Ngành da giày - túi xách đạt doanh thu 26 tỷ USD trong năm 2024
Việt Nam đang đứng thứ 3 về sản xuất cung ứng da giày thế giới
Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, mặc dù đối mặt với áp lực giảm giá, yêu cầu chất lượng cao, các tiêu chí bền vững, chi phí đầu vào tăng và thiếu hụt lao động…, nhưng ngành da giày - túi xách vẫn đạt được doanh thu 26 tỷ USD trong năm 2024, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2023.
Các thị trường xuất khẩu của ngành da giày năm 2024 đều có sự tăng trưởng. Một số thị trường lớn, như: Hoa Kỳ, EU giữ được mức tăng trên 10%. Năm nay, Trung Quốc tiếp tục được xếp vào nhóm thị trường xuất khẩu tỷ USD của ngành, chỉ xếp sau Hoa Kỳ, EU và chiếm 9% tỷ trọng.
Ngành da giày - túi xách vẫn được doanh thu 26 tỷ USD trong năm 2024 |
Tuy nhiên, một số thị trường xuất khẩu khác vẫn có sự sụt giảm, thậm chí không thể xuất khẩu được do chịu tác động của xung đột, như: Nga, Uzbekistan. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành đã mở rộng xuất khẩu sang một số thị trường ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông với tiềm năng tiêu dùng lớn và đa dạng.
Trong đó, giày thể thao - mặt hàng thế mạnh của Việt Nam chiếm ưu thế, cũng có thể giúp xuất khẩu của ngành tăng trưởng nhanh và mạnh sang Trung Đông trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, thị trường này còn tiêu dùng mặt hàng dép, tuy nhiên số lượng không lớn.
Một trong những khó khăn của ngành da giày là tình trạng thiếu lao động. Lý giải về tình trạng này, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, trước đây do đơn hàng sụt giảm, nhiều công nhân về quê hoặc chuyển sang công việc khác, bây giờ doanh nghiệp có đơn hàng tăng trở lại, nhưng khó tuyển. Bên cạnh đó, việc tăng thu nhập cho người lao động là vấn đề rất khó khăn đối với doanh nghiệp da giày.
Ngoài ra, các thị trường nhập khẩu lớn của ngành da, giày và túi xách, như: EU, Hoa Kỳ đang đặt ra nhiều quy định mới về tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa, chẳng hạn như Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism-CBAM) của EU… CBAM là một cơ chế nhằm kiểm soát lượng khí nhà kính được thải ra từ hàng hóa nhập khẩu vào các quốc gia trong liên minh. CBAM điều chỉnh trực tiếp một loại thuế carbon sẽ được áp dụng cho một nhóm mặt hàng có lượng phát thải cao.
Trong khi đó, được đánh giá là lĩnh vực gây ra nhiều phát thải carbon nhất trong quá trình sản xuất, ngành da giày Việt Nam đang đứng trước thách thức có tận dụng được các cơ hội và lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) hay không, nhất là trong bối cảnh CBAM sắp có hiệu lực...
Ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 29 tỷ USD trong năm 2025
Bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết, một số doanh nghiệp có đơn hàng hết quý I/2025.
Theo đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, bước sang năm 2025, ngành da giày vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, ngành cần tập trung xuất khẩu sang những thị trường sẵn có và dễ tính, như: châu Phi, châu Á để có được tệp khách hàng phù hợp và tăng doanh thu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tiếp cận các trang thương mại điện tử lớn, như: Alibaba, Amazon…, nhằm mở thêm kênh tiêu thụ.
Đặc biệt, ngành da giày cần từng bước ứng dụng tiêu chuẩn cao hơn, như: sản xuất xanh, sản phẩm xanh để chinh phục những thị trường khó tính, như: Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ…
Để đáp ứng CBAM, ngành da giày cần cải thiện hành trình từ tái cấu trúc toàn bộ quy trình chuỗi cung ứng, từ nguyên - phụ liệu đầu vào, đổi mới quy trình vận hành, ứng dụng công nghệ mới (nano, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, quy định Net Zero…), đến hoàn thiện sản phẩm đầu ra và xuất khẩu. Hiện thời gian không còn dài, nên đòi hỏi doanh nghiệp phải khẩn trương bắt tay hành động ngay từ bây giờ./.
Bình luận