IFC: Việt Nam nên thành lập Cục Quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới
Chiều ngày 09/7/2018, IFC và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Một số khuyến nghị về Chiến lược và Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới 2020-2030.
Tại Hội thảo, các đơn vị tổ chức đã giới thiệu Báo cáo Các khuyến nghị về Chiến lược FDI Thế hệ mới của Việt Nam.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng (giữa) chủ trì Hội thảo
Dòng vốn FDI tăng gần 1.000% trong 10 năm qua
Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng trong thu hút FDI. Dòng vốn FDI tăng gần 1.000% trong 10 năm qua.
Cụ thể, năm 2016, Việt Nam vượt qua tất cả các thành viên ASEAN khác,trừ Singapore về thu hút FDI. Nếu xét theo tỷ trọng GDP bình quân đầu người, Việt Nam vượt cả Trung Quốc và Ấn Độ về thu hút FDI (và tất cả các thành viên ASEAN lớn trừ Malaysia).
Lượng vốn FDI vào Việt Nam trong mấy năm gần đây tăng nhanh. Tính đến cuối năm 2016, thu hút đầu tư được phản ánh qua nguồn vốn của hơn 25.000 dự án FDI được đăng ký.
Khoảng một phần ba lượng vốn này được đăng ký trong 5 năm gần đây (2012-2016).
Các dự án FDI ở Việt Nam đã mở rộng độ phủ tới 51 tỉnh, thành vào năm 2016.
Càng ấn tượng hơn khi Tạp chí FDI Intelligence xếp hạng, Việt Nam ở vị trí đứng đầu trong số 14 thị trường mới nổi trong hai năm liên tiếp về thu hút mới đầu tư nước ngoài nếu xét theo quy mô nền kinh tế.
2017 tiếp tục là một năm kỷ lục về thu hút FDI của Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 12 năm 2017, vốn đăng ký FDI ở Việt Namđã tăng gần gấp đôi trong 4 năm qua, từ 20 tỷ USD năm 2014 lên gần 36 tỷ USD năm 2017, tăng 44% so với năm 2016.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, vốn FDI giải ngân trong năm 2017 là 17,5 tỷ USD - một con số kỷ lục.
Theo ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, khu vực FDI hiện đóng góp 55% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% kinh ngạch xuất khẩu, 18% nguồn thu thuế, và tạo ra 3,7 triệu việc làm.
Những đóng góp của FDI tại Việt Nam như tạo ra phương thức thu hút đầu tư lớn, góp phần quan trọng vào xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ...
Còn hiện hữu những điểm yếu
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, dù nguồn vốn FDI đóng góp tích cực với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhưng còn hạn chế, chưa có sự bứt phá so với các nguồn vốn khác, về số lượng và chất lượng.
Mục tiêu thu hút các dự án công nghệ cao nguồn chưa đáp ứng kỳ vọng. Sự lan toả với dự án trong nước và tạo thêm giá trị gia tăng còn hạn chế.
Làm rõ hơn những nhận định ban đầu của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Cục trưởng Nguyễn Nội đã chỉ rõ 5 điểm yếu hiện hữu trong thu hút FDI của Việt Nam.
Đó là các dự án FDI công nghệ cao, có khả năng mang lại giá trị gia tăngchỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ và chưa thu hút được công nghệ nguồn.
Thứ nữa, Việt Nam cũng chưa tạo ra được đột phá trong công tác xúc tiến và sử dụng nguồn vốn FDI, khi so sánh với các quốc gia ASEAN khác.
Hiệu ứng lan toả từ khu vực FDI sang các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế.
Do yếu kém trong quá trình chuẩn bị và lập kế hoạch, khu vực FDI có thể có hiệu ứng “chèn lấn” đối với doanh nghiệp trong nước.
Cùng với đó, quản lý nhà nước đối với FDI còn tồn tại nhiều vấn đề (về kế hoạch xúc tiến FDI, quản lý môi trường, chuyển giá và các vấn đề lao động).
Báo cáo Các Khuyến nghị về Chiến lược và Định hướng thu hút FDI Thế hệ mới 2020-2030 của Việt Nam được IFC và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu hôm nay đã chỉ rõ, Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào chính sách miễn, giảm thuế có thời hạn, cũng như các chế độ thuế suất ưu đãi và miễn thuế nhập khẩu.
Cơ chế ưu đãi này tuy đã tạo thuận lợi cho hoạt động “đầu tư thế hệ một”, khi mà nhiều nhà đầu tư cho biết chính sách ưu đãi và chi phí nhân công thấp là những lý do chính để họ đầu tư, nhưng cơ chế này lại chưa phù hợp để thu hút FDI mang tính đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ tiên tiến.
Không nên đặt mục tiêu hàm lượng nội địa hóa 100%
Ông Wim Douw, Chuyên gia trưởng lĩnh vực tư nhân, Tổ chức Tài chính quốc tế cho rằng, chúng ta đang sống trong thế giới biến động thay đổi nhanh chóng, với những diễn tiến bất ngờ xảy ra.
“Việc sử dụng nhà cung cấp ở trong nước được ưu tiên hơn, nhưng mục tiêu cao nhất phải nhận ra được là cái giá trị được tạo ra ở đâu, việc làm được tạo ra ở đâu? Không đặt nặng tính dân tộc của các nhà cung ứng; cũng không nhất thiết là các doanh nghiệp đó là người Việt Nam, mà quan trọng sản phẩm được tạo ra ở Việt Nam, giá trị gia tăng được tạo ra ở Việt Nam nhiều nhất”, ông Wim Douw nêu quan điểm.
Một điểm đáng lưu ý được ông Wim Douw nhấn mạnh, đó là không nên đặt mục tiêu hàm lượng nội địa hoá 100%.
Bởi “những nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm hiệu suất cao hơn với những sản phẩm đạt chuẩn có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Để đưa thành phẩm ra nước ngoài, họ không được thoả hiệp với sản phẩm sản xuất trong nước”, ông Wim Douw lý giải.
8 đề xuất cải cách mang tính đột phá
Ở giai đoạn hiện nay, ông Wim Douw đề xuất, Việt Nam muốn chuyển sang FDI thế hệ mới, cần chuyển được từ tình trạng thiếu kỹ năng sang khả năng thừa cung cấp kỹ năng cao.
“Phải lượng hoá được vấn đề vì hiện nay giải pháp đầu tiên là triển khai các giải pháp tăng cung đối với những kỹ năng chính để thúc đẩy FDI thế hệ mới”, ông Wim Douw đề xuất.
Đặc biệt, thay mặt nhóm nghiên cứu của IFC, ông Wim Douw đề xuất 8 khuyến nghị cải cách mang tính đột phá.
Thứ nhất, thành lập “Cục Quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới” có đủ thẩm quyền và chức năng lồng ghép cao hơn để chỉ đạo việc thực hiện Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.
Thứ hai, hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư - bao gồm phạm vi các hoạt động xúc tiến đầu tư, cách tiếp cận, công cụ và các chỉ số hiệu quả FDI được sử dụng.
Thứ ba, thực hiện các chính sách, giải pháp cụ thể làm tăng liên kết thượng nguồn và hiệu ứng lan toả công nghệ nhờ FDI, đặc biệt trong nhóm những nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm hiệu quả khi tới Việt Nam.
Thứ tư, đẩy mạnh nguồn cung lao động có tay nghề để tạo điều kiện thu hút FDI thế hệ mới. Nguồn cung lao động có tay nghề cao sẽ là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh về thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ năm, giới thiệu “Môi trường kinh doanh 4.0” tương xứng với nhu cầu của nhà đầu tư trong kỷ nguyên công nghệ số,đồng thời hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư thế hệ mới và duy trì đầu tư trên cơ sở thực hiện những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư được ban hành trong năm 2018.
Thứ sáu, rà soát toàn bộ khung chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay và tái thiết cân bằng giữa các chính sách ưu đãi “dựa trên lợi nhuận” với ưu đãi “dựa trên hiệu quả đầu tư”, theo đó cần đưa các quy định tương ứng về ưu đãi từ Luật Đầu tư vào Luật Thuế và Luật Hải quan, với sự hỗ trợ của một hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả.
Thứ bảy, mở cửa các ngành dịch vụ quan trọng để thúc đẩy năng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng đối với đầu tư nước ngoài, bao gồm các ngành giáo dục, logistics, dịch vụ tài chính.
Thứ tám, ban hành chiến lược, chính sách xúc tiến đầu tưở nước ngoài phù hợp với thông lệ tối ưu và các ngành ưu tiên chiến lược.
Mặc dù đồng tình với việc thay đổi cơ quan quản lý cấp trung ương, ông Đậu Anh Tuấn (VCCI) cho rằng, cần có cơ chế để đưa định hướng này xuống được chính quyền cấp tỉnh.
Nhận đình rằng, mô hình ban xúc tiến đầu tư của các tỉnh hiện đang rất lúng túng, chưa có chuẩn mực, chưa có sự thuận lợi, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc cần làm là phải đề xuất mô hình của cơ quan xúc tiến đầu tư của các tỉnh, vì đó là các đơn vị quyết chất lượng của thu hút đầu tư FDI tại các địa phương./.
Bình luận