Giảm lãi suất cho vay: Giờ G đã điểm!
Nhiều cơ sở để giảm lãi suất cho vay
Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III mới công bố hôm nay (ngày 11/10/2016) của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, vốn huy động tiếp tục tăng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại thời điểm 20/09/2016 đã tăng 12,02% so với cuối năm 2015. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức 8,9% cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ước tính đạt 10,5%, giảm nhẹ so với năm 2015.
Sức ép từ cầu tín dụng không còn, huy động vốn dồi dào đã giúp mặt bằng lãi suất trong nước giảm dần trong quý III. Thực tế, lãi suất bình quân liên ngân hàng, cả qua đêm và một tuần, đều giảm liên tục trong ba tháng vừa qua. Lãi suất kỳ hạn một tuần giảm dần từ mức trung bình 1,6% trong tháng Sáu xuống lần lượt 1,35% - 1,01% - 0,54% trong ba tháng tiếp theo.
Đặc biệt, nguồn huy động dồi dào đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại lớn hạ lãi suất huy động, sau một thời gian dài giữ ở mức kịch trần. Đến cuối tháng 09/2016, một số “ông lớn” thuộc khối ngân hàng nhà nước như như Vietcombank, Vietinbank và BIDV… đã đồng loạt điều chỉnh giảm các mức lãi suất kỳ hạn dưới 1 năm. Cụ thể, Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng giảm lần lượt 0,2 và 0,3 điểm phần trăm xuống mức 4,8% và 5,3%. BIDV và Vietinbank có mức giảm mạnh hơn, từ 0,3 - 0,7 điểm phần trăm đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 1 năm.
Trong bối cảnh đó, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận định, đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.
TS. Nguyễn Đức Thành kỳ vọng, bên cạnh các nỗ lực hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh của nhà nước hiện nay. Việc cắt giảm lãi suất sẽ góp phần tạo “cú huých” cho doanh tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh doanh, sản xuất trong những quý tiếp theo, nhằm góp phần tạo đà tăng trưởng trở lại cho nên nền kinh tế vững chắc hơn.
Thận trọng” trong điều chỉnh chính sách tiền tệ
Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách khuyến nghị, các cơ quan hoạch định chính sách cần cẩn trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Cần linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong quý III và đầu năm 2017, trong trường hợp có thể gây rủi ro lạm phát.
Mặc dù, lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm là không thể tránh khỏi, khi giá dịch vụ y tế mới được điều chỉnh tại 16 tỉnh thành trong quý III. Giá năng lượng hồi phục trong khi giá lương thực thế giới vẫn là một ẩn số có thể tạo áp lực lên mặt bằng giá trong nước. Trong khi đó, cung tiền vẫn đang được điều chỉnh tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2015. Những yếu tố này khiến lạm phát hoàn toàn có khả năng chạm mức mục tiêu 5% mà Quốc hội đã đặt ra.
Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, dù người dân không quan tâm đến chỉ số tăng trưởng nhưng lạm phát thì họ cảm nhận được ngay. Do vậy, cần phải giữ vững mục tiêu kiềm chế lạm phát nếu không sẽ mất lòng tin vào thị trường. Cho nên, chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,0% trong năm 2016 để kiềm chế lạm phát, đây là mục tiêu rất quan trọng hơn cả.
Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cũng nhận định, đó là vấn đề đáng quan ngại, nếu ngân hàng nhà nước “ép” tăng trưởng tín dụng, tung tiền nhiều trong quý IV để giúp tăng trưởng sẽ làm xáo trộn thị trường, ảnh hưởng lạm phát, và khiến lạm phát “leo thang”. Trước đó, đây là biện pháp được sử dụng, tuy nhiên biện pháp này không bền vững và không đạt hiệu quả cao./.
Bình luận