuất phải đảm bảo chất lượng và độ an toàn của các sản phẩm mà họ sản xuất ra, tránh được tất cả các nguy cơ tiềm tàng, như: rủi ro từ nguồn nước ô nhiễm hoặc ô nhiễm vi sinh vật hay hóa chất; (3) Truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo tất cả các nhà xuất khẩu phải đăng ký với cơ quan quản lý thực phẩm, dược phẩm và đưa ra thông báo trước khi xuất khẩu; đồng thời, xuất xứ phải được ghi rõ trên nhãn của sản phẩm; (4) Quy định kiểm dịch thực vật với việc phải đảm bảo các lô hàng xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu; (5) Tuân thủ khai báo hải quan theo các quy định của nước nhập khẩu. Như vậy, có thể thấy, tiêu chuẩn nông sản xuất khẩu không chỉ căn cứ vào bao bì mẫu mã, mà còn đòi hỏi nội dung hồ sơ và cách làm trên thực tế.
THỰC TRẠNG VSATTP HÀNG NÔNG SẢN XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM
Chất lượng VSATTP trong sản xuất nông sản
Việt Nam có điều kiện khí hậu thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và có diện tích đất nông nghiệp lớn với gần 28 triệu hecta [3], với khoảng 13,9 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong khu vực nông - lâm - ngư nghiệp [14], nên Việt Nam có thế mạnh và tiềm năm để phát triển ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp hiện nay đang đứng trước những thách thức rất lớn về ô nhiễm môi trường do vấn đề phát sinh chất thải từ các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp và sức ép đô thị hóa, công nghiệp hóa khu vực thành thị, ven đô. Ngoài ra, trình độ, nhận thức của nông dân về bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế; việc quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón, kháng sinh, chất kích thích tăng trường, hóa chất bảo quản nông, lâm, thủy sản, chất thải chăn nuôi, giết mổ, tiêu hủy gia súc, gia cầm, chất thải làng nghề… đang làm cho vấn đề ô nhiễm môi trường nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng. Ở Việt Nam, lượng hóa chất BVTV sử dụng bình quân là 0,5-0,7 kg hoạt chất/ha. Nhờ diệt côn trùng và sâu bệnh, nên sản lượng lúa tăng 10%; bông, đay, đỗ tương, cam, chè tăng từ 7%-17,6%. Lượng thuốc BVTV dùng trên lúa và rau ở Việt Nam có nơi đã lạm dụng tới 1-1,5 kg/ha lúa còn cho rau, thì tới 7-10 kg/ha (phun từ 7-10 lần/vụ), trên đỗ đậu, thì phun hàng ngày. Những loại có độc tính cao, như: Wofatoc, Monitor… đã có lệnh cấm, nhưng người dân vẫn quen dùng [11]. Việc sử dụng các loại phân bón, hóa chất BVTV không đúng quy cách và quá mức nhằm tăng năng suất cây trồng còn gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; làm tăng mức độ quen thuốc, tăng tính chống thuốc ở các loài sâu bệnh, gây độc cho gia súc, gia cầm và gây độc trực tiếp cho người nông dân; để lại dư lượng chất độc trong nông sản gây ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng. Hàng năm, tỷ lệ nhiễm độc và tử vong do hóa chất trừ sâu khá lớn. Nhiều loại hóa chất BVTV có khả năng tồn lưu lâu dài trong môi trường gây ô nhiễm đất, nước, không khí, tác hại lâu dài đến sức khỏe và lan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Hơn nữa, sản xuất và xuất khẩu nông sản của nước ta tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Việc mở rộng diện tích trồng trọt, cũng như thâm canh tăng vụ là nguyên nhân dẫn đến sự thoái hóa đất nông nghiệp. Việc sử dụng hóa chất BVTV một cách thận trọng, có kiểm soát là điều cần thiết để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, song nếu không đúng cách hoặc không thận trọng sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đến nông nghiệp và hệ sinh thái nói chung. Một vấn đề cấp bách đặt ra là phải hoàn thiện quy định pháp luật để kiểm soát chất lượng cây giống, con giống, thuốc trừ sâu, chất kháng sinh, quy trình sản xuất - chế biến…, để bảo đảm rằng, việc sản xuất hàng nông sản không thể chỉ hướng đến lợi nhuận ngắn hạn, mà còn phải hướng đến sự phát triển bền vững về lâu dài.
Chất lượng VSATTP nông sản ảnh hưởng đến hiệu quả xuất khẩu
Hiện nay, xu hướng giảm thiểu rào cản thuế quan và tăng cường các rào cản phi thuế quan (rào cản về VSATTP, rào cản kỹ thuật liên quan đến thương mại…) của các nước nhập khẩu, khiến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện VSATTP càng cao. Nhưng, hiện nay ở Việt Nam, tỷ lệ cơ sở sản xuất được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, an toàn thực phẩm còn thấp. Cụ thể, tỷ lệ diện tích nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và tương đương (ASC, BAP…) hiện chỉ chiếm khoảng 8%; các cơ sở chế biến kinh doanh nông sản thiết lập và vận hành hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn: HACCP, ISO9000, ISO22000… cũng còn rất ít [13]. Điều này dẫn đến chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản chưa đồng đều và thiếu ổn định, giảm tính cạnh tranh trong nước và thế giới.
Trong thời gian qua, nhiều lô hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập EU do các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm trong sử dụng. Chẳng hạn như, hệ thống cảnh báo nhanh của EU đã thông báo có 9 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập EU do các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm trong sử dụng [10] hoặc các mặt hàng thanh long, rau ngót tươi, mùi tàu bị kiểm tra 100% tất cả các lô hàng khi nhập khẩu vào Nhật Bản do các mặt hàng nông sản này vi phạm quy định về việc sử dụng thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép [7]. Một ví dụ khác, cơ quan An toàn thực phẩm Ireland đã ra thông báo thu hồi một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất do chứa dư lượng thuốc Ethylene Oxide vượt quá mức cho phép [9]. Cũng việc này, cơ quan Hệ thống Cảnh báo nhanh của châu Âu về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) đã thông báo về việc một số lô mì ăn liền của Công ty Acecook Việt Nam và mì khô vị bò gà của Công ty Thiên Hương, chứa dư lượng thuốc Ethylene Oxide vượt quá mức cho phép của EU. Cụ thể, gói gia vị (rau củ xấy khô) trong sản phẩm mì Hảo Hảo của Công ty Acecook Việt Nam chứa chất Ethylene Oxide trên hệ thống cảnh báo RASFF số 2021.4233 là 0,066 mg/kg và phở khô vị bò gà của Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương là 0,052 mg/kg. Trong khi đó, theo Chỉ thị số 91/414/EEC của EU và Quy định (EC) 396/2005, hàm lượng Ethylene Oxide trong các loại thực phẩm này phải dưới 0,05 mg/kg [1].
Vào ngày 03/11/2021, Uỷ ban châu Âu đã đăng công báo Quy định (EU) số 2021/1900, ban hành ngày 27/10/2021 để sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU. Theo đó, các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU như: húng quế, ngò tây, đậu bắp, hồ tiêu… sẽ bị tăng tỷ lệ kiểm tra từ 10% lên 50% tổng số các lô hàng, do không đảm bảo yêu cầu về các biện pháp vệ sinh dịch tễ [8]. Ngày 15/12/2021, Ủy ban châu Âu đã ban hành Quy định (EU) 2021/2246 sửa đổi Quy định thực hiện quy định (EU) 2019/1793 về việc tăng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp vào EU một số hàng hoá từ một số nước thứ ba. Theo đó, tại Phụ lục II của Quy định 2021/2246, các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào EU, như: mì ăn liền, thanh long sẽ tăng tỷ lệ kiểm tra lên 20% tổng số các lô hàng do không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm [2]. Chính vì vậy, đòi hỏi cấp thiết đặt ra là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao chất lượng hàng nông sản, qua đó, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VSATTP ĐỐI VỚI HÀNG NÔNG SẢN XUẤT KHẨU
Dự báo những vấn đề đặt ra đối với hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu
Với tiềm năng, thế mạnh của ngành nông nghiệp, việc hoàn thiện quy định pháp luật về bảo đảm chất lượng hàng nông sản nói chung, quy định về VSATTP nói riêng để hàng nông sản Việt Nam có thể đáp ứng được tiêu chuẩn nhập khẩu của các nước phát triển là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 17 FTA, gần đây là các hiệp định thế hệ mới, như: CPTPP, EVFTA và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Cam kết về biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) trong các hiệp định này được đánh giá là có phạm vi rộng và mức độ cao đối với Việt Nam. Đặc biệt, khi các dòng thuế đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam được cắt giảm về 0% theo cam kết, thì các yêu cầu kỹ thuật của SPS cũng sẽ ngày càng cao, đòi hỏi cả hệ thống quản lý phải được nâng cấp, kiện toàn đồng bộ.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu có hiệu quả hay không phụ thuộc vào nỗ lực của chính người sản xuất, kinh doanh, mặt khác, nó cũng phụ thuộc vào hệ thống chính sách của Chính phủ. Một hệ thống chính sách hợp lý sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất và xuất khẩu, nâng cao lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông sản xuất khẩu trên thị trường thế giới.
Các sản phẩm nông sản của một quốc gia thường chia thành 2 loại: nông sản chưa qua chế biến và nông sản đã qua chế biến, thường các sản phẩm đã qua chế biến có giá trị xuất khẩu lớn hơn nhiều lần so với các sản phẩm thô chưa qua chế biến. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải có chính sách cơ cấu sản phẩm phù hợp nhằm tăng dần tỷ trọng các sản phẩm đã qua chế biến để đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn trong hoạt động xuất khẩu.
Chính sách phát triển và mở rộng thị trường là một yếu tố quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu nông sản. Đây là công việc khó khăn, phức tạp và phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa các quốc gia. Các chính phủ cần phải xây dựng chính sách sản phẩm nông sản phù hợp và thích ứng với từng thị trường, từng khu vực. Trên cơ sở định hướng và những hiệp định song phương, đa phương được ký kết của Chính phủ, cũng như các thông tin về sản phẩm và thị trường do các cơ quan, các tổ chức xúc tiến thương mại của Nhà nước cung cấp, các doanh nghiệp chủ động giới thiệu sản phẩm nông sản tới các thị trường tiêu thụ. Chính sách hỗ trợ của chính phủ có tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu nông sản, nó có tác dụng khuyến khích hoặc hạn chế hoạt động xuất khẩu. Ví dụ các chính sách về phát triển nông thôn, chính sách về vùng nguyên liệu, chính sách về tỷ giá hối đoái, chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất nông sản xuất khẩu. Trong điều kiện hội nhập và tự do hóa thương mại, các chính sách hỗ trợ này phải phù hợp với các nguyên tắc của WTO, các FTA mới mà Việt Nam đã ký kết tham gia.
Một số giải pháp
Để nâng cao chất lượng VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, đòi hỏi việc giám sát, quản lý phải được thực hiện một cách đồng bộ trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông sản, nên phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, rà soát và bổ sung các quy định về sản xuất và vật tư nông nghiệp. Bởi, dù Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi đã được thông qua, xây dựng được các tiêu chí rõ ràng về chất lượng VSATTP cho sản phẩm nông nghiệp, tạo hành lang pháp lý để đưa các ngành sản xuất nông nghiệp vào chuỗi khép kín, nhưng còn thiếu đi những quy định trong khâu sản xuất và chế biến.
Hoàn thiện quy định pháp luật nói chung, quy định pháp luật về VSATTP để thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam bằng cách thức: (i) Hoàn thiện các tiêu chuẩn Việt Nam để thiết lập và quản lý vùng trồng để dễ dàng đàm phán với các nước nhập khẩu, cũng như để các cơ sở đóng gói tuân thủ và thống nhất thực hiện sẽ tạo điều kiện phát triển thị trường xuất khẩu; (ii) Xây dựng cơ sở đóng gói, giám sát cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu để mở rộng vùng trồng tăng số lượng cơ sở đồng bộ là yêu cầu bắt buộc để đủ điều kiện xuất khẩu nông sản; (iii) Cơ quan quản lý nhà nước các cấp và các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, chế biến, đóng gói xuất khẩu để chuẩn bị cho kiểm tra đánh giá trong việc mở cửa thị trường hoặc thanh tra của đối tác; (iv) Doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cần chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để đáp ứng yêu cầu về điều kiện VSATTP để đảm bảo hoạt động xuất khẩu được thông suốt và đạt hiệu quả.
Thứ hai, cần có cơ chế chính sách cho công tác tuyên truyền về VSATTP. Theo đó, các cơ sở, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về VSATTP trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, thu hoạch, sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Thứ ba, đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận có đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật phải được cấp giấy chứng nhận VSATTP. Đồng thời, phải tăng cường tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận VSATTP để xác định tình trạng tuân thủ pháp luật trên cả nước./.
ThS. PHẠM TUẤN TRUNG
Trường Đại học Lao động - Xã hội
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 07 - Tháng 3/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Anh Minh (2021), Mỳ ăn liền xuất sang EU sẽ bị kiểm tra dư lượng ethylene oxide, truy cập từ https:// vnexpress.net/my-an-lien-xuat-sang-eu-se-bi-kiem-tra-du-luong-ethylene-oxide-4407502.html.
2. Bộ Công Thương (2022), EU tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số hàng hoá từ một số nước thứ ba, truy cập từ https://moit.gov.vn/tin-tuc/bao-chi-voi-nguoi-dan/eu-tang-cuong-cac-bien-phap-kiem-soat-chinh-thuc-va-khan-cap-mot-so-hang-hoa-tu-mot-so-nuoc-thu-ba.html.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022), Quyết định số 387/QĐ-BTNMT, ngày 02/3/2022 về phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2020.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021a), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.
6. Đảng cộng sản Việt Nam (2021b), Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030.
7. Đào Thọ (2019), Nhiều lô hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu bị trả về, truy cập từ https:// baodansinh.vn/nhieu-lo-hang-nong-san-cua-viet-nam-xuat-khau-bi-tra-ve-97612.htm.
8. EU (2021), Commission Implementing Regulation (EU) 2021/1900 of 27 October 2021 amending Implementing Regulation (EU) 2019/1793 on the temporary increase of official controls and emergency measures governing the entry into the Union of certain goods from certain third countries implementing Regulations (EU) 2017/625 and (EC) No 178/2002 of the European Parliament and of the Council, retrieved from https://eur-lex.europa.eu/eli/reg_impl/2021/1900.
9. Food Safety Authority of Ireland (2021), Recall of Certain Batches of Instant Noodle Products due to the Presence of the Unauthorised Pesticide Ethylene Oxide, retrieved from https://www.fsai. ie/news_centre/food_alerts/instant_noodles_ethylene_oxide_recall.html.
10. Hải Đăng (2019), 17 lô hàng nông, thủy sản của Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập khẩu vào EU do chứa các chất vượt mức, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/17-lo-hang-nong-thuy-san-viet-bi-tu-choi-hoac-giam-sat-khi-nhap-vao-eu-do-chua-cac-chat-vuot-muc.html.
11. Lê Xuân Cảnh (2022), Ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông, lâm, thủy sản ảnh hưởng tới đa dạng sinh học và các giải pháp giảm thiểu tác động, truy cập từ http://tapchimoitruong. vn/nghien-cuu-23/nhiem-moi-truong-trong-san-xuat-nong-lam-thuy-san-anh-huong-toi-da-dang-sinh-hoc-va-cac-giai-phap-giam-thieu-tac-dong-26476.
12. OECD (2020), Vietnam - Agricultural Policy Monitoring and Evaluation 2020, retrieved from https://www.oecd-ilibrary.org/sites/789c718e-en/index.html?itemId=/content/component/789c718e-en.
13. Tiến Anh (2021), Nâng cao năng lực thực thi Hiệp định SPS, truy cập từ https://nhandan.vn/ nang-cao-nang-luc-thuc-thi-hiep-dinh-sps-post679433.html
14. Tổng cục Thống kê (2022), Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV năm 2022.
15. WTO (2021), STDF Annual Report highlights efforts to boost SPS capacity despite pandemic challenges, retrieved from https://www.wto.org/english/news_e/news21_e/stdf_02aug21_e.htm.
Bình luận