Giải quyết tình trạng ATTP: Cần quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành
Tại buổi làm việc Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo tóm tắt của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
Theo đó, trong thời gian qua, hệ thống văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm được ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện đã tạo hành lang pháp lý tương đối thuận lợi cho công tác quản lý an toàn thực phẩm; công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp về an toàn thực phẩm đã được tăng cường. Công tác quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có chuyển biến tích cực, hình thành một số vùng sản xuất kinh doanh rau, quả tươi sống, chăn nuôi an toàn, giết mổ tập trung; số lượng cơ sở đủ điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn tăng đáng kể; một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm với công nghệ cao theo chuỗi khép kín; việc kiểm soát các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm có tiến bộ.
Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, đó là, hệ thống văn bản ban hành chưa được hệ thống hóa, một số quy định còn chưa phù hợp với thực tế, chưa rõ ràng, còn thiếu cụ thể về phân công chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành và địa phương; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý thực phẩm còn thiếu. Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và cơ chế phối hợp của Chính phủ, các Bộ ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp chưa theo kịp với tình hình thực tế, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước an toàn thực phẩm còn hạn chế…
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lê Thị Yến tỉnh Phú Thọ nêu lên trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm gồm 3 cơ quan. Tuy nhiên, một số quyết định phân công trách nhiệm còn chồng chéo, không rõ ai chủ trì, ai chịu trách nhiệm đến cùng khi xảy ra các vụ việc. “Chính phủ cần nghiên cứu tập trung thống nhất về một Bộ, một đầu mối, một cơ quan chịu trách nhiệm chứ không phải 3 Bộ như hiện nay”, đại biểu Yến bày tỏ.
Nhằm khắc phục những tồn tại về công tác an toàn thực phẩm, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh tỉnh Bình Phước đề nghị Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật khắc phục sự chồng chéo bất cập không khả thi của các văn bản, phải khẩn trương rà soát sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước các cấp, phân định rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo, thực hiện nghiêm quy định, thông tư hướng dẫn của Chính phủ trong việc xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm đối với các cấp từ tỉnh cho đến cấp xã, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại địa phương, phát huy tốt vai trò hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành các cấp trong việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm.
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm
Để nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, Đại biểu Âu Thị Mai tỉnh Tuyên Quang đề nghị cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cơ sở và sự tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Đại biểu cũng đề xuất, Quốc hội, Chính phủ sớm nghiên cứu, chỉnh sửa rà soát hệ thống văn bản, pháp luật có liên quan từ khâu sản xuất, chế biến đến tình hình thực tế, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý an toàn thực phẩm.. Các ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, kiên quyết xử lý đối với đối tượng vi phạm, tạo động lực khuyến khích cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn tỉnh Lai Châu đề nghị cần phải khẩn trương tổng kết mô hình quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trên cơ sở đó sớm quyết định đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước về an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo phân định rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Đồng thời, xây dựng chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Duy trì thường xuyên, thực chất công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm cũng như cá nhân bao che, dung túng cho thực phẩm bẩn. Ngoài ra, tập trung ưu tiên giải quyết các vấn đề bức xúc an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân; kiểm soát sử dụng chất cấm trong sản xuất; quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung... Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí ngân sách hàng năm cũng như bố trí sử dụng 100% nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyền thông về thay đổi hành vi trong sản xuất kinh doanh tiêu dùng thực phẩm, sử dụng hóa chất không được phép sử dụng, sử dụng quá mức cho phép các loại hóa chất khác trong sản xuất chế biến, chất kích thích tăng trưởng. Ngoài việc đưa tin minh bạch về các sản phẩm không đảm bảo chất lượng để người dân biết né tránh cần quan tâm tuyên truyền thông tin về các sản phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các mô hình sản xuất an toàn nhằm làm cầu nối để người tiêu dùng được lựa chọn.
Đẩy mạnh hoạt động công tác thanh tra kiểm soát chặt chẽ việc kiểm soát kinh doanh hóa chất, bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp đảm bảo sử dụng đúng chất lượng, đúng chủng loại, liều lượng, thời gian cách ly của các loại vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi. Chỉ đạo các địa phương đơn vị tích cực hình thành và phát triển vùng nguyên liệu sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn. Vận động phát triển mô hình liên kết hợp tác xã, tổ hợp tác, các điểm mua bán, siêu thị, chợ, nơi dân cư tập trung nhằm đảm bảo kênh phân phối tạo thói quen cho người dân tiêu dùng sản phẩm sạch thường xuyên để người dân, người sản xuất, sản phẩm sạch an tâm có nơi để tiêu thụ.
Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, việc báo cáo của Đoàn giám sát đưa ra 9 nhóm tồn tại trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cho thấy tồn tại nhiều hơn kết quả đạt được. Điều này cho thấy rõ trách nhiệm quản lý từ cơ quan trung ương, cấp bộ ngành, tới cấp tỉnh, doanh nghiệp, chủ hộ sản xuất…
Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những đơn vị tham gia trực tiếp quản lý, bản thân lãnh đạo Bộ từ Bộ trưởng, Thứ trưởng đến các đơn vị tiếp thu ngay những vấn đề bất cập của ngành và sẽ tập trung chỉnh sửa ngay.
Thời gian tới, Bộ sẽ tổ chức ra soát cơ quan, tổ chức của mình để thực thi pháp luật từ trung ương hướng đến các địa phương và tăng cường phối hợp liên ngành cũng như phối hợp với địa phương để cố gắng thực hiện tốt nhất trách nhiệm phân công góp phần xây dựng một nền sản xuất, cũng như nền chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn, sạch để phục vụ nhân dân và phục vụ nền sản xuất hàng hóa trong hội nhập.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, nói về quy định trách nhiệm các bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng rất khó có thể tổ chức được một cơ quan thuộc Chính phủ hay một bộ. “Bởi vì ngay chúng ta đã thấy các nhóm hàng rất khó, Bộ Nông nghiệp bây giờ lo về nuôi trồng thì làm sao quản được về thực phẩm chức năng của Bộ Y tế. Vì vậy, cho nên ở các nước đều phải có một cơ chế, cơ bản phải giao nhiệm vụ cho từng việc chính một, cho từng bộ, ngành và có một có chế điều phối chung” Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.
Bình luận