Hiểu đúng về con số 22 tỷ USD vốn ODA chưa được giải ngân?
Ngành Giao thông - Vận tải dù được đánh giá là đơn vị có mức giải ngân ODA cao, đạt hơn 80% kế hoạch trong năm 2015, song vẫn còn nhiều dự án lớn chưa đạt yêu cầu
Gần đây, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) mới công bố một báo cáo cho thấy, 5 năm qua Việt Nam đã giải ngân được 27,8 tỷ USD vốn vay ODA, gấp 3,5 lần giai đoạn 2001-2005. Lãi suất vay ODA là khoảng 1,7%/năm, kỳ hạn trung bình là 12,3%/năm.
Điều đáng lưu ý là, báo cáo cho biết, tính đến hết năm 2015, vốn ODA đã ký, nhưng chưa giải ngân hiện còn khoảng 22 tỷ USD.
Ngành Giao thông - Vận tải dù được đánh giá là đơn vị có mức giải ngân ODA cao, đạt hơn 80% kế hoạch trong năm 2015, song vẫn còn nhiều dự án lớn chưa đạt yêu cầu, như: Dự án đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội - tuyến số 1, dự án xây dựng cầu cạn - đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ...
Tại Hải Phòng, một số dự án có vốn đăng ký hàng trăm tỷ đồng/năm, nhưng giá trị giải ngân chỉ đạt khoảng 30%, thậm chí chưa tới 10% số vốn đăng ký.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn phải trả phí 0,33%/năm.
Dự kiến, đến tháng 07/2017 Việt Nam sẽ không còn được vay vốn ODA khi các đối tác chuyển sang các nguồn ưu đãi thấp hơn và tiến tới cho vay theo điều kiện thị trường. Điều đó đồng nghĩa với nguồn vốn ODA đã vay cũng sẽ chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi, hoặc tăng lãi suất lên 2-3,5%/năm.
Điều này dấy lên lo ngại, nếu không đẩy nhanh việc giải ngân 22 tỷ USD vốn vay ODA, áp lực gia tăng nợ công sẽ rất lớn, cả về thời gian và lãi suất.
Đã vậy, theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nếu tình hình giải ngân không được cải thiện thì hàng năm Việt Nam sẽ mất khoảng 100 triệu USD chi phí cơ hội
Về vấn đề này, ngày 2/6, Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tổng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được giải ngân lũy kế đến tháng 5/2016 đạt khoảng 71% tổng vốn ODA ký kết.
“Hiện còn khoảng 22 tỷ USD đã ký kết đang trong quá trình thực hiện, trong đó có 2,15 tỷ USD phải giải ngân trước năm 2016, còn lại là những dự án đã có kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến năm 2020 và nhiều dự án sau năm 2020”, Người phát ngôn của Chính phủ cung cấp thông tin.
Lý giải rõ hơn về con số này, tại hội thảo Góp ý dự thảo thông tư quy định về quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ diễn ra sáng 03/06, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Hoàng Hải cho biết, luôn có sự chênh lệch đáng kể giữa con số cam kết của các nhà tài trợ và khoản giải ngân thực tế.
Ông Hải khẳng định, vốn đối ứng chỉ là vấn đề với những dự án đã và đang triển khai, còn thực tế khoản 22 tỷ USD chỉ là vốn cam kết. Vì thế, việc cho rằng, thiếu vốn đối ứng là nguyên nhân khiến 22 tỷ USD vốn ODA bị “treo” chưa giải ngân được là không chính xác.
Ông Hải cho biết, quá trình này phải trải qua các bước như đàm phán với nhà tài trợ để xem các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nào, ở đâu, cam kết căn cứ vào điều kiện thực tế ra sao rồi mới tiến hành ký kết.
Cam kết về tiến độ giải ngân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA phải thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ đã cam kết trong hiệp định, bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả.
Trước đó, tại cuộc họp về tình hình chuẩn bị và phê duyệt các chương trình, dự án sử dụng vốn phân bổ trong Kỳ IDA 17 của Ngân hàng Thế giới (WB) và các dự án ODA còn lại của các nhà tài trợ trong tài khóa 2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan quản lý tổng hợp và các cơ quan liên quan phải “tập trung chỉ đạo, hoàn tất thủ tục” theo quy định để tiếp nhận được toàn bộ và kịp thời nguồn vốn IDA đã phân bổ cho Việt Nam, đồng thời có giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Kỳ IDA 17 là kỳ cuối cùng WB phân bổ vốn IDA (nguồn vốn vay ưu đãi của Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc WB) cho Việt Nam giai đoạn 2014-2017, sau đó Việt Nam có thể phải chuyển sang vay nguồn vốn vay ưu đãi./.
Bình luận