Hỏi chuyện Công ty quản lý quỹ xuất sắc nhất thập kỷ
Trang web của Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) thông tin về việc VCBF đạt danh vị quản lý tài sản xuất sắc nhất thập kỷ tại Việt Nam năm 2020. Việc bình chọn này căn cứ theo tiêu chí nào, thưa ông? Xin ông chia sẻ cụ thể về hiệu quả hoạt động của các quỹ VCBF đang quản lý?
Năm 2020, chúng tôi rất vinh dự khi được các tạp chí quốc tế trao các giải thưởng công ty quản lý quỹ tốt hàng đầu Việt Nam, trong đó đặc biệt có Tạp chí Global Banking and Finance Review trao giải “Công ty quản lý tài sản xuất sắc nhất thập kỷ” cho VCBF. Các giải thưởng này được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí khắt khe bao gồm: hoạt động với tôn chỉ đặt lợi ích của nhà đầu tư lên hàng đầu; đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn cao; đạo đức nghề nghiệp và giàu kinh nghiệm (tính theo tổng số năm kinh nghiệm hoạt động trên thị trường); chiến lược đầu tư hiệu quả; đem lại nhiều lợi ích dài hạn cho nhà đầu tư, tầm ảnh hưởng lớn, nhiều khách hàng lớn; uy tín và minh bạch trong hoạt động.
Ông Bùi Sỹ Tân tin rằng, VCBF đủ tiềm năng quản lý quỹ hưu trí tư nhân trên nền tảng Tập đoàn mẹ là Fraklin Templeton, có trên 70 năm kinh nghiệm trong ngành quỹ
VCBF được đánh giá rất cao khi là chúng tôi có sự kết hợp giữa lợi thế địa phương của Vietcombank - Ngân hàng hàng đầu Việt Nam và năng lực toàn cầu của Franklin Templeton Investments - một trong những tập đoàn quản lý quỹ hàng đầu thế giới với hơn 70 năm kinh nghiệm quản lý tài sản. Để có thể quản lý tài sản cho nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước, cũng như đầu tư chứng khoán hiệu quả cho hơn 3.000 khách hàng cá nhân trên toàn quốc, VCBF áp dụng nhất quán phương pháp đầu tư hiệu quả tiếp thu từ Tập đoàn mẹ Franklin Templeton Investments. Đặc biệt, VCBF luôn nỗ lực đem lại sự tăng trưởng tài sản cho nhà đầu tư trong hơn 15 năm hoạt động.
Về hiệu quả hoạt động thực tế, năm 2020, các quỹ mở của VCBF ghi nhận kết quả rất tốt, Cụ thể, Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu VCBF (BCF) đã ghi nhận lợi nhuận 16,7% trong năm 2020 và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, Quỹ vẫn đạt được lợi nhuận trung bình là 12,7%/năm kể từ khi Quỹ thành lập ngày 22/8/2014 tính đến 31/12/2020, tức là gấp 2 lần lãi suất tiết kiệm 1 năm. Quỹ Đầu tư Cân bằng Chiến lược VCBF (TBF) đạt lợi nhuận 8,2% trong năm 2020 và trung bình là 11,4% mỗi năm, kể từ khi thành lập ngày 24/12/2013 tính đến 31/12/2020.
Bên cạnh các quỹ đang quản lý, Công ty có dự định lập quỹ ETF trong năm 2021 để đón xu thế ngày càng nhiều nhà đầu tư chọn rót vốn vào loại hình quỹ thụ động không?
Xác định Việt Nam là một thị trường đang phát triển với quy mô vừa phải, chúng tôi tập chung chủ yếu vào chiến lược đầu tư dài hạn và chủ động với các danh mục đầu tư được xây dựng dựa trên các phân tích kỹ lưỡng về từng doanh nghiệp và kết hợp với tình hình kinh tế vĩ mô. Với chiến lược này VCBF có thể chọn ra các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng vượt trội trong dài hạn nhằm đem lại lợi nhuận cao trong dài hạn cho nhà đầu tư cũng như tăng trưởng cao hơn thị trường.
Do vậy, trong năm 2021, chúng tôi sẽ ưu tiên thành lập thêm một số quỹ mới nhằm đem lại lợi nhuận cao cũng như sự an nhàn tài chính cho khách hàng đầu tư sớm. Sau đó, đồng hành cùng sự phát triển về quy mô thị trường, chúng tôi tính tới việc thành lập quỹ ETF trong 1 đến 2 năm tới.
Cơ quan quản lý cho biết, nền tảng pháp lý để ra đời và vận hành quỹ hưu trí đã có đủ. VCBF có kế hoạch phát triển loại hình quỹ hưu trí không?
Theo nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc của Việt Nam sẽ cạn kiệt vào năm 2027 trong khi tỉ lệ người trên 60 tuổi (bắt đầu được hưởng lương hưu) hiện chiếm dưới 10%, nhưng sẽ tăng lên trên 20% sau 20 năm nữa và trên 30% sau 50 năm nữa. Tuổi thọ trung bình ngày càng tăng, trong khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi nghỉ hưu giữ nguyên, thời gian hưởng lương kéo dài tạo ra nguy cơ thiếu hụt ngân sách để chi trả trong tương lai là hoàn toàn có thể dự báo. Vì thế, Quỹ hưu trí ra đời là rất cần thiết cho người lao động Việt Nam chúng ta.
Với chúng tôi, Quỹ hưu trí là thế mạnh riêng có trong hơn 70 năm hoạt động của Fraklin Templeton - một trong hai tập đoàn mẹ của VCBF và là tôn chỉ phát triển dài hạn của chúng tôi.
Do vậy, chúng tôi tin tưởng rằng, VCBF đủ tiềm năng để quản lý các quỹ hưu trí tư nhân một cách sớm nhất và tốt nhất tại Việt Nam. Vì thế, chúng tôi cũng đang chuẩn bị để ra đời loại hình Quỹ hưu trí sớm nhất có thể.
Tính đến cuối năm 2020, ngành quản lý quỹ có tổng tài sản đang quản lý là 435.000 tỷ đồng. Tại VCBF, Công ty cho biết đang quản lý tài sản khoảng 110 triệu USD. Xin ông đánh giá về tiềm năng phát triển của hoạt động quản lý tài sản và Công ty có định hướng gì để phát triển mảng này?
Với hơn 15 năm hoạt động đầu tư tại Việt Nam, VCBF luôn nhận được sự tín nhiệm ủy thác đầu tư của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Hiện tại chúng tôi tiếp tục chú trọng phát triển hoạt động này do nhu cầu ngày càng tăng thêm.
Ngành quản lý quỹ vốn có nhiều đặc thù, trong đó, VCBF tập trung và phân khúc quản lý quỹ chủ động, toàn quyền quyết định việc đầu tư, hướng tới cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Chúng tôi ước tính thị phần trong mảng này của VCBF là khoảng 15%, bao gồm cả khách hàng tổ chức và khách hàng cá nhân giàu có.
Theo đánh giá của chúng tôi, phân khúc này sẽ ngày càng tăng lên mạnh mẽ. Tính theo số tương đối, thị trường quản lý tài sản hiện tại của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,15% GDP và ước tính sẽ tăng lên khoảng 8-10% GDP trong vòng 1-2 thập kỷ tới, tức là tăng lên 50 lần để đương đương với tỷ lệ bình quân trên GDP như các nước khu vực.
Các quỹ mở của VCBF ghi nhận lợi nhuận trung bình/năm gấp khoảng 2 lần lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 năm
Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam và TTCK Việt Nam được đánh giá có sức chống chịu và tăng trưởng trong TOP 10 thế giới. Sang năm 2021, nền kinh tế Việt Nam có nhiều yếu tố tích cực, nhưng đại dịch Covid vẫn đang hoành hành, ông dự liệu như thế nào về bức tranh TTCK, thưa ông?
VCBF kỳ vọng, TTCK Việt Nam năm 2021 sẽ phát triển ổn định nhờ có nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực như mức tăng trưởng GDP trong năm 2021 đạt 6-7%, mặt bằng lãi suất nhiều khả năng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế trước các bất ổn gây ra bởi dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ thị trường cận biên của MSCI có thể tăng mạnh nhờ việc Kuwait vừa được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Chúng tôi dự báo dòng vốn nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam sẽ gia tăng nhiều do các yếu tố. Thứ nhất là triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực của Việt Nam trong trung và dài hạn. Thứ hai là mặt bằng lãi suất thấp trên toàn thế giới, cùng với các gói nới lỏng định lượng QE tiếp tục thúc đẩy dòng vốn đầu tư toàn cầu. Thứ ba là với tân Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, những căng thẳng địa chính trị giữa các quốc gia sẽ giảm bớt nhờ đó giúp ổn định tâm lý của nhà đầu tư toàn cầu.
VCBF cũng kỳ vọng khi Luật Chứng khoán mới có hiệu lực, khung khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành và niêm yết trái phiếu doanh nghiệp sẽ hoàn thiện hơn, theo đó khuyến khích các doanh nghiệp phát hành và đặc biệt là niêm yết trái phiếu, tạo thêm nhiều cơ hội đầu tư cho các quỹ mở trái phiếu.
Chúng ta còn phải xem xét mức độ biến thể của dịch Covid 19 cũng như hiệu quả của vắc-xin để có thể dự đoán mức độ ảnh hưởng của dịch này đến kinh tế thế giới 2021. Tuy nhiên TTCK luôn có nhiều câu chuyện bất ngờ thú vị. Chẳng hạn, năm 2019 đánh dấu một năm thành công của nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP đạt 7,02% nhưng TTCK Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn. Còn năm vừa qua, trong đại dịch Covid-19, tăng trưởng GDP của nước ta chỉ ở mức 2,91%, thấp nhất trong 10 năm qua thì TTCK Việt Nam lại tăng mạnh 14,86%.
Dù thị trường như thế nào, VCBF cũng luôn đồng hành để đem lại những giá trị tốt đẹp nhất cho nhà đầu tư. Chúng tôi mong rằng, nhà đầu tư sẽ thắng lợi trong năm 2021 như đã từng thắng lợi trong năm 2020 vừa qua./.
Bình luận