Giảm 10%-20% phí đường bộ đối với một số loại phương tiện
Cụ thể là, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý giảm 10%-15% mức thu đối với phương tiện nhóm 4 (xe có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) và nhóm 5 (xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet) của các trạm (29 trạm) có mức thu tối đa khung tại Thông tư 159.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý giảm 10%-20% mức phí đối với phương tiện nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt), nhóm 2 (xe từ 12-30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) của 5 trạm có mức thu phí cao nhất nói trên để bảo đảm tương đồng với các trạm thu phí khác.
Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải rà soát các dự án BOT đã ký kết để đàm phán, thống nhất với các nhà đầu tư về việc điều chỉnh mức phí, lộ trình thực hiện đối với từng dự án BOT; trên cơ sở đó đề nghị Bộ Tài chính kịp thời ban hành Thông tư điều chỉnh mức phí phù hợp. Thông tư này được ban hành và có hiệu lực ngay, thực hiện vào ngày đầu tháng, đầu quý đảm bảo thuận tiện cho việc sử dụng vé tháng, vé quý đã mua.
Về lộ trình tăng phí, Phó Thủ tướng đề nghị tạm dừng không tăng phí trong năm 2016 với các trạm thu phí hoạt động trước năm 2014, không bổ sung dự án mới nhưng có lộ trình tăng phí trong năm nay.
Căn cứ vào nguyên tắc điều chỉnh giảm phí và kiến nghị của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý không điều chỉnh giảm mức thu với các trạm thu phí trên quốc lộ có mức thu theo Thông tư số 90/2004/TT-BTC vì mức thu các trạm này thấp.
Với các trạm hoạt động trước năm 2014, nhà đầu tư thực hiện đầu tư thêm dự án mới hoặc đầu tư mở rộng, kéo dài phạm vi dự án tại hợp đồng BOT đã cam kết mức thu phí cao hơn mức đang thu thì cho phép điều chỉnh mức thu, vì bản chất là các dự án mới vẫn sử dụng và kết hợp trạm thu phí cũ. Nếu mức thu phí cao hơn mức thu dự kiến điều chỉnh giảm thì Bộ Giao thông Vận tải làm việc với nhà đầu tư điều chỉnh giảm phí theo nguyên tắc trên.
Đối với trạm thu phí thuộc thẩm quyền HĐND cấp tỉnh ban hành mức thu phí, Phó Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh rà soát không tăng phí trong năm 2016, đồng thời thực hiện giảm phí theo những nguyên tắc trên, báo cáo HĐND tỉnh điều chỉnh mức phí theo thẩm quyền.
Đối với dự án sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng và thu phí thì tiếp tục ban hành thông tư quy định thu phí hoàn vốn dự án. Nếu mức thu phí theo hợp đồng BOT cao hơn mức thu được điều chỉnh thì Bộ Giao thông Vận tải làm việc với nhà đầu tư điều chỉnh giảm phí.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ về nguyên tắc, việc đầu tư, mức phí, thời gian thu phí của các dự án BOT phải thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, các quy định pháp luật về giá, phí; bảo đảm công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành rà soát các dự án giao thông BOT, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án giảm phí và lộ trình thực hiện như trên.
Hiện nay, cả nước có 86 trạm thu phí BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, trong đó đã có 45 trạm đang thu phí, với 16 trạm thu theo mức Thông tư số 90/2004/TT-BTC và 29 trạm thu theo mức của Thông tư 159/2013/TT-BTC. Trong 45 trạm nói trên có 5 trạm áp dụng mức thu cao nhất, gồm 2 trạm trên Quốc lộ 5, 2 trạm thu phí Quốc lộ 1 tại cầu Bến Thủy (tỉnh Nghệ An) và trạm Cầu Gianh (tỉnh Quảng Bình). |
Bình luận