Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 bước đầu đã góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1- 1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4-5%/năm). Chương trình tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống ở vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, góp phần giảm nghèo bền vững.

Kết quả giảm nghèo chưa bền vững
Về lâu dài, tác động của Chương trình giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên thoát nghèo bền vững, vượt lên mức sống tối thiểu

Việc tiếp tục thực hiện Chương trình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, ổn định xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở các địa bàn khó khăn, trọng yếu trên phạm vi cả nước. Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (việc làm, y tế , giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh…).

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ khẩn trương thực hiện thủ tục thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 ngay sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình; chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình… Hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo được ban hành toàn diện.

Về lâu dài, tác động của Chương trình giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên thoát nghèo bền vững, vượt lên mức sống tối thiểu, tự giải quyết được vấn đề nghèo đói, cũng như những nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của cộng đồng và nhà nước; giúp các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai Chương trình còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, hoạt động về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 và về giáo dục nghề nghiệp còn chậm so với yêu cầu tiến độ quy định tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg, ngày 12/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; một số văn bản hướng dẫn sau khi ban hành còn vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình tại địa phương; việc phân bổ vốn còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ; kết quả giảm nghèo chưa bền vững do người dân dễ rơi vào tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới vì các lý do khách quan; một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững…

Đề xuất giải pháp

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đến năm 2025, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2026-2030; ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện; tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo…

Kết quả giảm nghèo chưa bền vững
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội

Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả nghị quyết của cấp ủy về giảm nghèo; phân công cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, địa bàn khó khăn.

Đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo...

Tiếp tục tăng cường công tác giám sát, đánh giá; thanh tra, kiểm tra thực hiện Chương trình tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.

Thực hiện hiệu quả việc lồng ghép việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn cả nước, nhất là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình, đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế…/.