Thúc đẩy xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang UAE
ThS. Trịnh Thị Lan Anh
TS. Trần Thùy Phương
Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi
Email: Lananhlananht@gmail.com
Tóm tắt
Tại khu vực Trung Đông, UAE là một trong những thị trường lớn nhất nhập khẩu rau quả của Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang UAE còn khá khiêm tốn, tăng trưởng thiếu bền vững. Trong những năm tới đây, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của UAE vẫn tiếp tục tăng lên. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào UAE. Từ đó, nhóm tác giả khuyến nghị một số giải pháp về phía cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp của Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu rau quả vào UAE, đặc biệt là trong bối cảnh Hiệp định CEPA đã được ký kết vào cuối năm 2024.
Từ khóa: xuất khẩu, rau quả, UAE
Summary
In the Middle East, the UAE is one of the largest markets for importing Vietnamese fruits and vegetables. However, the export value of Vietnamese fruits and vegetables to the UAE is still quite modest, with unsustainable growth. In the coming years, the UAE's demand for importing this item will continue to increase. Therefore, this study assesses the current situation of Vietnamese fruit and vegetable exports to the UAE. From there, the authors recommend several solutions for state management agencies and Vietnamese enterprises to promote fruit and vegetable exports to the UAE, especially in the context of the CEPA Agreement being signed at the end of 2024.
Keywords: export, fruit and vegetables, UAE
GIỚI THIỆU
UAE nằm ở vùng Trung Đông, phía Đông Nam bán đảo Arab, trên vịnh Péc-xích. UAE là nhà nước liên bang gồm 7 tiểu vương quốc: Abu Dhabi, Dubai, Sharjah, Fujairah, Umm al Qaiwian, Ajman và Ra's al Khaimah. Năm 1993, Việt Nam và UAE thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Cho tới nay, quan hệ hợp tác Việt Nam - UAE ngày càng được củng cố và phát triển, đặc biệt là trao đổi ngoại thương. Hai bên đều coi nhau là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu ở khu vực Trung Đông và Đông Nam Á. Hiện nay, UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông, là thị trường quan trọng và tiềm năng đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là điện thoại, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may, da giày, thủy sản, nông sản, gia vị, thực phẩm, vật liệu xây dựng, rau quả nhiệt đới.
Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng rau tươi và trái cây tại thị trường UAE là rất lớn và ngày càng tăng. Đặc biệt, các loại sản phẩm trái cây tươi nhiệt đới, hoa quả sấy khô ngày càng được ưa chuộng tại thị trường này. Rau quả nhập khẩu vào UAE không chỉ để phục vụ tiêu dùng của người dân, mà còn để phục vụ khách du lịch và người lao động nhập cư.
Đặc biệt, việc ký kết hiệp định CEPA giữa Việt Nam và UAE là bước khởi đầu cho việc thúc đẩy quan hệ không những với UAE, mà còn cả khu vực Trung Đông và châu Phi. Hiệp định này tạo đột phá trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - UAE, tạo cơ hội để tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào UAE, vốn là mặt hàng thế mạnh của nước ta. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang UAE, cơ quan quản lý nhà nước và bản thân doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn rất nhiều việc phải làm.
TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU RAU QUẢ CỦA VIỆT NAM VÀO UAE
Những năm gần đây, giá trị xuất khẩu rau quả của nước ta sang UAE có sự gia tăng. Kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1993, xuất khẩu sang UAE đã thực sự tăng trưởng và vào quỹ đạo tương đối ổn định. Đặc biệt, theo Tổng cục Hải quan, kể từ năm 2003, xuất khẩu rau quả sang thị trường này có dấu hiệu khởi sắc, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,47 triệu USD, tăng 8,6 lần so với năm trước đó. Trong giai đoạn 2003-2007, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang UAE tăng nhưng khá chậm. Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 là dấu mốc quan trọng thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang thị trường UAE. Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ra sang thị trường này đã tăng trưởng trên 50% với giá trị xuất khẩu là 15,5 triệu USD.
Từ năm 2009 đến 2011, xuất khẩu rau quả sang UAE tiếp tục tăng mạnh, nhưng các năm 2012, 2013, kim ngạch lại giảm tử 30,11 triệu USD xuống còn 22,92 triệu USD do ảnh hưởng của giá dầu trên thế giới giảm, gây thiệt hại đáng kể đến kinh tế UAE. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã tăng trở lại với 28,26 triệu USD năm 2014 và 32,7 triệu USD vào năm 2015 (Hình).
Hình: Kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang UAE giai đoạn 2015-2024
Đơn vị: triệu USD
![]() |
Nguồn: Tổng hợp từ Tổng cục Hải quan
Giai đoạn 2015-2017, giá trị xuất khẩu tăng khá ổn định nhưng với tốc độ chậm. Tới năm 2018, kim ngạch xuất khẩu có sự tăng trưởng mạnh mẽ, ấn tượng, đạt 43,4 triệu USD, tăng 16,1% so với năm 2017. Tuy nhiên, sang năm 2019, đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến thương mại toàn cầu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, quá trình vận chuyển hàng hóa khó khăn, nhất là đối với mặt hàng có tính đặc thù về độ tươi thì rau quả là ngành hàng chịu tác động đầu tiên. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang UAE vì thế đã sụt giảm đáng kể trong năm này. Phải tới năm 2020 và 2021, xuất khẩu rau quả sang UAE mới có dấu hiệu hồi phục, kim ngạch tăng trở lại đạt mức 42,1 triệu USD và 47,51 triệu USD.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả sang UAE tiếp tục tăng nhẹ đạt 49,6 triệu USD, tăng 4,4% so với năm trước đó. Năm 2023, thương mại trao đổi hai chiều giữa Việt Nam và UAE tiếp tục được mở rộng hơn, tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa rau quả của nước ta khai thác tốt hơn thị trường UAE. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang UAE trong năm này tăng 19,3, đạt 59,1 triệu USD.
Năm 2024, xuất khẩu rau quả sang UAE xác lập được đà tăng trưởng mới, đạt 79,12 triệu USD, tăng 33,87% so với năm trước đó. Năm 2024, UAE đã vượt lên đứng thứ 9 trong các thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam (Bảng).
Bảng: Xếp hạng các thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024
Xếp hạng | Thị trường | Kim ngạch xuất khẩu (triệu USD) |
1 | Trung Quốc | 4.632,05 |
2 | Mỹ | 360,98 |
3 | Hàn Quốc | 314,98 |
4 | Thái Lan | 278,17 |
5 | Nhật Bản | 203,29 |
6 | Đài Loan | 157,10 |
7 | Hà Lan | 111,81 |
8 | Australia | 111,20 |
9 | UAE | 79,12 |
10 | Nga | 70,23 |
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Các mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam sang UAE tương đối đa dạng, bao gồm các sản phẩm chủ yếu là rau củ tươi, trái cây tươi và đã sơ chế, củ đã qua chế biến, các chế phẩm từ trái cây, nước ép. Trong đó, trái cây có tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 80%. Nhiều loại trái cây nổi tiếng của Việt Nam như thanh long, vải, chôm chôm được đánh giá tốt về chất lượng tại thị trường này và có mức giá cao. Ngoài ra, các mặt hàng rau quả như dưa hấu, chanh không hạt của Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường UAE nói riêng, cũng như thị trường các nước Trung Đông và GCC (Hội đồng Hợp tác các nước Ả Rập vùng Vịnh) nói chung.
MỘT SỐ HẠN CHẾ TRONG XUẤT KHẨU RAU QUẢ CỦA VIỆT NAM VAO UAE
Hiện nay, mặt hàng rau quả của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường UAE. UAE đang nhập khẩu rau quả từ khoảng 20 quốc gia, chủ yếu là Iran, Ấn Độ, Mỹ, Úc, Philippines, Thái Lan, Việt Nam với các trái cây như táo, lê, cam và rau quả tươi. Iran là nhà cung cấp rau và trái cây tươi quan trọng nhất cho UAE. Ấn Độ là nước lớn thứ hai và Nam Phi là nước xuất khẩu rau quả lớn thứ ba. Ở châu Á, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nước ta trong thị trường rau quả xuất khẩu vào UAE là Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines. Mặc dù rau quả Việt Nam đã có mặt, thậm chí chiếm thị phần lớn tại UAE, tuy nhiên, đây là thị trường cạnh tranh khốc liệt về giá và chất lượng. Thái Lan và Philippines có thế mạnh về chủng loại rau và trái cây nhiệt đới, lại thêm chi phí sản xuất rẻ hơn của Ấn Độ, Trung Quốc. Một trong những thuận lợi của Trung Quốc và Philippines là chi phí vận chuyển sang UAE thấp hơn Việt Nam nên giá bán rẻ hơn mặt hàng cùng loại của nước ta. Người mua hàng ở UAE thường xuyên cập nhật giá cả và luôn muốn tối đa hóa lợi nhuận, do đó họ ưu tiên nhập khẩu từ người bán chào giá thấp hơn.
Trong khi đó, các mặt hàng rau quả đã qua chế biến của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng chậm, tỷ trọng xuất khẩu nhỏ. Về cơ cấu, chất lượng hàng hóa, mức độ chuyển dịch cơ cấu mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam sang UAE còn chậm. Chúng ta chủ yếu xuất khẩu rau quả tươi và sơ chế, nguyên liệu thô, mức độ chế biến chưa sâu, giá trị gia tăng thấp, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, chủ yếu nằm ở phân khúc thị trường giá trung bình và thấp. Giá trị xuất khẩu tập trung lớn vào các mặt hàng trái cây tươi đặc trưng vùng nhiệt đới. Trong khi nhu cầu với các sản phẩm rau quả hữu cơ trên thế giới và tại UAE ngày càng tăng mạnh, thì quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam tăng trưởng chậm. Các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam lại chưa chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, các quy định về chất lượng sản phẩm. Hệ thống công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm còn hạn chế, thiếu nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng. Chưa có sự liên kết chặt chẽ với nông dân trong quá trình sản xuất. Đó là chưa kể, để xuất khẩu rau quả sang UAE, các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo đáp ứng nhiều điền kiện khắt khe liên quan đến vệ sinh an toàn, chứng nhận Halal và các quy định về tem mác dán trên bao bì thực phẩm…
Về vận chuyển, bảo quản, do tính chất đặc thù, rau quả Việt Nam thường được xuất khẩu theo đường hàng không. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển bằng máy bay cao hơn làm tăng giá cả hàng hóa, giảm tính cạnh tranh với các mặt hàng rau quả của quốc gia khác.
GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU RAU QUẢ CỦA VIỆT NAM SANG UAE
Cuối tháng 10/2024, Việt Nam và UAE đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA). UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định CEPA có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam, trong đó có mặt hàng rau củ, tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu của ta sang thị trường này và từ đó sang các nước Trung Đông. Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang UAE. Để làm được điều này, cần có sự vào cuộc của cả phía Nhà nước và các doanh nghiệp:
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, trước tiên, cần đánh giá đúng tiềm năng thị trường UAE để thúc đẩy xuất khẩu rau quả của Việt Nam, giúp rau quả trở thành mặt hàng chủ lực tại thị trường này. Nhà nước cần tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển mạng lưới kết nối giữa doanh nghiệp hai nước. Các đoàn công tác thương mại, các sự kiện, hội chợ thương mại hàng hóa nông sản cần được tổ chức nhiều hơn để giúp hàng hóa rau quả chất lượng của Việt Nam được giới thiệu tới người tiêu dùng UAE. Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao có thể phối hợp với các hiệp hội ngành nghề, tổ chức xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả lớn… để tổ chức các hoạt động này.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, người nông dân nâng cao chất lượng rau quả, đáp ứng tiêu chuẩn của UAE trong nhập khẩu. Nhà nước có thể hỗ trợ bằng ưu đãi vốn đầu tư, ưu đãi thuế, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật sản xuất, cải tiến quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ mới. Đây là yếu tố quan trọng để giúp các doanh nghiệp, người nông dân sản xuất rau quả giảm chi phí và rủi ro. UAE đang chuyển mình mạnh mẽ với các kế hoạch phát triển bền vững và hướng tới nền kinh tế số, do đó các sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường sẽ có tiềm năng lớn trong thời gian tới. Vì vậy, Việt Nam cần hướng tới xây dựng các chiến lược thương mại dài hạn và linh hoạt, tập trung phát triển các sản phẩm nông sản chế biến có chứng nhận hữu cơ.
Cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tập trung phát triển hạ tầng logistics và nâng cao hiệu quả hệ thống vận chuyển, kho bãi và thông quan. Điều này không chỉ giúp tăng cường kết nối giữa các cảng biển, sân bay và các trung tâm logistics, mà còn giúp cải thiện hiệu quả của toàn bộ chuỗi cung ứng xuất khẩu, giúp hàng hóa rau quả đến UAE kịp thời, chất lượng đảm bảo và giảm chi phí vận chuyển.
Đối với các doanh nghiệp, dù nhu cầu nhập khẩu rau quả của UAE lớn, nhưng thị trường này đòi hỏi chất lượng cao và tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt, nên quan trọng nhất là phải tăng chất lượng rau quả xuất khẩu. Rau quả không chỉ phải đảm bảo tính an toàn và vệ sinh, mà còn đáp ứng các yêu cầu đặc thù của thị trường như chứng nhận chất lượng, tiêu chuẩn môi trường và các yêu cầu về bao bì. Doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng xu hướng tiêu dùng rau quả tại UAE để phát triển, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao.
Phát triển các hoạt động marketing cũng là giải pháp cần được chú trọng. Các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu cho mặt hàng rau quả, tăng cường các hoạt động marketing khác để tăng độ nhận diện thương hiệu. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế, kết nối với các đối tác thương mại, các doanh nghiệp phân phối rau quả lớn tại UAE. Chất lượng rau quả phụ thuộc lớn vào thời gian vận chuyển, nên các doanh nghiệp cần cải thiện thời gian giao hàng và giảm chi phí logistics. Cần tối ưu hóa các kênh phân phối rau quả tới tay người tiêu dùng UAE.
Doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ lưỡng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tận dụng tối đa. Đặc biệt, CEPA sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận các ưu đãi thuế quan, giảm chi phí xuất khẩu và gia tăng sức cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Cuối cùng, các doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, có kiến thức về thị trường quốc tế, am hiểu văn hóa và nhu cầu tiêu dùng rau quả của khách hàng tại UAE. Từ đó, các doanh nghiệp có thể nâng cao khả năng giao tiếp, đàm phán và xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các nhà nhập khẩu rau quả tại quốc gia này./.
Bài viết là một phần kết quả nghiên cứu của Đề tài Khoa học cấp Bộ “Cục diện Trung Đông và Châu Phi đến năm 2030, tầm nhìn đến giữa thế kỷ 21, tác động đối với cục diện và trật tự thế giới” thuộc Chương trình cấp Bộ “Nghiên cứu cục diện thế giới đến năm 2030 phục vụ mục tiêu hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn mới” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2023), Báo cáo ngành nông nghiệp Việt Nam 2022.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2024), Báo cáo ngành nông nghiệp Việt Nam 2023.
3. Mordorintelligence (2024), Báo cáo thị trường nông sản UAE.
4. Tổng cục Hải quan (2011-2025), Báo cáo xuất nhập khẩu của Việt Nam các năm từ 2010 đến 2024.
5. Trung tâm WTO và Hội nhập (2022), Sổ tay những điều cần biết về các FTA của Việt Nam.
6. Vụ Thị trường châu Á, châu Phi - Bộ Công Thương (2023), Cẩm nang thị trường UAE.
Ngày nhận bài: 16/01/2025; Ngày phản biện: 22/02/2025; Ngày duyệt đăng: 12/3/2025 |
Bình luận